Tổ chức tập huấn TOT cho Ban chỉ đạo dự án quản lý tổng hợp rác thải nhựa Vịnh Quy Nhơn

Thứ tư - 14/10/2020 15:35
Trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực quản lý và ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng địa phương, xây dựng mô hình cộng đồng thu gom, phân loại, xử lý, nhằm giảm thiểu rác thải nhựa tại các xã, phường ven biển thuộc vịnh Quy Nhơn, tỉnh Bình Định” (dự án quản lý tổng hợp rác thải nhựa Vịnh Quy Nhơn); từ ngày 05-07/10/2020, UBND thành phố Quy Nhơn tổ chức tập huấn TOT cho Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành và Nhóm Chuyên gia dự án quản lý tổng hợp rác thải nhựa Vịnh Quy Nhơn.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi trình bày về quản lý tổng hợp rác thải nhựa đại dương
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi trình bày về quản lý tổng hợp rác thải nhựa đại dương
Dự án này do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF/SGP) tài trợ từ nguồn vốn của Chính phủ Na Uy và kinh phí đối ứng của UBND thành phố Quy Nhơn, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Quy Nhơn là đơn vị chủ trì thực hiện.
          Tham gia tập huấn có 30 đại biểu là cán bộ đại diện các Sở ban ngành của tỉnh như: Sở Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Du lịch, Tài Nguyên và Môi Trường,...; Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố và cán bộ các phòng ban trực thuộc của thành phố Quy Nhơn; Công ty CP Đô thị Môi trường thành phố; đại diện lãnh đạo và đại diện Hội Phụ nữ 4 xã/phường Ghềnh Ráng, Nhơn Châu, Nhơn Lý và Nhơn Hải (là thành phần Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành và Nhóm Chuyên gia dự án ) và các chị, các cô làm vườn và thu gom ve chai trên địa bàn thành phố.
          Tham gia Giảng dạy tại lớp tập huấn là PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia GEF/SGP, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam và xuyên suốt trong 3 ngày tập huấn là sự giảng dạy của TS. Chu Mạnh Trinh, chuyên gia bảo tồn của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, người được bà con quý trọng gọi là tiến sĩ “cộng đồng”.
          Theo tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, TOT trong trường hợp này nghĩa là khóa học đào tạo giảng viên, hoặc cũng có thể hiểu là Training of Trainers. Có nghĩa là những người tham gia khóa đào tạo này sẽ trở thành những giảng viên, những tuyên truyền viên. Và những người này sẽ tiếp tục đào tạo ra những tuyên viên khác và cứ thế nó lan tỏa theo “mô hình lan tỏa đa cấp cộng đồng”. Đối với thầy giáo cộng đồng Chu Mạnh Trinh, thì bất cứ nơi nào kể cả mái nhà dân, tán cây hay bãi biển, quán cafe…đều có thể trở thành lớp học. Và lớp tập huấn này cũng không ngoại lệ, “học về quản lý rác thải phải lên bãi rác mà học”. Buổi sáng ngày đầu tiên của khóa tập huấn các học viên được học tập thực tế tại bãi rác Long Mỹ, nằm ở khu vực phường Ghềnh Ráng.        Học tập thực tế tại bãi rác Long Mỹ thực sự là trải nghiệm cho các học viên. Đối với đa số học viên, đây là lần đầu tiên được thăm quan bãi rác Long Mỹ và bãi rác không thực sự “kinh khủng” như tưởng tượng của mỗi người. Tại Long Mỹ, các học viên được nghe ông Võ Văn Hoan - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị thành phố Quy Nhơn giới thiệu về bãi rác Long Mỹ và qui trình tập kết và xử lý rác tại đây. Theo ông Hoan, xe thu gom vận chuyển rác từ thành phố Quy Nhơn vào bãi rác Long Mỹ có khối lượng từ 250-270 tấn/ngày với 90 % là rác thải nhựa khó phân hủy.
            Khoa học đã khẳng định thời gian phân hủy rác thải nhựa là từ 300-1000 năm. Như vậy với tình hình quản lý rác như hiện nay thì trong vòng 400 năm nữa chúng ta phải cần 1 diện tích là 100 km2 để chôn lấp và xử lý rác, chiếm 1/3 diện thích thành phố Quy Nhơn (diện tích thành phố Quy Nhơn là 284 km2). Lúc đó con người phải nhường chỗ cho rác thải. Đó là tất cả những gì mà các học viên có thể dự báo được ảnh hưởng của rác thải đối với môi trường và tài nguyên của thành phố Quy Nhơn nói riêng và ảnh hưởng đối với quốc gia và quốc tế nói chung  từ việc trải nghiệm thực tế.
tap huan tot
tap huan tot1

Ngày học tập thứ 2, các học viên lại tiếp tục tìm hiểu tình hình thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình ở xóm dưới- xóm làng chài, khu vực I, phường Ghềnh Ráng. Quan sát tình hình rác thải tại khu dân cư: Thùng rác, túi rác để trước nhà; rác trên đường đi, hẻm,...kết hợp vận động tuyên truyền tại hộ gia đình; Khảo sát khu vực biển Bãi Trước, phường Ghềnh Ráng và phân tích nguồn rác đang có tại bãi biển; Tham quan khảo sát hoạt động xóm về hoạt động trồng cây và chăn nuôi. Thực hành làm phân compost đối với rác hữu cơ nhặt được từ làng chài và cuối cùng là tham cơ sở thu mua ve chai của chị Tuyết ở khu vực 3, phường Ghềnh Ráng.
           Từ hoạt động thực tiễn này các học viên có thể thấy được mối quan hệ tác động tương hỗ giữa quản lý rác thải đối với du lịch cộng đồng, nông nghiệp phân hữu cơ và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ. Nếu quản lý tổng hợp rác thải tốt sẽ thúc đẩy nông nghiệp phân hữu cơ phát triển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ và thúc đẩy du lịch sinh thái cộng đồng phát triển. Như vậy cần tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý tổng hợp rác thải để phát triển sinh kế một cách bền vững.
tap huan tot3
Hoạt động ngày thứ 2
Ngày thứ 3, dưới sự hướng dẫn của thầy Chu Mạnh Trinh, các học viên tiếp tục làm việc nhóm, phân tích các bên liên quan của con đường đi của rác của thành phố Quy Nhơn, qua đó phát họa một kế hoạch tổng hợp nhằm thu hút sự tham gia của cộng đồng.
tap huan tot4
 
Qua 3 ngày trải nghiệm và học tập thực tế, các học viên đều rút ra được những bài học giá trị về tầm quan trọng phải quản lý rác thải, về giải pháp trong thời gian tới mà mỗi cá nhân học viên phải thực hiện. Xử lý ô nhiễm rác thải nhựa và đại dương đòi hỏi sự nỗ lực và sự đoàn kết của tất cả mọi người từ cơ quan trung ương đến địa phương, từ cộng đồng địa phương đến khách du lịch và các cam kết hành động cụ thể để giảm thiểu việc sử dụng túi nhựa và đồ nhựa, thay thế chúng bằng những vật liệu thân thiện với môi trường có sẵn tại địa phương.

Tác giả bài viết: Ái Trinh (Hiệp hội Thủy sản Bình Định)

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập31
  • Hôm nay3,213
  • Tháng hiện tại34,192
  • Tổng lượt truy cập1,877,110
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây