Kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021): TÀU KHÔNG SỐ CẬP BẾN LỘ DIÊU

Thứ sáu - 22/10/2021 08:41
Đường Hồ Chí Minh trên biển là một thiên anh hùng ca bất tử, tô thắm truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc, Quân đội và Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, tiếp thêm sức mạnh cho mọi thế hệ phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Toàn cảnh Đài tưởng niệm tại Di tích Tàu không số tại bến Lộ Diêu (Nguồn:TTXVN)
Toàn cảnh Đài tưởng niệm tại Di tích Tàu không số tại bến Lộ Diêu (Nguồn:TTXVN)
Cách đây 60 năm, ngày 23/10/1961, Đoàn tàu vận tải thủy được thành lập có nhiệm vụ vận tải vũ khí và người từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Để bảo đảm bí mật, những chiếc tàu đặc biệt này được cải hoán thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, xen kẽ, trà trộn vào những đoàn tàu của ngư dân địa phương trên biển, tên gọi Đoàn tàu không số ra đời. Từ đây, xuất hiện những con tàu không số lúc ẩn lúc hiện với những kỳ tích có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, một nét đặc sắc, độc đáo, sáng tạo của chiến tranh nhân dân, một sự phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Đầu năm 1960, cấp trên tăng cường đồng chí Trần Phi Khanh (quê ở xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân) về Bình Định làm cán bộ tham mưu Tỉnh đội, thực chất là về chuẩn bị bến bãi cho tàu không số vào Bình Định. Sau thời gian khảo sát, đồng chí nhận thấy bãi ngang thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã Hoài Nhơn) hội đủ các điều kiện cho tàu không số cập bến. Lộ Diêu có địa thế biệt lập với một mặt biển và ba mặt núi, hai đầu thôn có đèo Lộ Diêu đi ra xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn) và đèo Hà Ra đi vào xã Mỹ Đức (Phù Mỹ). Lúc bấy giờ, Lộ Diêu là vùng giải phóng, có truyền thống đấu tranh cách mạng, có tổ chức Đảng và các đoàn thể, có đội du kích kiên cường.
Trước yêu cầu của chiến trường và sự chỉ đạo của Trung ương, tháng 7/1963, Tỉnh ủy Bình Định thành lập Đoàn công tác đặc biệt ra miền Bắc do đồng chí Trần Phi Khanh làm Trưởng đoàn cùng ba đảng viên: Lê Văn Nốt (thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ), Phan Văn Kiệm và Phan Văn Khương (thôn Phú Thứ, xã Mỹ Đức) để báo cáo Trung ương về công tác chuẩn bị của Bình Định. Sau 4 tháng vượt Trường Sơn, Đoàn công tác của Bình Định có mặt tại Hà Nội; đồng chí Trần Phi Khanh báo cáo với Trung ương nguyện vọng của Tỉnh ủy và nhân dân Bình Định xin chi viện vũ khí để đẩy mạnh đấu tranh vũ trang.
Tỉnh ủy Bình Định thành lập bộ phận chuyên trách (HB15) chuẩn bị các mặt để đón tàu, do đồng chí Trương Trọng Hạng - Tỉnh đội phó, Tham mưu trưởng trực tiếp chỉ huy và thành lập 2 đại đội được chọn lọc kỹ về chính trị, huấn luyện kỹ về chiến đấu, kỹ thuật công binh, quân giới để chuẩn bị hệ thống kho bảo đảm bí mật, khô ráo, an toàn và được trang bị đài 15W để thường xuyên liên lạc với cấp trên.
Ngày 21/9/1964, Tàu 401 (đóng theo dạng tàu đánh cá miền Nam) được lệnh chở 30 tấn vũ khí lên đường vào Khu V; tàu có 12 cán bộ, chiến sĩ, Thuyền trưởng là đồng chí Phạm Vạn (quê Quảng Ngãi), 2 Thuyền phó là đồng chí Trần Phấn và đồng chí Trần Phi Khanh (quê Bình Định), Chính trị viên là đồng chí Đặng Văn Thanh (quê Bình Thuận) cùng 8 thuyền viên đều là người miền Nam. Khi hành trình trên biển, gặp gió mùa Đông Bắc tràn về mạnh, Chi ủy tàu hội ý và quyết định cho tàu quay trở lại.
Ngày 10/10, tàu xuất phát lần thứ hai, ra khơi gặp bão, đành phải đưa tàu vào trú tạm tại đảo Hải Nam. Đến ngày 25/10, tàu nhổ neo tiếp tục hành trình. Khi tàu ra đến hải phận quốc tế, Hạm đội của Mỹ phát hiện và cho 2 máy bay theo dõi, điều 2 tàu hải quân ngụy ở Đà Nẵng bám theo. Anh em trên tàu rất bình tĩnh và chuẩn bị tư thế sẵn sàng chiến đấu, khi cần thiết thì hủy tàu và hy sinh. Ngày 31/10, tàu gần đến hải phận Bình Định, trời kéo mây phủ và nổi gió, trút xuống cơn mưa to và sóng lớn nên 2 tàu của địch bỏ cuộc. Tranh thủ thời cơ, tàu hướng vào Lộ Diêu; do sóng to gió lớn nên thuyền bị trôi dạt vào gần bờ thuộc vùng biển Tân Phụng (Mỹ Thọ, Phù Mỹ), Chỉ huy cho tàu chạy ngược về Lộ Diêu.
HB15 nhận được điện của cấp trên cho biết tàu sẽ vào bến Lộ Diêu lúc nửa đêm và đã chuẩn bị sẵn sàng đón tàu, nhưng đến gần 4 giờ sáng ngày 1/11/1964, tàu mới vào đến bến Lộ Diêu. Do vậy, anh em lúc đầu nghi ngờ tàu của địch và chuẩn bị đối phó, sau đó nhận biết được tàu của ta nên đã chạy ùa ra ôm nhau vui mừng rơi nước mắt và nhanh chóng vận chuyển vũ khí lên bờ.
Thực hiện đúng kế hoạch, ta cho gác hai đầu đèo không để người vào ra, tổ chức bảo vệ tàu, huy động toàn bộ lực lượng đào bãi cát để khẩn trương chôn giấu vũ khí. Tàu 401 bị mắc cạn và hư hỏng nặng, sau khi bốc dỡ xong vũ khí, Chi bộ quyết định đốt hủy tàu để xóa dấu vết. Máy bay của địch quần lượn liên tục, bọn hải thuyền của địch ở Tam Quan, Đề Gi tuần tra nhưng ta loan tin là tàu đánh cá bị sóng đánh dạt vào bờ bốc cháy. Những đêm tiếp theo, ta tiếp tục huy động thêm cán bộ, đảng viên của xã Hoài Mỹ và thôn Phú Thứ để chuyển vũ khí lên kho tạm trên núi để lực lượng chuyên trách chuyển về kho bí mật an toàn. Đây là chuyến tàu không số đầu tiên vào khu V, bảo đảm an toàn về người và vũ khí.
Số vũ khí này được trang bị cho các trung đoàn chủ lực Quân khu 5 và lực lượng vũ trang trong tỉnh, góp phần quan trọng vào chiến thắng trong chiến dịch Đông - Xuân 1964 - 1965 với những trận đánh lớn như: An Lão (12/1964), Đèo Nhông - Dương Liễu, Đồi Mười, Gò Bồi (2/1965),… và mở ra vùng giải phóng liên hoàn, cắt đường số 1 từ Bồng Sơn đi Quảng Ngãi. Tàu không số cập bến Lộ Diêu là một trong hàng trăm chiến tàu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, cùng với các tàu không số khác đã vận chuyển trên 150 nghìn tấn vũ khí, thuốc men và hàng nghìn lượt cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam. Thắng lợi của tàu không số cập bến Lộ Diêu đã góp phần vào những chiến công của Đường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc và mãi mãi là một huyền thoại bất tử, đi vào lịch sử như một kỳ tích của thế kỷ XX.
Với sự kiện tàu không số cập bến Lộ Diêu, năm 2005 UBND tỉnh công nhận Bãi biển Lộ Diêu là Di tích cấp tỉnh. Năm 2019, Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp với Hoài Nhơn xây dựng và khánh thành Đài tưởng niệm tại Di tích. Đây là nơi ghi nhớ công lao của những chiến sĩ tàu không số và là địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tác giả bài viết: Quang Lợi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập85
  • Hôm nay1,056
  • Tháng hiện tại90,460
  • Tổng lượt truy cập2,153,005
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây