Hiện toàn tỉnh Bình Định có 142 di tích được xếp hạng, bao gồm: 2 di tích Quốc gia đặc biệt, 34 di tích Quốc gia, 106 di tích cấp tỉnh. Trong đó, nổi bật là hệ thống
di tích tháp Chăm với 8 cụm, 14 tháp mang phong cách kiến trúc của thời kỳ Vijaya đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Riêng tháp Dương Long (huyện Tây Sơn) được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Ngoài kiến trúc tháp Chăm, Bình Định còn có 3 di tích thành cổ, gồm: Thành Đồ Bàn, thành Cha, thành Thị Nại. 6 di tích khu lò gốm cổ, 45 phế tích kiến trúc Champa nằm rải rác trên địa bàn tỉnh. Nhiều tác phẩm điêu khắc đá Champa độc đáo, trong đó, có 9 tác phẩm điêu khắc đá Champa được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia.
Các đơn vị ký kết văn bản phối hợp tổ chức, khai thác phát huy các di tích tháp Chăm trong phát triển du lịch
Hệ thống di tích tháp Chăm đã lưu lại giá trị lịch sử, văn hóa vùng miền độc đáo, là nguồn tài nguyên du lịch mang văn hóa đặc trưng của tỉnh Bình Định. Thời gian qua, ngành du lịch đã phối hợp ngành văn hóa và thể thao tỉnh Bình Định triển khai các tour du lịch tham quan một số di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, đã triển khai gắn mã QR thuyết minh tự động phục vụ khách tham quan các tháp Chăm trên địa bàn tỉnh, bước đầu thu hút sự quan tâm của du khách và đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, số lượng các tour du lịch đến với các tháp Chăm vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, cần có những phương án phát huy giá trị các di tích, các giải pháp khai thác hiệu quả để phát triển du lịch.
Các đại biểu cũng đã bàn bạc, trao đổi, đưa ra những giải pháp khả thi trong việc bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa Champa Bình Định, đồng thời, đề xuất những giải pháp gắn kết các tour du lịch với hệ thống di tích tháp Chăm. Tiêu biểu như: Xây dựng bảo tàng Cham pa tại Bình Định; Liên kết Tour du lịch đưa du khách đến tham quan các di tích tháp Chăm, số hóa di tích tháp Chăm; khai thác một số loại hình dịch vụ, biểu diễn nghệ thuật để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tháp Chăm… theo hướng phù hợp với xu thế phát triển du lịch hiện nay.
Tại buổi tọa đàm, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Bình Định đã ký kết văn bản phối hợp tổ chức, khai thác các các loại hình nghệ thuật, dịch vụ tại các tháp Chăm phục vụ du khách trong thời gian tới.