Về Kết luận 35-KL/TW, Bộ Chính trị đã đánh giá: “các chức danh, chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị đã được hình thành, bổ sung và phát triển qua nhiều giai đoạn; cơ bản bảo đảm được sự ổn định và đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ của Đảng. Tuy nhiên, do chưa có quy định tổng thể, đồng bộ về chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương trong hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều thứ bậc, nên việc vận dụng chức vụ tương đương trong sắp xếp, bố trí cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ còn nhiều bất cập… Do vậy, cần thiết phải rà soát, sắp xếp các chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương tương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của giai đoạn mới, nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 26-NQ/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW khóa XII và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị ban hành Danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, gồm 3 nhóm: 1) Chức danh, chức vụ lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 2) Chức danh, chức vụ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; 3) Khung chức danh, chức vụ thuộc diện cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quản lý.
Bộ Chính trị giao các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương quán triệt và thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị; chịu trách nhiệm tiếp tục rà soát, sắp xếp các chức danh, chức vụ theo phân cấp quản lý bảo đảm đồng bộ, thống nhất với danh mục do Bộ Chính trị ban hành bảo đảm sự kế thừa, ổn định của tổ chức bộ máy, chỉ điều chỉnh những vị trí thật sự bất hợp lý hoặc chưa được sắp xếp; một người đảm nhiệm nhiều chức vụ thì lấy chức vụ cao nhất để xác định chức danh lãnh đạo; đồng thời Bộ Chính trị cũng giao Ban Tổ chức Trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kết luận này.
Thảo luận về Bảng danh mục quy định trong Kết luận 35-KL/TW, lãnh đạo các Liên hiệp hội tỉnh/thành phố đã nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá những tác động của Kết luận đối với tổ chức, nhân sự của bộ máy gắn với tình hình thực tiễn của địa phương đồng thời cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc mà địa phương gặp phải và đề xuất nhiều nguyện vọng với các cấp có thẩm quyền nhằm bảo đảm sự ổn định của tổ chức bộ máy Liên hiệp hội, đặc biệt đây là tổ chức chính trị - xã hội đại diện đội ngũ trí thức KH&CN tại địa phương.
Theo đó, một số ý kiến cho rằng, từ Kết luận 35-KL/TW của Bộ Chính trị, hệ thống Liên hiệp Hội từ trung ương đến địa phương với các chức danh cụ thể đã được quy định trong hệ thống chính chính trị, là một bộ phận của hệ thống chính trị nước ta, đây là điều đáng mừng và tạo cơ sở thuận lợi đối với cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình đưa ra các quyết sách về tổ chức bộ máy, cán bộ của Liên hiệp hội, tránh tình trạng các địa phương “mạnh ai nấy làm”, phụ thuộc nhiều vào điều kiện của từng tỉnh, không có sự đồng bộ trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, đại đa số các đồng chí Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh/thành phố có mặt tại Hội nghị cũng đã phản ánh sẽ xuất hiện một số khó khăn, bất cập khi triển khai Kết luận 35, trong đó điểm nổi cộm nhất đó là:
1) Về mặt tính chất, địa vị pháp lý, mặc dù Liên hiệp hội các tỉnh được khẳng định là tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh (Chỉ thị 42-CT/TW năm 2010 của Bộ Chính trị) nhưng theo nội dung quy định tại Kết luận 35 thì, Chủ tịch Liên hiệp hội địa phương sẽ tương đương Phó Giám đốc Sở, thay vì hiện nay tương đương Giám đốc Sở; Phó Chủ tịch sẽ chỉ tương đương Trưởng phòng cấp huyện thay vì tương đương Phó Giám đốc Sở; các chức danh Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng Liên hiệp hội tỉnh/thành phố không được quy định cụ thể trong Kết luận 35 như Liên hiệp Hội ở Trung ương nên sẽ không biết tính tương đương thế nào cho hợp lý, như vậy có thể thấy, chức danh Phó Chủ tịch của tổ chức chính trị - xã hội bị giảm vị thế đáng kể sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ phối hợp công tác, tư tưởng và kết quả làm việc của cán bộ.
2) Đối với công tác luân chuyển cán bộ đang thực hiện tại các địa phương, việc quy định các chức danh tương đương của hệ thống Liên hiệp hội so với các tổ chức chính trị - xã hội khác và các sở, ngành bị hạ thấp xuống ít nhất một cấp, cơ bản sẽ gây thiệt thòi về vị thế và quyền lợi chính trị của cán bộ được luân chuyển từ các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể sang tổ chức Liên hiệp hội. Trong thực tế xảy ra trường hợp: một Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vừa được điều động, luân chuyển sang làm Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh tương đương vị trí ngang Giám đốc Sở, coi như được “lên chức”, nay theo Kết luận 35, vị trí mới chỉ ngang Phó Giám đốc Sở, chưa kể bị thiệt thòi về chế độ phụ cấp; trường hợp khác, một Phó Chủ tịch UBND huyện vừa được luân chuyển, đề bạt vào vị trí Phó Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh (tương đương Phó Giám đốc Sở), theo Kết luận 35 vị trí mới sẽ chỉ tương đương Trưởng phòng cấp huyện, như vậy cũng giống như “bị giáng chức” vậy.
Ngoài ra, hiện Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật cấp tỉnh là một trong số rất ít tổ chức hội ở địa phương có Đảng đoàn, tuy vậy Kết luận 35 lại chưa đề cập đến việc này. Thông thường đảng đoàn sẽ do thường vụ tỉnh/thành ủy quản lý, vậy khi triển khai KL 35 thì vị trí của Đảng đoàn, các ủy viên Đảng đoàn sẽ như thế nào, bởi xét theo hệ số lương thì Phó Chủ tịch Liên hiệp hội địa phương tương đương Trưởng phòng cấp huyện – vị trí không thuộc diện Thường vụ tỉnh/thành ủy quản lý.
Các lãnh đạo Liên hiệp hội địa phương đều cho rằng, việc quyết định tham gia và gắn bó với tổ chức Liên hiệp hội là tổ chức chính trị - xã hội trước hết là xuất phát từ lòng nhiệt tình, tâm huyết với công tác tập hợp trí thức KH&CN địa phương, mong muốn được cống hiến nhằm đóng góp vào sự phát triển của tỉnh nhà. Thế nhưng, những yếu tố thiệt thòi về mặt vị thế chính trị và một phần chế độ, chính sách cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các tổ chức Liên hiệp hội địa phương, đặc biệt Liên hiệp hội tỉnh, thành phố là tổ chức có đảng đoàn do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy trực tiếp quản lý.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch LHHVN Phan Xuân Dũng đã cảm ơn và ghi nhận ý kiến phản ánh của các đại biểu tại Hội nghị, đồng thời khẳng định rằng, Đảng đoàn và Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến và báo cáo, đề xuất với Ban Tổ chức Trung ương, với Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy quan tâm, ban hành các hướng dẫn cụ thể trong thực hiện Kết luận 35-KL/TW của Bộ Chính trị nhằm tạo điều kiện và đảm bảo tối đa vị thế chính trị, chế độ, chính sách đối với cán bộ, điều kiện hoạt động của Liên hiệp hội ở cả trung ương và địa phương để tiếp tục ổn định tổ chức bộ máy, ngày càng làm tốt công tác tập hợp trí thức, phát huy sức sáng tạo đội ngũ các nhà khoa học, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao và thực hiện tốt Kết luận 35 trong thời gian tới.
Nguồn: https://vusta.vn/
Tác giả bài viết: KT
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn