Ghi nhận từ Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ 12 (2020-2021)

Thứ tư - 27/10/2021 09:02
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ 12 (2020-2021) có số lượng giải pháp tham dự giảm so với mọi năm nhưng chất lượng được nâng lên, nhiều sáng tạo thiết thực, đi vào chiều sâu giải quyết các vấn đề cấp thiết trong thực tiễn lao động và sản xuất.
Giải pháp “Nghiên cứu vận dụng phương pháp dạy học theo dự án hướng tích hợp khoa học tự nhiên (Vật lý, hóa học, sinh học) ở trường THCS, tỉnh Bình Định” của ThS. Lê Ngọc Vịnh và cộng sự (Sở GD&ĐT) giúp học sinh phát huy năng lực...
Giải pháp “Nghiên cứu vận dụng phương pháp dạy học theo dự án hướng tích hợp khoa học tự nhiên (Vật lý, hóa học, sinh học) ở trường THCS, tỉnh Bình Định” của ThS. Lê Ngọc Vịnh và cộng sự (Sở GD&ĐT) giúp học sinh phát huy năng lực...
Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ 12 (Hội thi) khép lại với với 36 giải pháp đạt giải trong tổng số 51 giải pháp tham dự. Cụ thể: 04 giải nhất, 08 giải nhì, 06 giải ba và 18 giải khuyến khích tương ứng với 06 lĩnh vực dự thi.
Hội thi triển khai trong thời điểm diễn biến dịch Covid-19 khá phức tạp, nhưng Ban Tổ chức cũng đã phối hợp đồng bộ với các cấp ngành liên quan cùng với sự năng động tích cực của đội ngũ phóng viên Báo, Đài, Hội thi tiếp tục lan tỏa, nhận được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ngoài những đơn vị thường xuyên có các giải pháp tham dự và đạt giải cao như Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ…, sự xuất hiện của một số tác giả và nhóm tác giả là học sinh khối THCS và THPT, các đơn vị như Trung tâm Khám phá khoa học Bình Định lần đầu tham dự và đạt giải cũng là nét mới của Hội thi. Điều đó góp phần khẳng định, qua 12 lần tổ chức Hội thi đã trở thành sân chơi hấp dẫn, không chỉ là nơi gửi gắm những thành quả nghiên cứu của các nhà khoa học mà còn là nơi thỏa sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân.
Ban Tổ chức cũng đã linh hoạt thay đổi phương thức triển khai chấm thi để Hội thi diễn ra đúng tiến độ, đảm bảo kết quả công bằng, khách quan và chính xác. Hơn 50 thành viên Ban giám khảo Hội thi đến từ các cơ quan, ban ngành, Trường Đại học, Cao đẳng, Bệnh viện, Trung tâm y tế của tỉnh… là những chuyên gia phù hợp với các chuyên ngành của các giải pháp dự thi, nhiều giám khảo đã có kinh nghiệm chấm thi từ các Hội thi trước. Mặc dù bận việc tại các cơ quan, đơn vị nhưng các thành viên Ban giám khảo đã nhiệt tình tham dự với tinh thần trách nhiệm cao, chấp hành đúng qui định, làm việc một cách nghiêm túc, khoa học, khách quan, trung thực và công bằng, chọn ra những giải pháp xứng đáng đề nghị xét trao giải thưởng.
“Hội thi năm nay có số lượng giải pháp tham dự không nhiều nhưng chất lượng được nâng lên. Đặc biệt, ở các lĩnh vực: Công nghệ thông tin; giáo dục đào tạo; vật liệu, hóa chất, năng lượng có sự vượt trội hơn so với mọi năm, các giải pháp đi vào chiều sâu, giải quyết được những vấn đề cấp bách của cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Nhiều giải pháp suýt soát về kết quả nên Ban Tổ chức Hội thi cũng đã cân nhắc rất kĩ để xếp giải một cách chuẩn xác đúng với tiêu chí Hội thi và xứng đáng với công sức, tâm huyết của các tác giả” – Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, Trưởng ban Ban Tổ chức Hội thi cho biết.
Ở các lần thi trước, lĩnh vực công nghệ thông tin chưa được quan tâm đúng mức với số lượng giải pháp tham dự khá “khiêm tốn”, Hội thi 12 đã nhận được nhiều giải pháp mang tính thời sự hướng vào giải quyết vấn đề dịch bệnh với sự hỗ trợ của công nghệ 4.0, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo; ứng dụng những công nghệ mới vào sản xuất đời sống và làm lợi cho cơ quan, đơn vị. Qua đó, thể hiện sự phát triển của công nghệ thông tin đã tác động tích cực đối với mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nhà. Điển hình như: “Hệ thống bản đồ jMap” của ThS.Đặng Minh Tấn (Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh) là một dạng website chuyên dụng đăng tải các loại bản đồ dưới dạng webgis. Giải pháp hướng vào đáp ứng nhu cầu của nhiều thành phần đối tượng như: Quản lý nhà nước, các công ty doanh nghiệp, người dân để có thể tra cứu thông tin địa chính, hiện trạng, quy hoạch sử dụng đất… Giải pháp góp phần nâng cao chất lượng của cải cánh hành chính để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội; tiết kiệm chi phí bản quyền phần mềm và đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin; giảm chi phí và thời gian đi lại cho người dân.
Giao diện jMap, đường link: https://www.quyhoachbinhdinh.vn

“Ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các giải pháp tham dự khá phong phú, các tác giả đã xây dựng đề tài nghiên cứu một cách bài bản, khoa học, đầu tư nhiều thời gian và tâm huyết. Bên cạnh những mô hình, thiết bị làm phương tiện giảng dạy một cách trực quan, còn có nhiều phương pháp dạy học tích cực, sáng tạo được đề xuất nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, phát triển năng lực học sinh” – PGS.TS Lê Công Trình,Trưởng khoa Toán – Thống kê, Trường Đại học Quy Nhơn; Trưởng tiểu ban giám khảo lĩnh vực này nhận xét. Năm nay, ThS. Lê Ngọc Vịnh – công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đạt giải nhất với một giải pháp mới “Nghiên cứu vận dụng phương pháp dạy học theo dự án hướng tích hợp khoa học tự nhiên (Vật lý, hóa học, sinh học) ở trường THCS, tỉnh Bình Định”. Đề tài này vận dụng phương pháp dạy học theo dự án, tích hợp dọc theo bộ môn khoa học tự nhiên, được coi là bước đón đầu xu hướng đổi mới giáo dục phổ thông. Tác giả đã thiết kế được bộ công cụ đánh giá năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cho học sinh, từ đó cụ thể hóa bằng điểm số. Điều này giúp đánh giá mang tính định lượng hơn, khoa học và rõ ràng, cho kết quả chính xác hơn, giúp giáo viên đánh giá thực chất hơn năng lực của học sinh. “Nếu như các phương pháp dạy học truyền thống chú trọng việc truyền tải kiến thức cho học sinh, thì phương pháp mới chú trọng việc dạy làm sao để các em vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống. Học sinh là người chủ động, tìm tòi khám phá nội dung của mỗi chủ đề bài giảng, chứ không thụ động, trông chờ thầy cô truyền đạt kiến thức. Phương pháp này tuy đặt ra nhiều thách thức đối với cả giáo viên và học sinh, nhưng qua thực tế triển khai thử nghiệm tại một số trường THCS trên địa bàn tỉnh Bình Định (2017-2020) đã nhận được kết quả tốt, tạo được hứng thú học tập cho học sinh” – Tác giả giải pháp chia sẻ.
Lĩnh vực Vật liệu, hóa chất, năng lượng và các lĩnh vực khác bắt đầu nhận được sự quan tâm của các tác giả với những giải pháp chất lượng. Hội thi năm nay, lĩnh vực này thu hút 4 giải pháp tham dự và cả 4 giải pháp đều đạt giải, gồm 1 nhất, 1 ba và 2 khuyến khích. Giải nhất thuộc về giải pháp “Nghiên cứu, chế tạo mực dẫn điện ứng dụng trong thiết kế mạch điện tử” của TS. Đỗ Phương Anh (Trường THPT Trần Cao Vân) và CN. Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Bình Định). 
Mặc dù có số lượng giải pháp tham dự giảm hơn một nửa so với mọi năm nhưng lĩnh vực Y dược vẫn tiếp tục khẳng định chất lượng với các giải pháp có tính ứng dụng cao mang lại lợi ích thiết thực trong công tác khám chữa bệnh, trong quá trình sản xuất và lưu thông thuốc trên địa bàn tỉnh. Giải nhất thuộc về giải pháp: “Quy trình phẫu thuật nội soi cắt bán phần dưới dạ dày do ung thư, phục hồi lưu thông tiêu hóa theo kỹ thuật Billroth I” của TTND. BSCKII Phạm Văn Phú và các cộng sự (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). TTND. BSCKII Phạm Văn Phú là gương mặt quen thuộc với Hội thi, nhiều năm liền bác sĩ đã có nhiều giải pháp đạt giải cao. Là người thầy thuốc tận tụy trong chuyên môn, bác sĩ Phạm Văn Phú còn rất cần mẫn nghiên cứu khoa học, dành nhiều thời gian để viết nên những công trình, giải pháp cải tiến, ứng dụng để điều trị bệnh nhân tốt hơn, rất có ý nghĩa đối với bệnh viện, bệnh nhân và cả ngành y.
TTND. BSCKII Phạm Văn Phú (thứ 2 từ trái sang) cùng cộng sự trong một ca phẫu thuật cho bệnh nhân.
Lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường có số lượng giải pháp tham dự không nhiều, với 5 giải pháp, trong đó có 3 giải pháp đạt giải. Giải nhất và nhì thuộc về các tác giả của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ. Đó là những giải pháp kỹ thuật chọn tạo và phát triển giống lúa, giống lạc mới có khả năng thích ứng cao, năng suất vượt trội được áp dụng rộng rãi trong tỉnh và khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên. Giám khảo đánh giá cao tính sáng tạo của các giải pháp kỹ thuật này, các tác giả đã có sự đầu tư rất lớn, hiệu quả mang lại đã được ghi nhận bằng chính thực tế sản xuất của người dân. Với giống lúa An Sinh1399 (ANS1)  ngắn ngày, năng suất trung bình trong 2 vụ chính đạt từ 66,5 - 73,5 tạ/ha và cao hơn năng suất bình quân của đại trà từ 2,9 - 4,4%. Những năm gần đây, diện tích gieo trồng lúa An Sinh 1399 ước tính hàng năm khoảng 10.000 ha, sản lượng gia tăng ít nhất từ 3.000 - 4.000 tấn. Giống lạc LDH.09 có khả năng chịu mặn, kháng bệnh héo xanh, phù hợp trên đất cát ven biển được khảo nghiệm và sản xuất thử trên địa bàn tỉnh Bình Định từ năm 2016 đến nay với khoảng 400ha/năm, năng suất bình quân đạt trên 35 tạ/ha và cao hơn khoảng 16,5% so với giống lạc L14 trên cùng chân đất canh tác. Ngoài ra, người dân các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Quảng Ngãi cũng tiếp nhận và mở rộng sản xuất được hơn 400 ha trên các chân đất chuyển đổi, đem lại hiệu quả kinh tế hơn 14 tỷ đồng.
Cơ khí, tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải cũng là lĩnh vực có số lượng giải pháp giảm đáng kể so với những lần thi trước. Chỉ với 6 giải pháp tham dự nhưng chất lượng được nâng lên, có sự xuất hiện của các cá nhân mới, trong đó có 2 tác giả trẻ đang học THPT. Các giải pháp tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng các loại vật liệu trong xây dựng nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, mang lại độ bền, thẩm mỹ cho các công trình dân dụng...
Là một trong các đơn vị có “truyền thống” tham gia trong các Hội thi trước, lần này Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn đã gửi 9 giải pháp tham gia và có đến 7 giải pháp đạt giải: 1 nhì, 1 ba và 5 khuyến khích. Đây cũng là đơn vị có số lượng giải pháp tham gia và đạt giải nhiều nhất tại Hội thi 12. “Trong các Hội thi thiết bị đào tạo tự làm được nhà trường tổ chức hằng năm, những giải pháp mà các giảng viên đưa ra đều xuất phát từ nhu cầu thực tế, phù hợp với chương trình đào tạo của nhà trường. Từ phong trào đó, giảng viên phát huy được năng lực sáng tạo mang đến cho sinh viên những giờ giảng hiệu quả, bổ sung vào danh mục thiết bị của trường,  góp phần giảm chi phí đầu tư. Qua hội thi, nhà trường thành lập hội đồng đánh giá lựa chọn các giải pháp có chất lượng tham gia các Hội thi sáng tạo cấp tỉnh và cấp quốc gia” – ThS. Phạm Văn Tường, Phó hiệu trưởng nhà Trường, chia sẻ.
Trong số các tác giả lần đầu đến với Hội thi, có các tác giả trẻ như Nguyễn Võ Hiền Khanh và Võ Trọng Tín học lớp 12A1 Trường PTDTNT THCS&THPT An Lão với giải pháp “Xe phun thuốc bảo vệ thực vật điều khiển từ xa sử dụng năng lượng xanh”; 2 học sinh Võ Thị Ngọc Trâm, Nguyễn Ngọc Tới,  lớp 9A2 Trường THCS Nguyễn Huệ, Tp. Quy Nhơn với giải pháp “Nhận diện và thực hiện làm mặt nạ Tuồng nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”. “Mặc dù kết quả đạt được không cao nhưng chúng em rất phấn khởi bởi nghiên cứu của mình được ghi nhận, tuyên dương. Đây cũng là động lực để chúng em cố gắng theo đuổi đam mê sáng tạo ra những giải pháp mới. Qua đó, cũng góp phần khuyến khích các bạn trẻ mạnh dạn thử sức ở một “sân chơi” mới” – Nguyễn Võ Hiền Khanh chia sẻ.
Trải qua 12 lần tổ chức, Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật đã trở thành nơi để các tác giả tin tưởng “gửi gắm” những thành quả nghiên cứu của mình với mong muốn ứng dụng hiệu quả, lan tỏa sâu rộng mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Mỗi một sáng tạo được công nhận, mỗi tác giả được vinh danh là động lực rất lớn để đội ngũ trí thức khoa học công nghệ tự tin “dấn thân” trên hành trình nghiên cứu khoa học.
Tuy chất lượng các giải pháp tham gia Hội thi 12 khả quan, nhưng nhìn chung Hội thi vẫn còn một số hạn chế nhất định. Một số đơn vị, địa phương, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh chưa tích cực tham gia. Nguyên nhân khách quan tác động do dịch covid-19 đã diễn ra khá phức tạp, công tác tuyên truyền và vận động tham gia Hội thi chưa thực sự đến được cấp huyện, thị xã, thành phố. “Thời gian tới, Ban Tổ chức mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ngành liên quan tạo điều kiện cho các đơn vị, cá nhân tham dự Hội thi đông đảo hơn. Từ đó, góp phần khích lệ phong trào lao động sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng đưa khoa học - kỹ thuật vào phục vụ sản xuất, đời sống, thực hiện quan điểm Khoa học công nghệ là động lực phát triển nhanh và bền vững” – TTND, BSCKII Nguyễn Thị Thanh Bình bày tỏ.

Tác giả bài viết: Kim Thoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập66
  • Hôm nay405
  • Tháng hiện tại56,999
  • Tổng lượt truy cập1,761,589
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây