Tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm

Thứ hai - 07/09/2020 07:48
“Có thể bạn không biết loài thủy sản mình đang kinh doanh được pháp luật bảo vệ! Hãy cẩn trọng! Đừng quảng cáo, kinh doanh các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm để tránh những hậu quả pháp lý đáng tiếc!”. Đó chính là những thông điệp tích cực được Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) là một tổ chức xã hội trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Tổng cục Thủy sản gửi đến các chủ nhà hàng trong Chiến dịch tuyên truyền giảm thiểu tình trạng buôn bán động vật hoang dã nói chung và các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm tại các nhà hàng hải sản nói riêng.
Các loài san hô thuộc Danh mục các loài nguy cấp, quý ,hiếm thuộc Nhóm I của Nghị định 26, chỉ được khai thác cho các mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo giống và hợp tác quốc tế
Các loài san hô thuộc Danh mục các loài nguy cấp, quý ,hiếm thuộc Nhóm I của Nghị định 26, chỉ được khai thác cho các mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo giống và hợp tác quốc tế
Tuy nhiên, để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm cần có sự chung tay vào cuộc sâu rộng của chính quyền các địa phương ven biển nhằm tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở kinh doanh trên địa bàn đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là ngư dân trong việc không khai thác, sử dụng các cá thể, sản phẩm, bộ phận cơ thể các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm không rõ nguồn gốc.
Nhiều loài thủy sản được liệt kê trong các Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật  tại Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES); Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; Nghị định 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP. Các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ chỉ được khai thác cho các mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu, hợp tác quốc tế hoặc vì mục đích khác nếu đáp ứng điều kiện về kích thước và thời hạn khai thác theo quy định tại Phụ lục II Nghị định 26.
thuy hai san1
Hình ảnh một số loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ở cấp độ cao nhưng thường bị quảng cáo, mua bán trái phép tại các nhà hàng.

Theo đó, tùy vào cấp độ bảo vệ của từng loài; giá trị và khối lượng của tang vật vi phạm, người có hành vi thu gom, mua bán, lưu giữ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển thủy sản có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 100 triệu đồng theo Điều 41 Nghị định 42/2019/NĐ-CP qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt lên đến 15 năm tù theo Điều 234, Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Những vi phạm tưởng chừng rất nhỏ như quảng cáo các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm như cá bàng chài vân song, cá mặt quỷ, cá hô, cá tra dầu, cá trà sóc, các loài cá mập (vi cá mập), các loài hải sâm, ốc tù và, rùa biển...trên thực đơn, biển hiệu hoặc các phương tiện điện tử khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng theo quy định tại Điều 50 Nghị định 158/2013/NĐ-CP qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn  hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP).
Vì vậy các doanh nghiệp hãy dừng ngay việc  quảng cáo, buôn bán các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm để bảo vệ chúng cũng như bảo vệ bản thân và cơ sở kinh doanh của mình. Đối với ngư dân cần tìm hiểu về danh mục các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ để tránh các vi phạm đáng tiếc do thiếu hiểu biết pháp luật. Liên hệ Đường dây nóng miễn phí bảo vệ động vật hoang dã 18001522của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) để được cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã hoặc giải đáp các thắc mắc liên quan đến hoạt động nuôi nhốt, quảng cáo, buôn bán những loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.
 

Tác giả bài viết: Ái Trinh (Hiệp hội Thủy sản Bình Định)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập9
  • Hôm nay5
  • Tháng hiện tại17,364
  • Tổng lượt truy cập1,562,249
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây