Giám sát việc thực hiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại 2 huyện Vân Canh và Hoài Ân
Thứ sáu - 21/10/2022 10:56
Trong 2 ngày 17 và 18/10/2022, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thúy Vân làm trưởng đoàn, tiến hành giám sát tình hình thực hiện chính sách phát triển giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Vân Canh và Hoài Ân, giai đoạn 2019 - 2021. Lãnh đạo Liên hiệp hội là thành viên tham gia đoàn giám sát.
Theo báo cáo của UBND 2 địa phương; trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển. Nhờ đó, hệ thống trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, đảm bảo đủ điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Qua đó, đã khuyến khích công tác dạy và học, huy động trẻ em, học sinh người dân tộc thiểu số đi học, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng.
Cụ thể tại Huyện Vân Canh, trong 3 năm 2019 - 2021, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, huyện Vân Canh đã đầu tư hơn 20,3 tỷ đồng để xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa công trình trường lớp học bị xuống cấp, hư hỏng và mua sắm bổ sung trang thiết bị, phục vụ việc dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới cho các bậc học để đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách thu hút giáo viên đến dạy học tại các địa phương vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ học sinh học bán trú; công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên được huyện quan tâm đúng mức. Trong năm học 2021 - 2022, toàn ngành Giáo dục huyện có 475 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trong đó số giáo viên đạt chuẩn trở lên chiếm tỷ lệ 89,5%...
Đối với huyện Hoài Ân, kết quả nổi bật là tất cả trẻ em mẫu giáo, tiểu học là người dân tộc thiểu số được huy động ra lớp mẫu giáo đạt tỷ lệ 100%. Quy mô trường, lớp học các bậc học đáp ứng được nhu cầu học tập. Toàn huyện có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), hằng năm tuyển 99% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 (nội trú và bán trú). Cơ sở vật chất trường nội trú được đầu tư kiên cố có đủ phòng học, phòng bộ môn, phòng giáo dục thể chất và các phòng phụ trợ; khu nội trú, nhà ăn cho học sinh, sách giáo khoa, thiết bị dạy học đảm bảo theo yêu cầu. Đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên đảm bảo yêu cầu giảng dạy và tổ chức nội trú cho học sinh.
Tại buổi giám sát, lãnh đạo phòng giáo dục và UBND 2 huyện nêu một số đề xuất, kiến nghị, trong đó tập trung vào việc tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị trường học để nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đề nghị nâng mức hỗ trợ cho học sinh hưởng chế độ bán trú của trường PTDTNT; tăng tỷ lệ học sinh được hưởng chế độ nội trú, quan tâm hỗ trợ thêm tiền ăn cho học sinh đang học tại các trường bán trú trên địa bàn…
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn giám sát phát biểu trao đổi làm rõ thêm các nội dung liên quan đến việc thực hiện các chính sách; những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và các giải pháp khắc phục trong thời gian đến. Đồng thời ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, sẽ tổng hợp và có kiến nghị HĐND tỉnh, các cấp, các ngành sửa đổi, bổ sung các qui định cho phù hợp thực tiễn, nhằm thực hiện có hiệu quả các nghị quyết về chính sách phát triển giáo dục đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh trong thời gian đến.
Đoàn giám sát của tỉnh cũng đã tiến hành khảo sát thực tế các điều kiện về học tập, sinh hoạt, ăn ở của các em học sinh tại Trường THCS bán trú Canh Thuận và Trường PTDT nội trú Hoài Ân. Tại đây, Đoàn đã trao 100 suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt