Trận đánh không có thương binh

Thứ ba - 28/07/2020 01:15
Trước năm 1975, vùng đất Khu Đông (*) (huyện Tuy Phước, Bình Định) là chiến trường ác liệt, "Khu Đông gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó khó mong đường về", câu ca lưu truyền cho thấy sự khốc liệt trong chiến tranh chống Mỹ mà bộ đội và nhân dân địa phương đối mặt. Khu Đông còn là căn cứ địa vững chắc, là nơi xuất phát những đội trinh sát, đặc công hoạt động ở nội thành Quy Nhơn. “Trận đánh không có thương binh” là trận đánh bi hùng nhất mà bản thân tôi chứng kiến trên mảnh đất Khu Đông.
Trận đánh không có thương binh
Cao điểm 108 án ngữ ở núi Kỳ Sơn (xã Phước Sơn, Tuy Phước, Bình Định) nơi đóng quân của 1 đại đội địa phương quân Việt Nam Cộng Hòa. Chúng đóng quân và kiểm soát cả một vùng rộng lớn các xã xung quanh Đầm Thị Nại (**). Đây là một cái gai cần loại bỏ trong con mắt của Bộ chỉ huy mặt trận Khu Đông.
Đánh cao điểm này được giao cho Tiểu đoàn 300 đặc công Quân khu 5. Đêm 22/4/1968 còn có Tiểu đoàn 5 đánh vào trận địa pháo ở Quán Cây Xoài - xã Phước Thuận do Đại Hàn đóng quân, Tiểu đoàn 4 đánh vào Quận lỵ Tuy Phước để chia bớt hỏa lực và chi viện cho nhau. Hai Tiểu đoàn này thuộc Trung đoàn 12 Sư đoàn 3 Sao vàng.
Hôm đó, chúng tôi là quân địa phương nên không tham gia trận đánh mà được huy động đào một số huyệt để an táng liệt sĩ theo dự kiến sẽ hy sinh và làm hậu cần tiếp nhận Thương binh để chuyển về trạm phẫu thuật tiền phương. Theo giờ G là 22h30 trận đánh bắt đầu. Mọi người đang hồi hộp cho trận đánh sắp nổ ra, lúc 22h10 bỗng có pháo sáng bật sáng trong hàng rào kẽm gai. Tiếp đó, tiếng đại liên M60, AR 15 và M79 nổ liên hồi đổ vào các sườn đồi, không có một tiếng AK nào bắn trả. Trên trời pháo sáng giăng đầy như ban ngày, trực thăng bắn đại liên và rốc két vào đường rút lui của bộ đội.
Trận đánh này có 57 cán bộ và chiến sĩ tham gia, kết thúc trận 56 đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại trên quê hương Tuy Phước thân thương. Người duy nhất còn lại là đồng chí Nguyễn Hải Hồ lúc đó là Trung đội trưởng, sau ngày giải phóng Quy Nhơn, đồng chí Hồ là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 52 và khi về hưu anh là Đại tá Tham mưu trưởng Tỉnh đội Bình Định.
 
110142970 2668913696679556 3889793224786579271 n
Đoàn Thanh niên xã Phước Sơn tổ chức Thắp nến tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã.

Sau trận này, Quân khu 5 giải thể Tiểu đoàn 300 và thành lập mới Tiểu đoàn 405 đặc công chuyên đánh Kho đạn Đèo Son, kho xăng Phú Hòa, đài rada Vũng Chua, kho hậu cần Miếu Lở chân đèo Cù Mông. Những trận đánh oai hùng đó làm cho Mỹ - Ngụy khiếp sợ và chỉ trong vòng 2 năm sau, vào năm 1970, Tiểu đoàn 405 được tuyên dương Anh hùng các lực lượng vũ trang Quân Giải phóng Miền Nam.
Hiện nay, 56 đồng chí anh dũng hy sinh trong trận đánh Cao điểm 108 án ngữ ở núi Kỳ Sơn đã yên nghỉ tại Nghĩa Trang Iiệt sĩ xã Phước Sơn.
Mỗi năm, đến dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, chúng tôi luôn thành tâm tri ân, cầu nguyện cho các anh, các đồng chí yên lòng an nghỉ nơi mảnh đất quê hương ngày càng đổi mới, giàu đẹp. Trận đánh năm xưa mãi là mốc son ghi dấu Khu Đông – ký ức hào hùng của quân dân Tuy Phước nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung.  
 
 

*Khu Đông bao gồm các xã Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Thuận, Phước Sơn của huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định
**Đầm Thị Nại: là một đầm nước mặn nằm trên địa phận thành phố Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, huyện Phù Cát thuộc tỉnh Bình Định
 

Tác giả bài viết: Phúc An

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập9
  • Hôm nay21
  • Tháng hiện tại17,380
  • Tổng lượt truy cập1,562,265
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây