1. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2020, khoa học và công nghệ tỉnh ta có bước phát triển, nhận thức các cấp ủy đảng, chính quyền đã có chuyển biến tích cực, triển khai nhiều hoạt động đa dạng và đồng bộ với các nhiệm vụ, giải pháp, qua đó, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh. Hoạt động nghiên cứu ứng dụng, nhất là ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất đời sống đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cây trồng vật nuôi của tỉnh; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh đạt 35,82%; triển khai một số dự án khoa học và công nghệ có quy mô lớn, hình thành các sản phẩm trọng điểm của tỉnh như các sản phẩm dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp;ban hành nhiều chính sách, quy định làm nền tảng cho hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh như: Quy định hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chính sách trợ cấp đối với cán bộ, công chức được cử đi đào tạo, chính sách hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ…;đầu tư tiềm lực cho khoa học và công nghệ, nhất là đầu tư cho các tổ chức khoa học và công nghệ công lập được chú trọng; chất lượng đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ của tỉnh được nâng lên. Triển khai xây dựng Đề án “Phát triển Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”; thu hút được một số dự án công nghệ phần mềm, trí tuệ nhân tạo đầu tư trên địa bàn tỉnh. Hoạt động của Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành đóng vai trò là cầu nối, giới thiệu hình ảnh Bình Định đến với giới khoa học trong nước và thế giới.
2. Những kết quả nêu trên đã tạo tiền đề đến năm 2025, phát triển khoa học - công nghệ tỉnh ta tiếp tục thực hiện các mục tiêu cụ thể được đề cập trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh về “Phát triển khoa học - công nghệ tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025, đó là: (1) Tỉ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) bình quân cả nhiệm kỳ vào tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh đạt từ 38 - 42%. (2) Tốc độ đổi mới công nghệ đạt từ 17 - 20%/năm. (3) Hình thành mới ít nhất 10 doanh nghiệp khoa học và công nghệ (4). Hỗ trợ thương mại hóa cho từ 5 - 10 sản phẩm sáng tạo, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.(5) Đưa vào vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh (6) Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc cho ít nhất 10 sản phẩm chủ lực của tỉnh.(7) Xây dựng, phát huy hiệu quả của các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. (8) Hoàn thiện Khu đô thị Khoa học Quy Hòa; tập trung xây dựng Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ tại phường Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn.
3. Nhằm thực hiện có hiệu quả những mục tiêu nêu trên, từ nay đến năm 2025, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh tiếp tục tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, đó là:
Tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình hành động của Tỉnh ủy. Xây dựng và thực hiện chương trình phát triển khoa khọc và công nghệ thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phù hợp với điều kiện và đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Trong đó, tập trung đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng, nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ hiện đại trong các ngành, lĩnh vực; phát triển toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp, khuyến khích và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp bằng đổi mới sáng tạo. Nâng năng suất yếu tố tổng hợp lên 38% - 42%. Xây dựng cơ chế phù hợp gắn hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ với nhu cầu của doanh nghiệp và nền kinh tế; phát huy vai trò của Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) trong đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và tăng cường kết nối thông tin khoa học - công nghệ. Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ; tiếp tục xây dựng Bình Định trở thành điểm đến của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin của tỉnh; hình thành và phát triển bền vững hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh...
Tiếp tục phát triển thị trường khoa học công nghệ, hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm sáng tạo, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Nâng cao hiệu quả hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng và sở hữu trí tuệ, thông tin, thống kê khoa học và công nghệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...Tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch dự án Khu đô thị khoa học Quy Hòa. Triển khai xây dựng quy hoạch các khu vệ tinh nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ cao, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để phát triển Khu đô thị Khoa học Quy Hòa: Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ tại phường Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn; bán đảo Phương Mai...Tạo mọi điều kiện để các dự án tại Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa và các dự án trí tuệ nhân tạo tại Khu đô thị mới Long Vân đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả, góp phần tăng nhanh tiềm lực khoa học và công nghệ của tỉnh, nhất là các lĩnh vực liên quan đến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data) theo Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.