Kỷ niệm 75 năm ngày Tổng Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 – 06/01/2021)

Thứ tư - 30/12/2020 14:28
Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2021), theo đó yêu cầu các cấp ủy, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên tập trung tuyên truyền cho quần chúng, nhân dân về những dấu mốc quan trọng và những thành quả đạt được 75 năm qua.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I – Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I – Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội
Thứ nhất, Quốc dân Đại hội Tân Trào - Tiền thân của Quốc hội Việt Nam.
Ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào (Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh (Việt Nam độc lập Đồng minh hội) đã khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân (còn gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào). Đại hội đại biểu quốc dân đã thông qua ba quyết định lớn: Thứ nhất, nhất trí tán thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh. Thứ hai, thông qua 10 chính sách của Việt Minh và hiệu triệu đồng bào tích cực phấn đấu thực hiện, trong đó điểm mấu chốt đầu tiên là giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập. Thứ ba, thành lập Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đại hội đã quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa, Quốc ca là bài "Tiến quân ca".
Quốc dân Đại hội Tân Trào là mốc son trong lịch sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam, là tiền thân của Quốc hội Việt Nam, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Việt Nam quốc dân đại biểu Đại hội cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam để lãnh đạo toàn quốc nhân dân kiên quyết đấu tranh kỳ cho nước được độc lập. Đó là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử tranh đấu giải phóng của dân tộc ta từ ngót một thế kỷ nay. Đó là một điều khiến cho đồng bào ta phấn khởi và riêng tôi hết sức vui mừng".
Thực hiện Nghị quyết Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, nhân dân Việt Nam đã nhất tề nổi dậy. Cuộc Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng giành được thắng lợi, tiêu biểu là khởi nghĩa ở Hà Nội (ngày 19/8/1945), Huế (ngày 23/8/1945), Sài Gòn (ngày 25/8/1945). Chính quyền trong cả nước đã thuộc về nhân dân. Vua Bảo Đại xin thoái vị để "được làm dân tự do của một nước độc lập". Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày 08/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ban hành Sắc lệnh số 14-SL quy định mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Công tác chuẩn bị cho Tổng tuyển cử diễn ra rất khẩn trương trong điều kiện thù trong, giặc ngoài; trong bối cảnh nền kinh tế, xã hội hết sức khó khăn. Cuộc Tổng tuyển cử lúc đầu được dự kiến là ngày 23/12/1945, nhưng để thực hiện chủ trương thống nhất và hoà giải, có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị và các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn, đi vận động tranh cử. Ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày chủ nhật, 06/01/1946. Ngày 05/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: "Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình".
Ngày 06/01/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trên  cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tổng số cử tri đi bỏ phiếu đạt tỷ lệ 89%, trừ một số nơi phải bầu bổ sung còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sỹ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số; Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%). Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.
Thứ hai, quá trình phát triển của Quốc hội Việt Nam song hành cùng với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thời kỳ 1946 – 1960. Quốc hội nước ta đã cùng với dân tộc trải qua nhiều khó khăn, gian khó để thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quốc hội khóa I diễn ra 14 năm, tổ chức 12 kỳ họp và xem xét, thông qua bản Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, 16 đạo luật và 50 nghị quyết, trong đó có những đạo luật quan trọng như: Luật Cải cách ruộng đất, Luật quy định quyền tự do hội họp, Luật quy định quyền lập hội, Luật về chế độ báo chí... Đánh giá công lao to lớn của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Quốc hội ta đã hết lòng vì dân vì nước, đã làm trọn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những đại biểu của nhân dân" tại kỳ họp thứ 12.
Thời kỳ 1960 – 1980. Quốc hội hoạt động theo Hiến pháp 1959 và Luật Tổ chức Quốc hội năm 1960. Đây là thời kỳ Quốc hội hoạt động trong điều kiện miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội làm hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Quốc hội khóa III (1964 - 1971): tổ chức  bầu ngày 26/4/1964; tổng số có 453 đại biểu, trong đó có 87 đại biểu Quốc hội khóa I thuộc các tỉnh miền Nam được lưu nhiệm. Nhiệm kỳ khóa III của Quốc hội hoạt động trong thời kỳ chiến tranh, nên kéo dài trong 7 năm, với 7 kỳ họp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp 95 phiên, thông qua nhiều nghị quyết về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại, về tổ chức hành chính, về nhân sự phục vụ sự nghiệp xây dựng miền Bắc, phục vụ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Quốc hội khóa IV (1971 - 1975): tổ chức bầu ngày 11/4/1971; tổng số có 420 đại biểu. Quốc hội khóa IV diễn ra trong 4 năm, họp 5 kỳ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 53 phiên và đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu của các kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế; phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm, góp phần quan trọng vào việc củng cố và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sức mạnh để đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải đàm phán và ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1973). Hoạt động của Quốc hội đã góp phần quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đánh đổ chế độ thực dân mới ở miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước.Quốc hội khóa V (1975 - 1976): tổ chức bầu ngày 06/4/1975; tổng số có 424 đại biểu. Quốc hội khóa V ra đời trong bối cảnh miền Nam vừa mới giải phóng (30/4/1975) và hoạt động chưa đầy 2 năm, Quốc hội họp 2 kỳ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 10 phiên  đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, Quốc hội đã góp phần quan trọng trong việc thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Theo đó, trên cơ sở nhất trí giữa Quốc hội và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các cơ quan có trách nhiệm ở miền Nam, ngày 27/10/1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên đặc biệt để thảo luận, thông qua đề án thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, cử đoàn đại biểu miền Bắc tham dự Hội nghị hiệp thương với đoàn đại biểu miền Nam. Quốc hội khóa VI (1976 - 1981): tổ chức bầu ngày 25/4/1976, là Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất; tổng số có 492 đại biểu. Quốc hội quyết định đổi tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca; chính thức đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh; quy định Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất là Hà Nội. Đồng thời, Quốc hội đã ra Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội khóa VI diễn ra trong 5 năm, họp 7 kỳ và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Kỳ họp thứ 7 (tháng 12/1980), Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Hiến pháp 1980. Đây là bản Hiến pháp thứ ba được Quốc hội thông qua để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng. 
Thời kỳ 1980 – 1992. Đây là thời kỳ Quốc hội được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp 1980 và Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước 1981. Quốc hội được xác định là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Thời kỳ này, Quốc hội trải qua 02 khóa hoạt động: Quốc hội khóa VII (1981 - 1987): tổ chức bầu vào ngày 26/4/1981; tổng số có 496 đại biểu. Quốc hội khóa VII với 12 kỳ họp và ban hành 10 đạo luật, 35 nghị quyết (trong đó có Bộ luật Hình sự đã được thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 27/6/1985); Hội đồng Nhà nước ban hành 15 pháp lệnh Quốc hội đã triển khai thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội khóa VIII (1987 - 1992): tổ chức bầu ngày 19/4/1987; tổng số có 496 đại biểu. Quốc hội khóa VIII,  là Quốc hội của giai đoạn đầu sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra. Nhiệm kỳ này, Quốc hội họp 11 kỳ và thông qua 2 bộ luật, 25 đạo luật; Hội đồng Nhà nước đã ban hành 39 pháp lệnh. Kỳ họp thứ 5 (tháng 6/1989), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp để tiến hành sửa đổi Hiến pháp 1980 một cách cơ bản và đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới. Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Quốc hội khóa VIII xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 11 (năm 1992).
Thời kỳ 1992 đến nay. Đây là thời kỳ Quốc hội được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013. Quốc hội đã có những đổi mới cơ bản, khắc phục tính hình thức, hạn chế trong hoạt động ở các khóa trước và ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu dân cử cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.Thời kỳ này, Quốc hội có 6 khóa hoạt động: Quốc hội khóa IX (1992 - 1997): tổ chức bầu ngày 19/7/1992; tổng số có 395 đại biểu. Quốc hội khóa IX hoạt động theo quy định của Hiến pháp 1992, trong đó có vai trò quan trọng về việc thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 do Đại hội lần thứ VII của Đảng đề ra. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ kế hoạch 5 năm (1996-2000). Quốc hội khóa IX tiến hành 11 kỳ họp và ban hành 36 luật, bộ luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 43 pháp lệnh. Quốc hội đã có nhiều quyết sách quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước. Quốc hội khóa X (1997 - 2002): tổ chức bầu ngày 20/7/1997; tổng số có 450 đại biểu. Quốc hội khóa X tiến hành 11 kỳ họp và ban hành 01 bộ luật, 31 luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 39 pháp lệnh. Nổi bật của kỳ họp thứ 10,  Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 51/2001/QH10 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992, nhằm thể chế hóa đường lối của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng. Quốc hội khóa XI (2002 - 2007): tổ chức bầu ngày 19/5/2002; tổng số có 498 đại biểu. Trong nhiệm kỳ này, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách đã tăng lên đáng kể. Có 120 đại biểu (chiếm gần 25% tổng số đại biểu Quốc hội) hoạt động chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội và 64 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quốc hội đã ban hành 84 luật, bộ luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 31 pháp lệnh. Chất lượng các dự án luật, pháp lệnh được thông qua đã bám sát yêu cầu của cuộc sống, xử lý tốt một số vấn đề nhạy cảm và phản ánh đầy đủ hơn thực tiễn xã hội. Việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng thực chất hơn, từ tổ chức bộ máy nhà nước, nhân sự cấp cao, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước cho đến chủ trương đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia, phê chuẩn Nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới... Quốc hội khóa XII (2007 - 2011): tổ chức bầu ngày 20/5/2007; tổng số có 493 đại biểu. So với nhiệm kỳ trước, số lượng các ủy ban của Quốc hội khóa XII tăng lên thành 9 ủy ban với việc Quốc hội thành lập mới Ủy ban Tư pháp, tách Ủy ban Kinh tế - Ngân sách thành Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cũng được tăng cường với 145 đại biểu, chiếm 29,41% tổng số đại biểu Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp, bố trí cán bộ, kiện toàn bộ máy của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội. Trong nhiệm kỳ 4 năm, Quốc hội khóa XII đã ban hành 68 luật, 12 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 13 pháp lệnh và 7 nghị quyết. Quốc hội khóa XIII (2011 - 2016): tổ chức bầu ngày 22/5/2011, đây là lần đầu tiên cử tri cả nước tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong cùng một ngày với quy mô lớn. Cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp với 99,51% cử tri đi bỏ phiếu, bầu ra 500 đại biểu Quốc hội tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thành tựu lớn nhất của Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp năm 2013 (kỳ họp thứ 6). Nhiệm kỳ này, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua 100 luật, bộ luật, 10 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Quốc hội khóa XIII, đánh dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Quốc hội khóa XIII cũng ghi dấu ấn với việc lần đầu tiên tất cả các thành viên Chính phủ, từ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đến các bộ trưởng, trưởng ngành đều đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021): tổ chức bầu ngày 22/5/2016 với 99,35% cử tri đi bỏ phiếu, bầu ra 494 đại biểu Quốc hội. Nhiệm kỳ này, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách đạt tỷ lệ 34,91%, cao nhất so với các nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước. Quốc hội khóa XIV đã ban hành 65 luật và 99 nghị quyết, trong đó có nhiều đạo luật quan trọng nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước theo các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hoạt động giám sát ngày càng thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước. Nội dung giám sát mang tính thiết thực, bao trùm hoạt động kinh tế và đời sống xã hội. Việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước tiếp tục được nâng cao chất lượng và ngày càng thực chất hơn, bảo đảm lợi ích quốc gia, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, tạo ra những tác động tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, như: điều chỉnh quy định sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia; dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030…Việc đổi mới cách thức thảo luận từ Quốc hội "tham luận" sang Quốc hội "tranh luận" cũng là một điểm nhấn quan trọng của nhiệm kỳ này. Bên cạnh đó, Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức kỳ họp Quốc hội để thích nghi trong mọi hoàn cảnh. Điển hình nhất là tại kỳ họp thứ 9, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã tổ chức kỳ họp theo hình thức kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Thứ ba, Quốc hội tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng Việt Nam.
Quốc hội luôn luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri, luôn luôn đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân. Việc đổi mới cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội cần được tiến hành chặt chẽ, đồng bộ, có định hướng mục tiêu rõ ràng, bước đi chắc chắn và mang lại hiệu quả thiết thực. Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định để Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Việc gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, nắm bắt đầy đủ, thấu hiểu sâu sắc tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của Nhân dân, trân trọng lắng nghe, phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân là nhân tố quan trọng bảo đảm cho Quốc hội có những quyết sách đúng đắn, phù hợp thực tiễn, góp phần nâng cao uy tín, vai trò của Quốc hội, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ, đóng góp ý kiến xây dựng và củng cố niềm tin của cử tri, của Nhân dân đối với Quốc hội. Phát huy dân chủ trong sinh hoạt của Quốc hội là yêu cầu quan trọng tạo thêm sức mạnh và sự năng động, sáng tạo từ hệ thống chính trị của nước ta.
Nguồn: www.dukccq.binhdinh.gov.vn

Tác giả bài viết: LP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập68
  • Hôm nay2,212
  • Tháng hiện tại88,111
  • Tổng lượt truy cập2,150,656
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây