Giải pháp thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức KH&CN trong hoạt động phản biện xã hội

Thứ ba - 24/12/2019 20:09
Đó là chủ để của hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức ngày 19/12/2019 với sự tham gia của đại diện các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam. TS. Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc và chủ trì hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Là một tổ chức chính trị-xã hội đại diện cho trí thức KH&CN, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tập hợp được 149 hội thành viên (86 hội ngành toàn quốc và 63 Liên hiệp Hội các tỉnh/thành phố). Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội Việt Nam còn có 492 tổ chức KH&CN ngoài công lập hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau tập trung vào các lĩnh vực phát triển cộng đồng; y học, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; năng lượng; nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ năng lực doanh nghiệp; nghiên cứu chính sách, pháp luật….Theo số liệu của Văn phòng Đăng ký hoạt động KH&CN thì số lượng tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam chiếm khoảng ¼ tổng số tổ chức KH&CN ngoài công lập đã được đăng ký trên phạm vi cả nước.

Theo bà Bùi Kim Tuyến, Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPB&GĐXH) Liên hiệp Hội Việt Nam, các tổ chức KH&CN đang tham gia ngày càng nhiều vào công đoạn trong quá trình xây dựng chính sách, đóng góp ý kiến, đề xuất sáng kiến đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Một số hoạt động TVPB&GĐXH mà các tổ chức KH&CN của Liên hiệp Hội Việt Nam đã triển khai như: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng (RTCCD) giúp Ủy ban các vấn đề xã hội có thêm thông tin khi thẩm tra Luật Bảo hiểm xã hội; Trung tâm GreenID có những khuyến nghị tới Bộ Công Thương trong quá trình xây dựng Quy hoạch Điện 7; Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức bản địa và phát triển (CIRD) phối hợp với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Tổng cục Lâm nghiệp tiến hành hàng loại các đợt khảo sát, đánh giá và hội thảo tham vấn để cung cấp luận cứ khoa học vận động sửa đổi, thay thế Luật Bảo vệ Phát triển rừng/Luật Lâm nghiệp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của hộ gia đình và cộng đồng….

Qua các kết quả nổi bật trên cho thấy, hoạt động TVPB&GĐXH và vận động chính sách của các tổ chức KH&CN trực thuộc thời gian qua đã có những đóng góp đáng kể, góp phần cung cấp các cơ sở khoa học, các giải pháp để các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách có thêm thông tin trước khi ra quyết định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật đó, hoạt động của các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam cũng còn tồn tại không ít những khó khăn, thách thức. Đó là vai trò, vị thế của các tổ chức KH&CN còn hạn chế; quy mô, nguồn lực hoạt động nhỏ dẫn đến khó tham gia vào các hoạt động TVPB&GĐXH. Nhiều cơ quan, tổ chức vẫn còn e dè, chưa thực sự tin tưởng các tổ chức “ngoài nhà nước” hoặc “tổ chức phi chính phủ”. Theo TS. Nguyễn Vi Khải, nguyên Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học thì cho rằng hoạt động TVPB&GĐXH còn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được với nhu cầu của xã hội trước nhiều vấn đề bức xúc của dân, nhất là lĩnh vực văn bản pháp luật khi có tới hàng chục ngàn văn bản sai trái.


 

giai phap sinh thanh 2
Ông Ngô Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm CIRD phát biểu tại hội thảo

Trung tâm CIRD chia sẻ: do nguồn nhân lực còn hạn chế cả về số lượng, kỹ năng, kiến thức và cả nguồn lực tài chính nên  sẽ là cản trở lớn cho các tổ chức KH&CN khi tham gia vào hoạt động TVPB&GĐXH.

Đề cập đến những giải pháp để phần nào khắc phục những khó khăn, hạn chế, phát huy tiềm năng, lợi thế của các tổ chức KH&CN, PGS.TS. Nguyễn Hữu Tri, Viện Đào tạo – Nghiên cứu về Tổ chức và Hành chính cho rằng cần tập trung và 3 nhóm giải pháp trong đó nhóm giải pháp thứ nhất tập trung đối với bản thân các tổ chức KH&CN đó là phải nâng cao năng lực của chính tổ chức của mình. Từ đó, các tổ chức KH&CN mới đủ khả năng cạnh tranh cũng như tham gia nhiều hơn vào các hoạt động TVPB&GĐXH. Nhóm giải pháp thứ hai cũng là giải pháp cơ bản đó là lựa chọn hình thức TVPB gián tiếp thông qua đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn.  Nhóm giải pháp cuối cùng thuộc về Liên hiệp Hội Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ cũng không nằm ngoài việc mở rộng đào tạo, nâng cao kiến thức khoa học, cập nhật thực tiễn và chia sẻ kinh nghiệm.

Trên cơ sở các thảo luận, đánh giá, phân tích từ nhiều góc độ khác nhau, các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam cũng nêu lên một số những kiến nghị để hoạt động này có hiệu quả hơn. TS. KTS. Lê Thị Bích Thuận, Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng thuộc Tổng hội Xây dựng đề nghị khi triển khai hoạt động TVPB&GĐXH cần có thời gian nhất định để tiến hành TVPB cũng như có cơ chế tài chính phù hợp nhằm lấy ý kiến rộng rãi và khách quan hơn. Một số ý kiến của các đại biểu khác đề cập đến sự minh bạch thông tin; Nhà nước và các cơ quan, tổ chức cần có cách nhìn cởi mở hơn đối với các tổ chức KH&CN ngoài công lập cũng như có cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích các tổ chức này đóng góp ngày càng có hiệu quả vào sự phát triển chung của đất nước.
 

giai phap sinh thanh 3
TS. KTS. Lê Thị Bích Thuận, Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng thuộc Tổng hội Xây dựng phát biểu tại hội thảo

Tác giả bài viết: Tin, ảnh: Minh Khôi

Nguồn tin: vusta.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập10
  • Hôm nay2,112
  • Tháng hiện tại91,516
  • Tổng lượt truy cập2,154,061
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây