Họp bàn về đề án thành lập Cơ sở bảo tồn Rùa Trung bộ tại ICISE

Thứ ba - 09/08/2022 07:48
Vừa qua, tại Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) diễn ra cuộc họp tham vấn các bên liên quan về Đề án thành lập Cơ sơ bảo tồn rùa Trung bộ và Chương trình nhân nuôi, tái thả phục hồi rùa Trung bộ trong tự nhiên.
GS. Trần Thanh Vân phát biểu tại cuộc họp
GS. Trần Thanh Vân phát biểu tại cuộc họp
Tham dự cuộc họp có GS. Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc ICISE; Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường;  Ông Hoàng Văn Hà, Điều phối viên Chương trình bảo tồn rùa Châu Á tại Việt Nam và đại diện lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định, Sở Tài nguyên và Môi trường  Bình Định, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên, BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lào Chàm.
Rùa Trung bộ (Mauremys annamensis), thuộc họ rùa nước ngọt (rùa đầm), có kích thước trung bình (chiều dài mai đạt 285 mm đối với con cái , 232 mm đối với con đực). Rùa Trung bộ là loài đặc hữu chỉ có ở Việt Nam, chúng có phân bố hẹp, chỉ được ghi nhận ở những vùng đất ngập nước của một số tỉnh miền Trung Việt Nam ( McCormack và cs 2014).
Các đặc điểm sinh thái và phân bố của loài này lần đầu tiên được mô tả vào năm 1939, nhưng không có bất kỳ ghi nhận nào về loài trong tự nhiên cho đến năm 2006 khi Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) quan sát được một cá thể rùa Trung bộ tại tỉnh Quảng Nam trong quá trình đặt bẫy rùa nước. Đây là lần đầu tiên trong hơn 67 năm, các nhà bảo tồn có cơ hội xác nhận rằng loài rùa này vẫn còn tồn tại trong tự nhiên. Hiện nay, chưa có khu bảo tồn nào ghi nhận có rùa Trung Bộ sinh sống, điều này càng làm tăng tính cấp thiết của công tác bảo tồn mà trước hết là xác định môi trường sống của loài.
Các nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm số lượng rùa Trung Bộ là mất sinh cảnh, săn bắt và buôn bán trái phép. Mặc dù được bảo vệ theo các quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã của Việt Nam (Nghị định 06/2019/NĐ-CP và Nghị định 160/2013/NĐ-CP), nhưng rùa Trung bộ vẫn bị săn bắt, buôn bán trái phép. Với tình trạng săn bắn và buôn bán trái phép mạnh mẽ trong quá khứ và hiện tại, rùa Trung bộ đang ở trong tình trạng rất nguy cấp theo Danh lục đỏ IUCN ( 2021) và Sách đỏ Việt Nam 2007.
Được biết rùa Trung bộ đã được nhân giống bảo tồn chuyển vị tại Trung tâm Bảo tồn rùa (TCC) thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương thành công. Hiện TCC đang chăm sóc 882 cá thể rùa Trung bộ trong một diện tích hạn hẹp. Vì vậy tại cơ sở này đã dừng sinh sản rùa Trung bộ từ năm 2021 vì không đủ cơ sở vật chất cho việc gia tăng quần thể loài này.
Nhằm góp phần vào nỗ lực bảo tồn Rùa Trung bộ tại Việt Nam, mở rộng Chương trình nhân nuôi bảo tồn loài rùa đặc hữu rất nguy cấp này, ICISE đã phối hợp với Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Chương trình Bảo tồn rùa châu Á xây dựng dự án Cơ sở bảo tồn rùa Trung bộ ICISE Quy Nhơn với hai mục tiêu chính: Là cơ sở nhân nuôi bảo tồn rùa Trung bộ đầu tiên được thành lập trong vùng phân bố tự nhiên của loài; là cơ sở giáo dục bảo tồn, truyền thông về công tác bảo tồn Rùa Trung bộ cho người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Cơ sở bảo tồn rùa Trung bộ ICISE Quy Nhơn có diện tích là 4,12 ha chia làm 2 phân khu, trong đó phân khu số I có diện tích là 4.866 m2 sẽ dành cho hoạt động xây dựng, nhân nuôi bảo tồn và phần lớn hoạt động giáo dục bảo tồn. Các hoạt động theo dõi sau tái thả khi điều kiện cho phép sẽ được thực hiện trong phân khu số II với diện tích 3,67 ha. Đề án sẽ được triển khai thực hiện trong vòng 5 năm với tổng kinh phí dự trù thực hiện gần 10 tỉ đồng.
Tại cuộc họp tất cả các đại biểu tham dự đều rất đồng tình hưởng ứng việc triển khai thực hiện Cơ sở bảo tồn rùa Trung bộ tại ICISE Quy nhơn , Bình Định./.

Tác giả bài viết: Ái Trinh- Chi cục Thủy sản Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập9
  • Hôm nay685
  • Tháng hiện tại30,853
  • Tổng lượt truy cập1,400,766
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây