Hiệu quả cao từ đề tài phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ tỉnh Bình Định giai đoạn 2015-2020

Thứ ba - 26/01/2021 15:32
Nhiều năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm đầu tư chương trình lai cải tạo đàn bò nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh đối với chăn nuôi bò cũng như đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi.
Ông Trần Văn Hạnh-Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp đánh giá cao hiệu quả của Đề án
Ông Trần Văn Hạnh-Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp đánh giá cao hiệu quả của Đề án
Từ đó, chăn nuôi bò thịt đã có bước chuyển biến khá rõ từ hình thức chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi thâm canh, bán thâm canh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế đối với ngành chăn nuôi bò thịt. Hơn nữa, công tác nghiên cứu Khoa học & Công nghệ trong những năm qua có nhiều đóng góp quan trọng trong khảo nghiệm giống, xây dựng các quy trình chăn nuôi một số gia súc, gia cầm trong đó có bò lai chuyên thịt; nông dân Bình Định có nhiều kinh nghiệm và biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi bò, các mô hình chăn nuôi bò thịt quy mô gia trại, trang trại thâm canh bước đầu được hình thành làm thay đổi về nhận thức và tập quán nuôi bò truyền thống, các tiến bộ kỹ thuật về nuôi vỗ béo bò, ủ rơm với urê, ủ chua thức ăn xanh đã được nông dân áp dụng thành công vào sản xuất.
Bình Định là một trong những tỉnh có tổng đàn bò lớn của cả nước, kết quả công tác cải tạo đàn bò những năm qua đặc biệt là đề án “Phát triển giống bò thịt, bò sữa tỉnh Bình Định giai đoạn 2010-2015” và đề án “Phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tỉnh Bình Định giai đoạn 2015-2020” đã đưa tỉ lệ bò lai từ 65% (2010) đạt hơn 76% (2014) và đạt 85% (2019); khối lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2019 đạt 33.243,76 tấn, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2014, đàn bò cái nền lai Zebu có tỷ lệ máu lai trên 75% chiếm phần lớn trong  tổng đàn bò cái, đó là cơ sở và là nguồn nguyên liệu đảm bảo để triển khai chương trình bò thịt chất lượng cao đạt hiệu quả. Từ năm 2015 đến năm 2020, tổng số bê lai sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo trên toàn tỉnh đạt 359.484 con, trong đó có 144.907 con bê lai hướng thịt chất lượng cao. Đối với công tác lai tạo bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, kết quả thực hiện đều đạt và vượt so với kế hoạch hàng năm. Phẩm giống của bê, bò lai của giống Brahman, Drought Master phù hợp với thị hiếu của nguời chăn nuôi, đáp ứng theo định hướng chọn bò cái nền làm giống sinh sản. Phẩm giống của bê, bò lai của giống bò thịt chất lượng cao như: Red Angus, BBB được người chăn nuôi đánh giá cao, ủng hộ mạnh mẽ, đáp ứng theo định hướng chăn nuôi bò thịt. Chất lượng bê sinh ra phù hợp với yêu cầu của người chăn nuôi cả về ngoại hình, tầm vóc và bê lai sinh ra sinh trưởng phát triển tốt. Các giống bò thịt chất lượng cao có tăng trọng cao, khả năng sử dụng thức ăn tốt, phẩm chất thịt xẻ cao, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người chăn nuôi.
 
Đề án “Phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tỉnh Bình Định giai đoạn 2015-2020” đã triển khai tại 11 huyện, thị xã, thành phố với nhiều nội dung, nhưng nội dung lai tạo giống bò là quan trọng và chủ yếu nhất. Chỉ có 32/159 xã thực hiện lai tạo bò thịt chất lượng cao năm 2015, đến nay đã bổ sung lên đến 104/159 xã trên toàn tỉnh. Hiện có đến 117 kỹ thuật viên thụ tinh nhân tạo bò đang hoạt động trên các địa phương trong tỉnh; các dẫn tinh viên  có trình độ, kỹ thuật, kinh nghiệm và được trang bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ. Với nguồn thu nhập khá và ổn định nên công tác thụ tinh nhân tạo bò được thực hiện tốt, có một số chỉ tiêu kỹ thuật bình quân trong toàn tỉnh cao hơn  so với yêu cầu đặt ra. Đã thực hiện xây dựng 3 chợ bò tại xã Nhơn Lộc, xã Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn) và xã Phước An (huyện Tuy Phước), mỗi chợ có diện tích 1.500 m2 với đầy đủ các hạng mục công trình. Đây là những địa phương có chăn nuôi bò thịt phát triển mạnh, thương lái thu gom mua bán bò hoạt động nhiều. Xây dựng các chợ bò nhằm mục đích giúp người chăn nuôi nắm bắt được giá cả thị trường bò thịt, bò giống; từ đó dễ thực hiện việc mua, bán và tránh bị chèn ép, có kế hoạch chăn nuôi hiệu quả cao hơn. Các địa phương cũng đã xây dựng phương án và đưa vào hoạt động chợ bò Nhơn Lộc và chợ Bò Phước An. Trong năm 2020, Nhãn hiệu chứng nhận bò thịt chất lượng cao Bình Định đã được hoàn tất và công bố, có 117 hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Định đủ điều kiện và được cấp Giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Bò thịt chất lượng cao Bình Định. Từ đây, chúng ta tiến tới xây dựng chiến lược kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ và quảng bá thương hiệu bò thịt và thịt bò chất lượng cao Bình Định.
Từ năm 2016 đến năm 2020, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 62 mô hình chăn nuôi thâm canh bò thịt chất lượng cao ở các huyện, thị xã trong tỉnh. Mỗi mô hình nuôi 10 con bê lai chất lượng cao (giống BBB và Red Angus) khoảng 6 tháng tuổi, nuôi trong thời gian 12 tháng, bò có tăng trọng cao (khối lượng hơi lúc 18 tháng tuổi đạt bình quân 450 kg), khả năng thu nhận thức ăn tốt, ngoài cỏ trồng còn sử dụng phụ phẩm nông nghiệp và thức ăn tinh sẵn có tại địa phương. Kỹ thuật chăn nuôi dễ tiếp thu và áp dụng, không xảy ra dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi, từ đó người chăn nuôi tiếp tục di trì và nhân rộng mô hình tại nhiều địa phương trong tỉnh. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí của đề án, các hộ chăn nuôi của 3 huyện miền núi Vĩnh Thạnh, An Lão và Vân Canh được hỗ trợ 123 con bò đực giống (mỗi hộ 1 con) sử dụng để phối giống trực tiếp tại các vùng có điều kiện đi lại khó khăn, công tác thụ tinh nhân tạo không thực hiện được, chất lượng đàn bò cái nền sinh sản thấp. Tất cả bò đực giống được hộ chăm sóc nuôi dưỡng tốt và sử dụng phối giống cho bò cái nền tại gia đình và thực hiện dịch vụ phối giống tại địa phương.
bo thit 2
Bà con tham quan mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại Hoài Nhơn
Hiệu quả kinh tế mang lại từ Đề án là khá cao, tăng tỷ lệ bò lai so với tổng đàn cả tỉnh từ 76% (năm 2014) lên 87% năm 2020, bê thịt chất lượng cao (giống BBB, Red Angus, Wagyu) trước năm 2015 không có và đã tăng dần qua các năm (năm 2016 chiếm 16,6% đến năm 2020 đạt khoảng 65 % tổng đàn bê lai sinh ra). Tổng doanh thu chăn nuôi bò theo chương trình đề án là 13.451,6 tỷ đồng, chênh lệch giữa tổng doanh thu bán bò và tổng chi phí phát triển chăn nuôi bò theo chương trình đề án trong 5 năm 3.542,8 tỷ đồng, với tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu là 26% so với tổng doanh thu và giá trị tăng thêm của việc chăn nuôi bò thịt chất lượng cao cao hơn khoảng 39% so với bò lai Zebu. Đề án đã có ý nghĩa xã hội rất lớn, góp phần quan trọng thực hiện chuyển đổi giống vật nuôi theo hướng sử dụng giống mới, năng suất, chất lượng cao, khai thác hiệu quả các tiềm năng sẵn có của địa phương, tăng giá trị hàng hoá ngành chăn nuôi; giải quyết việc làm cho khoảng hơn 14.000 lao động nông nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao trình độ thâm canh cho người chăn nuôi và góp phần vào phát triển kinh tế hộ bền vững.
Tuy vậy, chúng ta cũng còn một số thách thức như đàn bò lai chiếm tỷ lệ cao trong tổng đàn nhưng chủ yếu là bò lai Zebu, bò thịt chất lượng cao tuy có tăng về số lượng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Trong xu hướng Việt Nam ngày càng xâm nhập sâu vào thị trường khu vực và thế giới, bò thịt các nước nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều, đặc biệt bò Úc, chất lượng bò nước ngoài cao và giá cả thấp, tạo sự cạnh tranh bất lợi đối với người chăn nuôi bò trong nước nói chung, của tỉnh Bình Định nói riêng.  Thiếu đồng cỏ, bãi chăn thả và đồng cỏ tự nhiên ngày càng bị thu hẹp do các địa phương phát triển mạnh trồng rừng sản xuất, tỉnh đã có chủ trương khuyến khích nông dân chuyển đổi một số đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cỏ cho chăn nuôi nhưng nhiều hộ vẫn chưa mạnh dạn thực hiện. Nhìn chung, sản phẩm chăn nuôi bò thịt Bình Định hiện tại có thị trường tiêu thụ trong nước, tuy nhiên thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi vẫn còn gặp khó khăn do hệ thống thu gom, lưu thông, phân phối, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm chưa được liên kết chặt chẽ, cộng với phương thức giao dịch mua bán với người chăn nuôi chưa thật sự khoa học, đã làm ảnh hưởng đến thu nhập và hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi bò. Trong chăn nuôi bò thịt, đòi hỏi vốn lớn, tuy nhiên nguồn vốn của người nông dân còn hạn chế, vốn vay ngân hàng người nông dân khó tiếp cận.
Đề án nhận được sự đánh giá, ủng hộ rất cao của chính quyền và nhân dân các địa phương trong tỉnh, đề nghị được mở rộng và triển khai trong những năm tiếp theo. Và UBND Tỉnh đã ban hành Quy định nguồn kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021-2025. Các huyện, thị xã và thành phố xây dựng kế hoạch phối giống bò và dự toán kinh phí mua các loại vật tư thụ tinh nhân tạo bò năm 2021; Trung tâm Giống nông nghiệp sẽ cấp bổ sung bình chứa để bảo quản tinh và chứa Nitơ lỏng cho các địa phươngcòn thiếu, đào tạo mới 20 dẫn tinh viên thụ tinh nhân tạo bò để bổ sung cho các xã thiếu dẫn tinh viên. Trong thời gian đến, mở rộng vùng phối giống bò thịt chất lượng cao đến các xã mà ở đó có đàn bò cái nền đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật ( tỷ lệ máu lai, khối lượng cơ thể...) và đảm bảo yêu cầu về chăm sóc nuôi dưỡng. Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn tiếp theo được chính quyền các cấp và  người chăn nuôi trong địa bàn tỉnh mong đợi, hướng ứng cao và hy vọng sẽ mang lại hiệu quả cao và ổn định trong chăn nuôi bò thịt.

Tác giả bài viết: Minh Hiển (Hội Chăn nuôi – Thú y Bình Định)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập17
  • Hôm nay2,480
  • Tháng hiện tại50,800
  • Tổng lượt truy cập1,893,718
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây