Kỷ niệm 153 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1868 - 2021): NGUYỄN TRUNG TRỰC - NGƯỜI ANH HÙNG DÂN TỘC XẢ THÂN CỨU NƯỚC CỨU DÂN

Chủ nhật - 17/10/2021 03:36
Ông nội của Nguyễn Trung Trực là Nguyễn Văn Đạo, cha là Nguyễn Văn Phụng (Thăng) vốn là ngư dân Xóm Lưới, làng Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát). Các thế hệ cư dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, chế biến hải sản.
Kỷ niệm 153 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1868 - 2021): NGUYỄN TRUNG TRỰC - NGƯỜI ANH HÙNG DÂN TỘC XẢ THÂN CỨU NƯỚC CỨU DÂN
Cuối thế kỷ thứ XVIII, ông Nguyễn Văn Đạo cùng với người em trai là Nguyễn Văn Chông vào phương Nam lập nghiệp ở vùng hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông. Do xuất thân nghề làm biển nên vào Nam, gia đình Ông làm nghề chài lưới, cùng với cư dân ở đây cũng chủ yếu sống bằng nghề đánh cá hình thành Xóm Nghề. Xóm Nghề là nơi họ tộc Nguyễn Trung Trực sinh sống nhiều đời. Cư dân Xóm Nghề vốn là hậu duệ của những lưu dân từ miền Trung vượt biển vào Nam, buổi đầu đã dũng cảm vào “phá sơn lâm, đâm hà bá”, mang trong mình truyền thống cần cù, quật khởi, tinh thần thượng võ, tư tưởng nhân nghĩa, dám xả thân vì nghiệp lớn. Ông nội Nguyễn Trung Trực là một trong những người đầu tiên có công khai phá và lập nên Xóm Nghề; đến đời thân sinh Nguyễn Trung Trực, gia đình Ông đã khá giả, có đất đai hiến cho làng làm công điền, có uy tín trong vùng. Nguyễn Trung Trực chào đời trong ngôi nhà của cha mình nằm sát bờ sông Vàm Cỏ Đông.
Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch (Quản Chơn), sinh năm 1838 (Mậu Tuất), tại làng Bình Nhựt, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Ông lớn lên trong lúc nước nhà bị thực dân Pháp đưa quân xâm lược. Nguyễn Trung Trực đã tham gia nghĩa quân, phòng thủ và bảo vệ đồn Chí Hòa dưới quyền của lãnh binh Trương Định; kế đó cùng nghĩa quân bảo vệ vùng Gò Công, địa bàn chính là vùng Bến Lức, dọc theo sông Vàm Cỏ Đông.
Ngày 10/12/1861, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân đã lập nên chiến công vang dội, đốt cháy tàu L’Espérance trên vàm sông Nhựt Tảo. Sau trận này, hàng loạt cuộc tấn công đánh tàu địch liên tiếp nổ ra ở Bến Lức, Sông Tra,… làm cho quân Pháp lúng túng, bị động. Một viên sĩ quan cấp cao của Pháp lúc bấy giờ đánh giá chiến thắng Nhựt Tảo là khúc nhạc mở đầu cho các cuộc công kích của nghĩa quân vào hầu như toàn bộ các đồn lũy của người Pháp.
Cuối tháng 6/1867, quân Pháp chiếm Vĩnh Long; tiếp đó là các tỉnh An Giang và Hà Tiên. Khi thành Hà Tiên rơi vào tay giặc, Nguyễn Trung Trực không nghe lệnh Triều đình lui binh mà cùng nghĩa quân về Hòn Chông, tập trung xây dựng căn cứ, chuẩn bị lực lượng tiếp tục tấn công địch.
Rạng sáng ngày 16/6/1868, Nguyễn Trung Trực chỉ huy nghĩa quân tấn công đánh úp đồn Kiên Giang. Tất cả quân Pháp và lính giữ đồn đều bị nghĩa quân tiêu diệt, trong đó có Chủ tỉnh Chánh Phèn. Đồn Pháp bị nghĩa quân thiêu rụi... Sau những chiến công vang dội của Nguyễn Trung Trực, giặc Pháp rất căm tức, quyết tâm truy tìm để tiêu diệt Ông cùng nghĩa quân. Tên việt gian Trần Bá Lộc được cử từ Cái Bè đến Rạch Giá để đối phó với Nguyễn Trung Trực; hắn đặt giải thưởng cao cho ai bắt sống hoặc dâng thủ cấp của Ông. Độc ác hơn nữa, hắn còn cho bắt mẹ của Nguyễn Trung Trực để gây áp lực, khống chế Ông.
Khi quân Pháp kéo tới trấn áp nghĩa quân, để bảo toàn lực lượng, Nguyễn Trung Trực rút quân về Hòn Chông rồi ra Phú Quốc. Ngày 19/9/1868, quân Pháp điều trên 100 lính Mã tà, từ Hà Tiên kéo ra Phú Quốc, tấn công vào Hàm Ninh. Nghĩa quân đã nghi binh để đánh lừa địch. Quân giặc gọi thêm viện binh và quay sang tấn công Dương Đông. Lúc đó, vợ của Nguyễn Trung Trực bị bệnh qua đời; chôn cất vợ xong thì đứa con thơ của Ông cũng mất… Quân Pháp xiết chặt bao vây; khủng bố, khống chế ngày càng gắt gao nhân dân trên đảo để triệt hạ nghĩa quân… Trước cảnh nhân dân thì bị khảo tra, nghĩa quân đang bị núng thế, thuốc súng không còn, thế giặc lại mạnh, Nguyễn Trung Trực đã quyết định chọn lấy sự hy sinh của bản thân mình để bảo toàn sinh mạng cho nghĩa quân và đồng bào. Tấm lòng trung hiếu của Ông thật là trọn vẹn!
Giặc Pháp đưa Nguyễn Trung Trực từ Rạch Giá lên Sài Gòn, giam tại Khám lớn. Tên việt gian Huỳnh Văn Tấn cố hết sức khuyên Ông theo Pháp để được hưởng chức tước, lợi lộc, hoặc sẽ chiều theo ý muốn nếu hợp tác với chúng. Nguyễn Trung Trực bình thản, gác ngoài tai mọi lời phủ dụ và khẳng khái nói: “Tôi chỉ muốn làm một chức thôi, chức gì mà có quyền chặt đầu tất cả bọn Tây”. Tên sĩ quan người Pháp trực tiếp hỏi cung Ông phải nể phục và công nhận: “Trực có gương mặt thông minh dễ gây thiện cảm. Đó là con người tự trọng, có tư cách đáng quý và cương nghị”...
Sau cuộc hỏi cung, thấy không dụ hàng được Nguyễn Trung Trực, tên chỉ huy người Pháp răn đe: “Ông Lịch nè, dù Ông sống hay chết thì binh lực Pháp cũng tận diệt quân phiến loạn xứ này”. Nguyễn Trung Trực đáp trả: “Tôi dám chắc rằng, bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Thấy chẳng thể nào thuyết phục được Nguyễn Trung Trực, thực dân Pháp đã xử tử Ông. Bản án được thi hành tại Rạch Giá vào ngày 27/10/1868 (nhằm ngày 12 tháng 9 năm Mậu Thìn).
Tên tuổi Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là niềm cảm phục và tự hào của cả dân tộc Việt Nam nói chung và của nhân dân Nam bộ nói riêng. Ông được nhân dân Nam bộ tri ân, tôn thờ như một vị thần và lập đền thờ ở nhiều nơi.
Bình Định tự hào là quê hương của những anh hùng hào kiệt, góp phần trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, tô thắm trang sử oanh liệt, hào hùng của dân tộc Việt Nam. Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là một trong những anh hùng hào kiệt ấy.
Ghi nhận, tôn vinh công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực có gốc tích quê hương Bình Định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đã xây dựng Đền thờ Ông tại Dốc Sáo, thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát vào tháng 10/2020. Đây là địa chỉ đỏ để giáo dục lòng tự hào, truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.
 

Tác giả bài viết: Quang Lợi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập31
  • Hôm nay2,835
  • Tháng hiện tại88,734
  • Tổng lượt truy cập2,151,279
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây