Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ: Hoạt động nghiên cứu khoa học đạt nhiều kết quả nổi bật

Thứ năm - 09/12/2021 14:53
Là đơn vị trực thuộc trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (ASISOV) luôn chú trọng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn sản xuất mang lại những thành quả tích cực phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Định nói riêng và vùng Duyên hải Nam Trung bộ nói chung.
Mô hìnhsản xuất giống lúa ANS1 do Viện ASISOV chọn tạo.
Mô hìnhsản xuất giống lúa ANS1 do Viện ASISOV chọn tạo.
Nguồn nhân lực của Viện hiện có 04 Tiến sỹ, 29 Thạc sỹ, 36 đại học và các trình độ khác 07 người. Viện cũng chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ. Trong năm 2021, Viện có 5 cán bộ được đào tạo trình độ Tiến sĩ và thạc sĩ trong nước; có 04 cán bộ được đào tạo nước ngoài.  
“Lãnh đạo của Viện đặc biệt quan tâm chú trọng công tác NCKH, chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, cùng với lợi thế nguồn nhân lực của Viện đa số là cán bộ trẻ, năng động và giàu kinh nghiệm, trong nhiều năm liền Viện có hàng loạt đề tài, dự án nghiên cứu khoa học được nghiệm thu xuất sắc, nhiều giải pháp tham dự và đoạt giải cao tại các Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật cấp tỉnh” – TS. Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng Viện ASISOV chia sẻ.
Vừa qua, tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XII (2020-2021), do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường có số lượng giải pháp tham dự không nhiều, chỉ với 5 giải pháp, có 3 giải pháp đạt giải, trong đó 2 giải cao nhất thuộc về các tác giả của ASISOV.Đó là giải pháp “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới An Sinh 1399 (ANS1) ngắn ngày, phù hợp cơ cấu sản xuất và thích nghi với biến đổi khí hậu tại Bình Định” của Ths. Tạ Thị Huy Phú cùng nhóm cộng sự đoạt giải nhất, giải pháp “Giống lạc mới LDH09 có khả năng chịu mặn, kháng bệnh héo xanh, phù hợp trên đất cát ven biển tại Bình Định” của ThS. Trương Thị Thuận và nhóm cộng sự đoạt giải nhì.
Ban giám khảo đánh giá cao tính sáng tạo của các giải pháp kỹ thuật này, các tác giả đã có sự đầu tư rất lớn, hiệu quả mang lại đã được ghi nhận bằng chính thực tế sản xuất của người dân. Với giống lúa An Sinh1399 (ANS1)  ngắn ngày, năng suất trung bình trong 2 vụ chính đạt từ 66,5 - 73,5 tạ/ha và cao hơn năng suất bình quân của đại trà từ 2,9 - 4,4%. Những năm gần đây, diện tích gieo trồng lúa An Sinh 1399 ước tính hàng năm khoảng 10.000 ha, sản lượng gia tăng ít nhất từ 3.000 - 4.000 tấn.
Giống lạc LDH.09 có khả năng chịu mặn, kháng bệnh héo xanh, phù hợp trên đất cát ven biển được khảo nghiệm và sản xuất thử trên địa bàn tỉnh Bình Định từ năm 2016 đến nay với khoảng 400ha/năm, năng suất bình quân đạt trên 35 tạ/ha và cao hơn khoảng 16,5% so với giống lạc L14 trên cùng chân đất canh tác.
Trong năm 2021, Viện đã công bố lưu hành giống lạc LDH.09 này cho vụ Đông Xuân, vụ Hè Thu tại các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Quy mô áp dụng trung bình 1.000 ha/năm. Đây là giống lạc có lợi thế cho sản xuất lạc ăn tươi, năng suất tươi trung bình đạt từ 8,0 - 9,0 tấn/ha, doanh thu trung bình đạt 120 triệu đồng/ha, lợi nhuận từ 70-90 triệu đồng/ha.
7cdebdcf20d5e88bb1c4
Mô hình trình diễn giống lạc LDH.09 do Viện ASISOV chọn tạo

Ngoài ra, hoạt động KHCN trong năm 2021 của Viện cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật.  Được Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT công nhận 3 quy trình canh tác lúa: Quy trình kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến cho vùng Bắc Trung bộ với lợi nhuận tăng 7,7-8,6 triệu đồng so với đối chứng. Quy mô áp dụng trên 2.000 ha/năm; Quy trình kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến cho các tỉnh phía Bắc vùng Nam Trung bộ với lợi nhuận tăng 6,5-7,0 triệu đồng so với đối chứng. Quy mô áp dụng trên 500 ha/năm; Quy trình kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến cho các tỉnh phía Nam vùng Nam Trung bộ với lợi nhuận tăng 6,2-7,5 triệu đồng so với đối chứng. Quy mô áp dụng trên 1.000 ha/năm.
Trên cơ sở kết quả đạt được, Viện đã thực hiện có hiệu quả hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ. Năm 2021, Viện đã cung ứng cho sản xuất trên 1.250 tấn giống lúa các cấp, hơn 03 tấn giống lạc, trên 5.000 cây ăn quả các loại và các loại vật tư phục vụ nông nghiệp khác với tổng doanh thu trên 19 tỷ đồng. Công tác quảng bá giới thiệu các giống lúa mới đã được Viện thực hiện tốt, cụ thể: Đã xây dựng được 34 mô hình trình diễn các giống lúa mới (BĐR27, BĐR57, BĐR17, BĐR999, BĐR36 và An Sinh 1399) với diện tích 122 ha tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Gia Lai, Quảng Nam, Khánh Hòa và Ninh Thuận; phối hợp với các địa phương tổ chức được 22 lớp tập huấn cho 980 nông dân, 18 hội thảo đầu bờ với trên 900 đại biểu tham dự. Viện đã xây dựng “Chiến lược nghiên cứu, phát triển của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” và đã được Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 606/QĐ-KHNN-KH ngày 15 tháng 9 năm 2021.
Về kế hoạch hoạt động năm 2022, ông Vũ Văn Khuê cho biết: Viện sẽ tiếp tục quan tâm công tác phát triển các giống cây trồng mới; nghiên cứu, nhận diện các sản phẩm có triển vọng (giống và quy trình công nghệ) để công nhận và phát triển ra sản xuất. Tăng cường tìm kiếm các nhiệm vụ KHCN ở các địa phương trong vùng và các Bộ, ngành TW. Đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ của Viện, đặc biệt tập trung vào các giống bản quyền của Viện tạo ra để vừa nhanh chóng đưa tiến bộ của Viện vào sản xuất và vừa có nguồn thu đảm bảo kinh phí hoạt động của Viện.

Tác giả bài viết: Kim Thoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập3
  • Hôm nay227
  • Tháng hiện tại100,234
  • Tổng lượt truy cập2,021,576
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây