Kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2020): Tri ân và nối tiếp truyền thống vẻ vang của Phụ nữ tỉnh Bình Định (1930-1975)

Thứ tư - 21/10/2020 09:22
Ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập. Ngày 8/3/1965, đánh giá cao cống hiến của phụ nữ miền Nam: Đảng, Chính phủ, Bác Hồ đã tặng bức trướng thêu 8 chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” và Nhà nước đã tặng Phụ nữ miền Nam Huân chương Thành đồng hạng Nhất. Ngày 20/10/1966 Đảng và Bác Hồ tặng phong trào phụ nữ Việt Nam danh hiệu “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm - đảm đang - chống Mỹ cứu nước”. Phụ nữ Bình Định gắn với truyền thống thượng võ, bản sắc văn hóa mang tính đặc trưng của cộng đồng dân tộc. Ngoài 8 chữ vàng truyền thống của Phụ nữ Việt Nam được Bác Hồ khen tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Phụ nữ Bình Định còn có những tố chất riêng, trong suốt chiều dài lịch sử chống giặc ngọai xâm, tạo dựng và giải phóng quê hương, đất nước, phụ nữ đã có những cống hiến xứng đáng, anh dũng, kiên cường.
Kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2020):  Tri ân và nối tiếp truyền thống vẻ vang của Phụ nữ tỉnh Bình Định (1930-1975)
Bình Định được nhiều người biết đến là vùng đất “Địa linh nhân kiệt” quy tụ hiền tài, nơi phát tích của phong trào nông dân Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII, gắn liền với tên tuổi và công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Ngoài những bậc nam nhân, phụ nữ Bình Định cũng được biết đến qua câu ca dao lưu truyền bao đời nay: “Ai về Bình Định mà coi; Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền”, phụ nữ Bình Định gắn với truyền thống thượng võ, bản sắc văn hóa mang tính đặc trưng của cộng đồng dân tộc. Ngoài 8 chữ vàng truyền thống của Phụ nữ Việt Nam được Bác Hồ khen tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”; Phụ nữ Bình Định còn có những tố chất riêng, trong suốt chiều dài lịch sử chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng phụ nữ. Phụ nữ Bình Định  đã có những cống hiến xứng đáng, anh dũng, kiên cường. Đặc biệt là nữ cán bộ, công nhân, lao động Bình Định đã giữ vững và phát huy truyền thống và bản chất của giai cấp công nhân Việt Nam, lập được nhiều chiến công và thành tích vẻ vang, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của tỉnh và của cả nước.

