Kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng Bình Định (31/3/1975 – 31/3/2022)
Thứ ba - 29/03/2022 07:40
Vào những ngày cuối tháng 3 năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Bình Ðịnh đã đồng loạt tổng công kích, tiến công giải phóng thị xã Quy Nhơn, giải phóng toàn tỉnh Bình Ðịnh. Ngày giải phóng 31/3/1975 là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần bất khuất; là bản anh hùng ca chói lọi về sự hy sinh cao cả, ý chí cách mạng kiên cường của quân và dân tỉnh ta, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Quá khứ hào hùng, vững bước tương lai 1. Thực hiện chủ trương và quyết tâm chiến lược của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Bình Định khẩn trương chuẩn bị, sẵn sàng bước vào chiến dịch Xuân 1975 với khí thế tiến công cách mạng sôi nổi. Phối hợp với chiến trường Tây Nguyên và chiến dịch giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, quân và dân Bình Định phối hợp Sư đoàn 3 Sao Vàng đồng loạt tổ chức tiến công quân địch trên các hướng, đó là: Để chia cắt địch, lúc 5 giờ 35 phút ngày 4/3/1975, bộ dội Tiểu đoàn 19 Công binh tỉnh đánh sập Cầu 12 (Cầu Dài), tạo thế các đơn vị Sư đoàn 3 nổ súng đánh chiếm các chốt điểm, chặt đứt Đường 19 (đoạn từ lăng Mai Xuân Thưởng lên đèo Thượng Giang) và Truông Ổi đến Tiên Thuận (Bình Giang, Bình Khê), mở màn chiến dịch Xuân 1975 ở Bình Định và trên khắp chiến trường Khu V. Đến ngày 24/3/1975, Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng và toàn bộ cánh quân địch rút chạy trên Đường số 7 bị tiêu diệt. Chớp thời cơ này, Tỉnh ủy Bình Định chỉ đạo các cấp ủy đảng, nòng cốt là bộ đội chủ lực phối hợp với du kích địa phương liên tục thực hiện các đòn đánh hiểm, hỗ trợ các đoàn thể, lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền, các xã, huyện trong tỉnh đồng loạt nổ súng tấn công địch với phương châm:“Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”.Từ ngày 25 đến 28/3/1975, các lực lượng vũ trang và hàng nghìn quần chúng nhân dân huyện Hoài Nhơn tiến công bao vây tiêu diệt các chốt, điểm của địch; đến 10 giờ ngày 28/3/1975 giải phóng quận lỵ Bồng Sơn (Hoài Nhơn). Tiếp theo đó, quân và dân các địa phương trong tỉnh cùng nổi dậy và giành thắng lợi, cụ thể: 8 giờ ngày 31/3/1975 giải phóng quận lỵ Phù Mỹ; 9 giờ ngày 31/3/1975 giải phóng quận lỵ Phù Cát; 10 giờ ngày 31/3/1975 giải phóng quận lỵ Bình Khê (nay là Tây Sơn); 12 giờ ngày 31/3/1975 ta làm chủ quận lỵ An Nhơn; 12 giờ 30 phút ngày 31/3/1975 giải phóng quận lỵ Tuy Phước; 15 giờ ngày 31/3/1975 giải phóng quận lỵ Vân Canh; và đến 20 giờ ngày 31/3/1975, Đội biệt động Quy Nhơn bắt liên lạc, phối hợp với Tiểu đoàn 50, Đặc công Đ30, Đ20 của ta đánh chiếm, cắm cờ trên tiền sảnh Tòa hành chính ngụy quyền tỉnh và Trung tâm tiểu khu Bình Định. Đến 24 giờ cùng ngày, toàn bộ các đồn chốt, căn cứ, cơ quan địch ở nội thị và ngoại vi thị xã Quy Nhơn đều bị ta đánh chiếm. Sáng 1/4/1975 cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tung bay trên đỉnh cột cờ trước Tòa hành chính ngụy quyền và khắp các công sở, xí nghiệp, phố phường của thị xã Quy Nhơn.
2. Cũng vào đêm ngày 31/3/1975, ta vừa ráo riết truy quét quân địch ở thị xã Quy Nhơn, vừa khẩn trương triển khai lực lượng sẵn sàng tiêu diệt tàn quân địch mở đường máu tràn vào Quy Nhơn hòng thoát hiểm. Từ 12 giờ đến 16 giờ cùng ngày, quân ta khép chặt vòng vây, đánh đằng trước, chặn phía sau, thọc ngang sườn, băm nát đội hình địch, tiêu diệt gọn đội hình địch với hơn 300 xe các loại, đồng thời nã pháo vào đoàn tàu hải quân địch lao vào bờ hòng cứu vớt đồng bọn, bị bắn chìm tại chỗ 13 tàu, xuồng đổ bộ. Như vậy, sau 28 ngày đêm, từ 4 đến 31/3/1975, dồn dập tiến công, liên tục, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, phối hợp với Sư đoàn 3 anh hùng, quân dân Bình Định đã đánh sụp toàn bộ ngụy quyền địch từ xã đến tỉnh, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ ngụy quân ở Bình Định. Chiếm lĩnh hầu hết các thị trấn, quận lỵ và thị xã trong tỉnh, căn cứ quân sự, kho tàng, công trình công cộng, giải phóng 932.161 dân. Hơn 72.000 lính Ngụy bị tiêu diệt và bị loại khỏi vòng chiến đấu. Ta diệt và làm tan rã Sư đoàn 22, một thiết đoàn xe tăng và xe bọc thép, 6 tiểu đoàn pháo binh, 01 Trung đoàn không quân. Quân địa phương gồm 20 tiểu đoàn, 25 đại đội bảo an, biệt kích và cảnh sát; 6 đại đội, 420 trung đội dân vệ, và hơn người tham gia chiến đấu, phòng vệ dân sự bị tiêu diệt và tan rã. Ta đã diệt, bức rút, bức hàng 469 chốt, trong đó có 180 chốt do lực lượng quần chúng tiến công. Thu 20.000 súng các loại, có 47 pháo hạng nặng, 40 máy bay (có 20 máy bay phản lực), 200 xe quân sự (có 16 xe tăng và xe bọc thép). Ngay sau khi giải phóng toàn tỉnh, Đảng bộ lập tức động viên quân dân các địa phương khẩn trương, tích cực đóng góp nhân tài, vật lực phục vụ “Chiến dịch Hồ Chí Minh” giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Hàng trăm thanh niên trong tỉnh hăng hái lên đường bổ sung cho Sư đoàn 3 tiến thẳng vào mặt trận phía Nam. Cảng Quy Nhơn đón hàng chục tàu chở các đơn vị của Quân đoàn II. Hàng trăm xe quân sự, xe vận tải, xe ca và hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, xăng dầu được huy động kịp thời cung cấp cho Quân đoàn II hành quân thần tốc vào Nam. Bình Định trở thành hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam Việt Nam, chi viện cho các chiến dịch để phát triển thế tiến công chiến lược của quân và dân ta, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.
3. Chiến thắng ngày 31/3/1975 ở Bình Định là bản anh hùng ca tuyệt vời về tinh thần yêu nước, sự hy sinh, tinh thần quả cảm, ý chí cách mạng của quân và dân Bình Định; là kết quả của cuộc tiến công thần tốc, dũng mãnh, táo bạo, khôn khéo của các lực lượng vũ trang nhân dân, cùng với sự nổi dậy mạnh mẽ, đều khắp của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Có thể khẳng định rằng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Định luôn đoàn kết, kiên cường, bất khuất trước quân thù; thủy chung, son sắt đối với cách mạng, một lòng kính yêu Bác Hồ, tin yêu Đảng, cùng nhau vượt qua muôn trùng khó khăn, gian khổ, đã lập nên những chiến công hiển hách. Những địa danh, tên núi, tên sông, tên đất, tên làng, tên người cùng với những trận đánh, những chiến công vang dội đã mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc như những huyền thoại, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối. Có được thắng lợi vẻ vang này chính là nhờ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; của tinh thần xả thân vì độc lập tự do cho Tổ quốc của các thế hệ cha anh, những cán bộ, đảng viên, chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; của đồng bào, đồng chí, những người con Bình Định yêu quê hương, đất nước, anh dũng, kiên cường đã chịu đựng biết bao gian khổ, hy sinh, của những người mẹ Bình Định đã hiến dâng con em mình cho Tổ quốc, đã tô thắm thêm trang sử hào hùng, truyền thống vẻ vang của mảnh đất Bình Định anh hùng.
4. Ngày 31/3/1975 đã không những kết thúc cuộc đấu tranh gian khổ và hào hùng 30 năm (1945-1975) của Đảng bộ và quân dân Bình Định dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn cắm mốc son chói lọi nhất trong lịch sử đấu tranh hơn 500 năm (1471-1975) xây dựng và bảo vệ vùng đất quật khởi này. Thắng lợi đó "mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người.." Từ trang sử hào hùng chói lọi ấy, suốt 47 năm qua, Đảng bộ, quân và dân Bình Định đã và đang tiếp tục vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đoàn kết một lòng tiến hành thành công sự nghiệp đổi mới, đưa Bình Định ngày càng phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Diễn biến chiến dịch giải phóng tỉnh Bình Định (ảnh T.L)