Từ bảng tuần hoàn truyền thống được dùng trong nhà trường, các em đã cải tiến thành bảng tuần hoàn thông minh có tích hợp chức năng đọc và hiển thị tên, hóa trị, tính chất hoá học của một số nguyên tố hoá học. Ban giám khảo Cuộc thi đánh giá cao tính sáng tạo và khả năng ứng dụng của sản phẩm.
Chia sẻ về ý tưởng sáng tạo nên giải pháp, em Nguyễn Thị Trà My, cho biết: “Cách học trước đây thường đọc tên nguyên tố hóa học theo Tiếng Việt, đơn thuần như: Nhôm (Al), Đồng (Cu)…Thế nhưng, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt buộc phải đọc tên nguyên tố hóa học theo danh pháp quốc tế IUPAC, làm cho học sinh cảm thấy khó khăn, bỡ ngỡ. Để đáp ứng nhu cầu môn học dễ dàng và tiện lợi hơn, chúng em đã nảy ra ý tưởng nghiên cứu, thiết kế bảng tuần hoàn thông minh”
Với sự hướng dẫn của thầy giáo, sau hơn 5 tháng mày mò thiết kế và thử nghiệm nhiều lần, bảng tuần hoàn thông minh ra đời với cách vận hành cũng khá đơn giản, dễ sử dụng. “Chỉ cần mở nguồn, nhấn 1 trong 4 nút nhấn chức năng (đọc tên, tính chất, hóa trị, quy luật sắp xếp) rồi nhấn 01 trong 118 nút nhấn ứng với vị trí 118 nguyên tố hoá học trong bảng tuần hoàn. Mỗi nút được nhấn sẽ trả về cho vi điều khiển một mức điện áp khác nhau. Vi điều khiển sẽ đọc và đối chiếu với tín hiệu nhận được để xác định nút nào được nhấn, từ đó cho phát lời thoại nhân tạo từ file MP3 và hiện thị dữ liệu trên màn hình LCD HDMI tương ứng” – Em Trần Bình Bảo Trâm cho biết.
Thầy Đỗ Đức Thại – giáo viên dạy môn khoa học tự nhiên, Trường THCS Hoài Châu Bắc, TX. Hoài Nhơn nhận xét: “Bảng tuần hoàn thông minh giúp các em tìm hiểu hóa trị của các nguyên tố để viết đúng các công thức hóa học, tìm hiểu tính chất và quy luật sắp xếp các nguyên tố trong bảng tuần hoàn. Điều này đem lại thuận lợi cho học sinh học bộ môn khoa học tự nhiên mới theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đặc biệt, những học sinh khiếm thính, khiếm thị có thể học được một cách dễ dàng”.
Chia sẻ về hướng phát triển sản phẩm, em Nguyễn Thị Trà My bày tỏ mong muốn thời gian tới, nhà trường, thầy cô giáo hỗ trợ để các em có thể thiết kế bảng tuần hoàn nhỏ gọn hơn phù hợp cho mỗi học sinh sử dụng”.
Thạc sĩ Lê Ngọc Vịnh – Phó Trưởng phòng Phòng Giáo dục Trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh), giám khảo Cuộc thi lần thứ XI, cho biết: Bảng tuần hoàn thông minh mang tính sáng tạo cao, có thể bổ sung vào danh mục thiết bị dạy học ở các trường THCS trong tỉnh. Sử dụng làm đồ dùng học tập sẽ tiện ích hơn so với bảng tuần hoàn truyền thống, dễ thao tác, tra cứu nhanh chóng và tạo sự thích thú cho học sinh.