Trong những năm đầu thế kỷ XX, nhiều cuộc đấu tranh của nữ công nhân lao động làm nghề thủ công trong tỉnh chống chế độ hà khắc của chế độ thực dân. Năm 1926, tổ chức Nữ công Học hội Bồng Sơn ra đời, hưởng ứng tư tưởng tiến bộ của các sỹ phu yêu nước, nhằm canh tân đất nước, đề cao vai trò phụ nữ, hô hào nam nữ bình quyền, chị em Nữ công Học hội Bồng Sơn tổ chức dạy nghề và tuyên truyền về vai trò người phụ nữ trong thời đại mới. Năm 1928, với sự kiện Đảng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội huyện Hoài Nhơn được thành lập, chị Võ Thi Chiên (Tam Quan Bắc) được vinh dự kết nạp lớp đảng viên đầu tiên.
Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 -1945), trong cuộc đấu tranh một sống một còn để bảo vệ Đảng, cơ sở cách mạng, đấu tranh chống khủng bố, đàn áp của địch, đòi quyền dân sinh dân chủ… chị em đã dũng cảm đảm nhiệm vai trò tích cực như: Chị Đỗ Thi Trâm nhận rải truyền đơn ở các làng An Lương, An Xuyên (Mỹ Chánh) nhân ngày Quốc tế lao động (1/5/1930) và ngày Quốc tế chống chiến tranh (1/8/1930); chị Tư (Tam Quan Nam) nuôi giấu cán bộ trong nhà, Chị Võ Thị Thúy, Trương Thị Điều (Tam Quan Bắc), Nguyễn Thị Châu, Phạm Thị Đảnh, Nguyễn Thị Thanh… là những liên lạc đáng tin cậy của Đảng bộ Hoài Nhơn; chị Võ Thị Chiên, mở tiệm may trên đường Tư Ích (Tam Quan) làm nơi liên lạc giữa các chi bộ phía Bắc và Trung  huyện Hoài Nhơn( nay là thị xã Hoài Nhơn. Năm 1937, nổ ra cuộc đấu tranh của hơn 500  nữ  công nhân Xưởng dệt An Thái (An Nhơn, nay là thị xã An Nhơn), chống lại giới chủ hà khắc, đánh đập và sa thải một nữ công nhân vố cớ. Năm 1942, cuộc đấu tranh của 500 chị em công nhân Nhà máy dệt Đờ- Li- Nhông ( Phú Phong , huyện Tây Sơn) đưa yêu sách đòi chủ Hảng không được cúp phạt, đòi tăng lương 20%, ngày làm việc 10 giờ giành thắng lợi.
Trong 9 năm kháng chiến chống thức dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ 2 (1945 -1954), phát huy thế mạnh của tỉnh là vùng tự do, là hậu phương lớn của cuộc kháng chiến ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên, chị em công nhân lao động các ngành dệt, giấy, sản xuất xà phòng, may… đã vượt mọi khó khăn, tích cực học nghề, thi đua lao động sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm, đóng góp công sức  xây dựng và bảo vệ hậu phương kháng chiến và chi viện đắc lực cho tiền tuyến, năm 1950 có 42.427 chị em học nghề, năng suất lao động nữ ngành sản xuất giấy tăng từ  500 tờ lên 1.600 tờ/ người;  năm 1953 toàn tỉnh sản xuất 144 tấn vải các lọai. Nhiều chị đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua được tuyên dương toàn Liên Khu V như : chị Cao Thị Châu, y tá  Xưởng  sản xuất vũ khí QB340.
Trải qua 21 năm chống Mỹ, cứu nước (1954 -1975), truyền thống nữ công nhân lao động trong tỉnh tiếp tục được phát huy và nhân lên gấp bội. Tiêu biểu là: nhiều cuộc đấu tranh của nữ CNLĐ thị xã Quy Nhơn (nay là thành phố Quy  Nhơn), thị trấn Bình Định, Bồng Sơn đòi thi hành Hiệp thương tổng tuyển cử. Cuộc đấu tranh của 6.000 lao động ngư nghiệp Quy Nhơn, Tuy Phước (1961), 3.000 lao động ngư nhiệp xã Phước Lý nhập thị Quy Nhơn (7/1964), được mệnh danh là “Sóng gầm Phước Lý” có tiếng vang khắp miền Nam.
Qua chiến đấu và phục vụ chiến đấu đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí tiến công, mưu trí, dũng cảm, năng động, sáng tạo. Đó là y tá Trần Thị Kỷ (xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, nay là thị xã An  Nhơn) trong lúc làm nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ thương binh, chị bị sa vào tay giặc, bị tra tấn mọi cực hình, chị không khai báo, chúng treo chị lên cành mít, dùng xăng thiêu sống, trước lúc chết chị hô vang: “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!, Hồ Chí Minh muôn năm!”. Hành động dũng cảm, tấm gương hy sinh cao cả của chị được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là tấm gương của nữ y tá K200 Hồ Thị Hạnh, tiêu biểu cho tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc, có những lúc chị đã thức trắng 5 đêm để chăm sóc thương binh, 200 lần phục vụ bên bàn mổ, tiêm 700 mũi thuốc không để xảy ra sơ xuất; là tấm gương của chị Võ Thị Sán ở Trường Lâm (huyện Hoài Nhơn, nay là thị xã Hoài Nhơn) đã vắt kiệt hai bầu sữa của mình để tiếp cho thương binh đang hấp hối vì mất máu (Phụ nữ Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975))
Tại Đại hội thi đua yêu nước Công-Nông-Binh lần thứ 2 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tỉnh Bình Định được tổ chức vào tháng 3/1969 đã tổng kết phong trào thi đua Công-Nông - Binh 3 năm (1966-198), điển hình như: Trần Cao Niên (Ngành giáo dục), đạt danh hiệu chiến  sĩ thi đua cấp ngành; cô giáo Y Gơ Rết (giáo viên huyện Vĩnh Thạnh) vừa là giáo viên tận tụy, vừa là du kích gan dạ đã từng tiêu diệt một lúc 2 tên giặc Mỹ giải thoát thương binh, đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp  tỉnh. Đại hội tuyên dương tập thể chị em các trạm của Ngành giao bưu, đã giữ vững mạch máu thông tin liên lạc trong mọi tình huống khó khăn nhất.
 Thực hiện 3 mũi giáp công đấu tranh chính trị, binh vận và quân sự, các chị luôn tham gia tích cực các cuộc đấu tranh chính trị và binh địch vận. Trong Quý I/1969 có 21 cuộc đấu tranh chính trị, với hơn 10.000 lượt CNLĐ, chủ yếu là nữ tham gia. Năm 1971, có 16 cuộc đấu tranh, hơn 50.000 lượt CNLĐ, chủ yếu là nữ tham gia. Năm 1972 có 196 cuộc đấu tranh, hơn 150.000 lượt CNLĐ, chủ yếu là nữ tham gia. Nhiều nữ cán bộ Công vận, Công đoàn được Đảng phân công hoạt động ở đô thị, đã bất chấp hy sinh, xây dựng cơ sở nòng cốt, vận động công nhân đấu tranh chính trị,  binh vận và vũ trang ngay trong cơ sở yết hầu của địch ở thị xã, thị trấn làm cho địch hoang mang, giao động và tan rã. Sự hy sinh và cống hiến cao cả đó là biểu hiện lòng trung thành tuyệt đối của nữ cán bộ, CNLĐ với Đảng, là tấm gương sáng cho các lớp nữ  CNVC- LĐ Bình Định học tập, noi theo.

Tác giả bài viết: Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập424
  • Hôm nay3,393
  • Tháng hiện tại103,400
  • Tổng lượt truy cập2,024,742
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây