Nghiên cứu thành công thiết bị giúp phát hiện trẻ em bị bỏ quên trên xe ô tô
Thứ năm - 13/08/2020 08:30
Sau hơn nửa năm nghiên cứu, nhóm học sinh Trường THCS Phước Thuận (Tuy Phước, Bình Định) đã chế tạo thành công thiết bị giúp phát hiện trẻ em bị bỏ quên trên ô tô hoặc bị thất lạc khi hoạt động ngoại khóa.
Với sáng tạo này, nhóm tác giả gồm các em: Ngô Thị Mỹ Tâm –lớp 9A1, Man Đức Quân – lớp 9A4, Nguyễn Thị Ý Thơ – lớp 8A6, Mai Xuân Khang – lớp 8A1, Trường THCS Phước Thuận (Tuy Phước, Bình Định) đã giành giải nhất tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bình Định lần thứ VII (2019-2020).
“Gần đây, báo chí đưa tin về những trường hợp trẻ em bị bỏ quên trên ô tô gây hậu quả thương tâm. Thực tế đó đã nhen nhóm trong chúng em ý tưởng chế tạo nên thiết bị nhằm báo động để kịp thời xử lý tránh sự cố đáng tiếc xảy ra”, Ngô Thị Minh Tâm chia sẻ.
Cấu tạo của remote phát sóng
Mô tả về hoạt động của thiết bị, nhóm sáng chế cho biết: Sản phẩm gồm 02 bộ phận: Remote phát sóng (gắn vào áo trẻ em) và bộ thu sóng (người quản lí mang bên mình). Remote nhỏ gọn dạng móc khóa, bộ thu sóng là một chiếc hộp có dây đeo, bên trong gồm mạch thu sóng RF 315MHz, nguồn pin, âm thanh báo động, hệ thống đèn led, bảng hiển thị đèn led trên mặt hộp. Thiết bị sẽ hoạt động khi mở công tắc remote gắn vào áo của trẻ (số remote tương ứng với số trẻ em), mở công tắc nguồn và công tắc âm thanh của hộp thu sóng (trước mặt hộp có bảng hiển thị đèn led đánh số thứ tự tương ứng với từng remote, đèn led trắng biểu thị trẻ em trong vùng kiểm soát, led đỏ báo trẻ thất lạc). Khi hộp thu và remote cách xa hơn 15m thì hộp thu không nhận được tín hiệu, lúc này bộ âm thanh được kích hoạt phát ra còi báo động, đồng thời trên bảng hiển thị đèn led đỏ bật sáng. Trạng thái báo động này kéo dài cho đến khi hộp thu sóng nhận được tín hiệu từ remote, lúc đó người quản lí đã tìm được trẻ em thất lạc.
Đặc biệt, thiết bị đã vận dụng công nghệ thu và phát sóng RF 315MHz để kích hoạt báo động bằng âm thanh và phát tín hiệu bằng đèn led, hoạt động độc lập không phải phụ thuộc vào sóng điện thoại hoặc wifi. Do đó, có thể sử dụng ở các vùng sâu, vùng xa.
“Thiết bị khá đơn giản, nhẹ nhàng nhưng hiệu quả cao, an toàn tuyệt đối cho người sử dụng. Với giá thành rẻ (khoảng 1,5 triệu đồng/thiết bị) có thể áp dụng rộng rãi trong các cơ sở giáo dục trên toàn quốc”, PGS.TS Huỳnh Đức Hoàn (Khoa KT&CN – Trường ĐH Quy Nhơn) – giám khảo chấm thi nhận xét.
Tuy học khác lớp nhưng các em gặp nhau qua những giờ sinh hoạt ngoại khóa, chung ý tưởng, cùng bắt tay vào phân công nhau từng công đoạn thiết kế và lắp đặt thiết bị. Em Tâm cho biết: “Bạn Thơ đảm nhận khâu lắp ráp bộ nguồn pin sạc, lần lượt Khang phụ trách bộ phận âm thanh, Quân thiết kế hệ thống đèn led, và em đảm trách khâu thiết kế, lắp ráp mạch thu sóng; đây cũng là công đoạn khó và tốn thời gian nhất”.
“Tranh thủ ngoài giờ học các em đã mày mò nghiên cứu, chế tạo, có những công đoạn cần vận dụng kiến thức mới chưa học tới, các em nhờ giáo viên hướng dẫn thêm, chịu khó điều chỉnh, làm các thí nghiệm nhiều lần cho đến tháng 5/2020 thiết bị hoàn chỉnh và ứng tại trường” – Thầy Man Đức Bờ (giáo viên Vật lý, Trường THCS Phước Thuận) cho hay.
Chia sẻ về niềm yêu thích nghiên cứu khoa học của mình và các bạn, Tâm cho biết em sắp vào lớp 10, thời gian dành cho việc học sẽ nhiều hơn trước. Nhưng không vì thế mà em “bỏ bê” những ý tưởng sáng tạo. Trước mắt, nhóm tác giả mong muốn thiết bị này sẽ được cải tiến và ứng dụng rộng rãi trong các trường học.
Em Ngô Thị Mỹ Tâm nhiều năm liền tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Bình Định. Đặc biệt, các giải pháp do em làm trưởng nhóm đều đạt giải cao, lần lượt: Cuộc thi lần IV đoạt giải ba, lần V đoạt giải nhì, lần VI và VII đều đoạt giải nhất.