Thâm canh cây ngô trên đất chuyển đổi, tăng thu nhập và hạn chế sâu bệnh

Thứ ba - 02/08/2022 08:06
Thời gian qua, tỉnh Bình Định có nhiều chính sách hỗ trợ hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn trong điều kiện sản xuất cây lúa thiếu nước tưới, giúp mang lại hiệu quả thu nhập kinh tế thiết thực cho người sản xuất. Thị xã Hoài Nhơn với tổng diện tích gieo trồng hàng năm trên 1.600 ha, tập trung sản xuất vụ Hè Thu tại các xã phía bắc trên chân ruộng cao, đất cát pha thịt nhẹ. Nông dân đã chuyển đổi sang trồng ngô áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đầu tư thâm canh cao nên năng suất đạt khá. Tuy nhiên, từ năm 2019, sâu keo mùa Thu là đối tượng sâu hại mới, xuất hiện gây hại làm ảnh hưởng lớn đến năng suất cây ngô lai.
Cán bộ kỹ thuật cùng hộ dân kiểm tra mô hình
Cán bộ kỹ thuật cùng hộ dân kiểm tra mô hình
Để khuyến khích nông dân tiếp tục công tác chuyển đổi cây trồng, đưa giống ngô mới vào sản xuất kết hợp chăm sóc, đầu tư thâm canh, phòng trừ dịch bệnh. Năm 2022 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn triển khai thực hiện mô hình “Thâm canh cây ngô trên đất chuyển đổi” với quy mô 02 ha, cho 29 hộ dân tại xã Hoài Châu.
Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Bình Định, các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% giống vầ các vật tư thiết yếu để thực hiện mô hình. Được sự hướng của cán bộ kỹ thuật, các hộ dân đã tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, bón vôi, phân chuồng ủ hoai với chế phẩm Trichodedma để cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây ngô, đồng thời bồi dưỡng cải tạo đất, hạn chế bệnh chết cây con, nấm khô vằn; giảm sử dụng phân vô cơ, chỉ sử dụng phân NPK để bón lót, không bón thúc urê và sử dụng chất, kích thích tăng trưởng ở thời kỳ gần thu hoạch. Bên cạnh đó, kết hợp với việc thực hiện quản lý dịch hại bằng nhiều biện pháp tổng hợp, chú trọng chọn hạt giống tốt, chịu hạn, kháng sâu bệnh xử lý đất trước khi gieo trồng, bón phân chuồng ủ hoai với lân, vôi, chăm sóc bón phân lót, bón thúc cân đối, tạo cây khỏe ngay từ đầu. Thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu bệnh, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học, hạn chế sử dụng thuốc hóa học bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh, trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật cho phép, bảo đảm thời gian cách ly khi mật độ sâu bệnh cao.
Nhờ đó, sau 95 – 100 ngày xuống giống ngô MK668 (do Viện Nghiên cứu Ngô sản xuất) cây ngô sinh trưởng, phát triển khá tốt, chiều cao biến động từ 1,8 – 2,4m, đường kính gốc to, khỏe, sinh trưởng nhanh và vươn đều tạo bộ tán lá cân đối ngay từ đầu, tổng số lá 14 - 16 lá/cây. Các đối tượng sâu, bệnh hại thấp hơn ruộng ngô ngoài mô hình từ 10 - 20% số cây bị hại. Năng suất bình quân đạt 71,1 tạ/ha (cao hơn 8,26 tạ/ha so với ruộng ngô ngoài mô hình và 8,1 tạ/ha so với năng suất lúa). Lợi nhuận ước đạt 4.070.000 đồng/ha, cao hơn so với trồng lúa 1.070.000 đồng/ha.
Kết quả triển khai mô hình
Theo chia sẽ của các hộ dân tham gia mô hình, áp dụng quy trình thâm canh cây ngô trên đất chuyển đổi kết hợp với các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, về cơ bản chi phí đầu tư cao hơn, nhưng nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đầu tư thâm canh cao, phòng trừ tốt sâu bệnh gây hại nên cây ngô được bảo vệ, đảm bảo đạt năng khá cao so với ruộng trồng ngô truyền thống và ruộng lúa trên cùng một đơn vị diện tích.
Kết quả triển khai cho thấy nhiều hiệu quả tích cực, các hộ dân biết quan tâm đầu tư chăm sóc bảo vệ cây trồng bằng nguồn phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học ít độc hại gây ô nhiễm môi trường, giúp ruộng ngô hồi phục dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, tỷ lệ các đối tượng sâu bệnh gây hại ít; việc hạn chế sử dụng phân, thuốc hóa học giúp giảm chi phí, giá thành, cho năng suất cao, từ đó làm tăng thu nhập cho nông dân từ việc trồng ngô trên đất chuyển đổi.
Theo ông Đỗ Xuân Mai, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Hoài Nhơn, cho biết: Từ thực tế hiệu quả kinh tế mô hình đạt được, nhiều lượt nông dân trong vùng đã đến tham quan học tập và áp dụng, chứng tỏ khả năng nhân rộng mô hình rất tốt. Trong thời gian đến Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn sẽ tiếp tục phối hợp với các hội đoàn thể, các xã, phường mở các lớp tập huấn rộng rãi tại các địa phương có nhiều diện tích chuyển đổi cây trồng để chuyển giao qui trình kỹ thuật thâm canh ngô cho nông dân. Đồng thời kết hợp viết tin bài phát thanh qua hệ thống đài phát thanh của thị xã để phục vụ công tác tuyên truyền, nhân rộng mô hình một cách hiệu quả./.

Tác giả bài viết: Thành Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập73
  • Hôm nay2,293
  • Tháng hiện tại88,192
  • Tổng lượt truy cập2,150,737
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây