Trải qua 11 lần tổ chức, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Bình Định (Cuộc thi) trở nên quen thuộc với các em học sinh trong tỉnh. Đó còn là nơi để các em “thử sức” sáng tạo và “gửi gắm” ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai.
Cuộc thi lần thứ XI (năm 2024) vừa được UBND tỉnh phê duyệt kết quả với 53 giải pháp đoạt giải, gồm có 3 giải nhất, 10 giải nhì, 15 giải ba và 25 giải khuyến khích. Kết quả của mỗi kỳ thi thêm một lần khẳng định “ngọn lửa” đam mê sáng tạo ở độ tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng trong toàn tỉnh có sự duy trì, tiếp nối và lan tỏa.
“Cuộc thi lần thứ XI có số lượng các giải pháp tham dự nhiều nhất so với các lần trước, với 109 giải pháp. Điều đó cho thấy, lãnh đạo các trường đã thật sự quan tâm, đông đảo học sinh đón nhận và dành nhiều thời gian đầu tư các mô hình, sản phẩm một cách tỉ mỉ, công phu với chất lượng vượt trội” - Ông Lê Văn Tâm, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Trưởng ban Ban Tổ chức Cuộc thi lần thứ XI cho biết. Hiệu quả từ công tác tuyên truyền
Để Cuộc thi lan tỏa sâu rộng, công tác tuyên truyền đóng vai trò tiên quyết. Được UBND tỉnh giao là cơ quan thường trực Cuộc thi, hằng năm, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội) sớm xây dựng Thể lệ, in tờ rơi, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền để Cuộc thi lan tỏa đến các trường học trong tỉnh. Đặc biệt, phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Bình Định phát sóng, đăng tin Cuộc thi 01 số/tuần trong thời gian từ 15/3 đến 30/5 hằng năm. Ngoài ra, các kênh thông tin như bản tin, website của cơ quan thường trực và các đơn vị tham gia triển khai Cuộc thi cũng tích cực đưa tin tuyên truyền. Nhân các buổi làm việc với chính quyền các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, Liên hiệp Hội cũng thông tin, trao đổi về Cuộc thi với mong muốn các địa phương quan tâm, hỗ trợ để các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học triển khai hiệu quả phong trào sáng tạo khoa học cho các em học sinh.
Cuộc thi lần thứ XI, thị xã Hoài Nhơn tiếp tục là địa phương dẫn đầu với 35 giải pháp tham dự và 18 giải pháp đoạt giải, cao nhất so với các địa phương trong tỉnh. Để có kết quả luôn nằm top đầu, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát các trường trong việc tuyên truyền, phát động, triển khai Cuộc thi đến với học sinh. “Ngay từ đầu mỗi năm học Phòng đã tham mưu với Thị ủy, UBND thị xã tạo điều kiện cho các trường triển khai các phong trào, hoạt động cho học sinh, nhất là cuộc thi sáng tạo. Bên cạnh đó, Phòng cũng sớm ban hành kế hoạch để các trường tổ chức cuộc thi nghiên cứu khoa học quy mô, bài bản. Từ cuộc thi cấp trường, chọn ra các sản phẩm chất lượng để dự thi cấp tỉnh” – Ông Lê Tuấn Hải – Phó trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Hoài Nhơn cho biết.
Tùy điều kiện, mỗi trường có cách phát động khác nhau nhưng vẫn hướng về mục tiêu chung tìm kiếm học sinh có năng lực sáng tạo, đam mê nghiên cứu khoa học; cổ vũ, động viên các em mạnh dạn trình bày ý tưởng, hướng dẫn các em biết cách xây dựng giải pháp dự thi. Thầy Đỗ Nguyễn Thủy Văn – Phó hiệu trưởng Trường THCS Tam Quan, TX Hoài Nhơn chia sẻ: "Nhà trường luôn tích cực triển khai, phát động Cuộc thi đến với các khối lớp, xem đó là cơ hội để giáo dục, rèn luyện cho học sinh kỹ năng nghiên cứu khoa học, trang bị thêm kiến thức tích lũy để các em có những bước tiến cao hơn trong các cấp học sau. Ngay từ đầu mỗi năm học, nhà trường luôn chủ động tạo điều kiện về thời gian, kinh phí để học sinh thực hiện tốt các mô hình, sản phẩm dự thi” .
Những năm qua, các trường học tại thị xã Hoài Nhơn nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung đã bắt nhịp với Cuộc thi nhanh chóng, hiệu quả. Công tác tuyên truyền đồng bộ từ các cấp: Sở, Phòng GD&ĐT, địa phương và nhà trường. Từ đó, thu hút sự tham gia tích cực từ phía học sinh. Nếu ở Cuộc thi lần thứ nhất với chỉ vài giải pháp tham gia, là những ý tưởng sơ khai, những mô hình giản đơn, thì vài năm gần đây, giải pháp các em mang đến Cuộc thi có sự đầu tư bài bản, có thể phát triển thành các thiết bị quy mô ứng dụng hiệu quả trong lao động sản xuất.
Sự hưởng ứng tích cực của học sinh
Về phía học sinh, các em cũng có nhiều cảm nhận đối với Cuộc thi. Em Nguyễn Thị Trà My, học sinh lớp 8A4, Trường THCS Hoài Châu Bắc, Hoài Nhơn lần đầu tham dự Cuộc thi và đoạt giải nhất với giải pháp “Bảng tuần hoàn thông minh” chia sẻ: “Em biết đến Cuộc thi qua các anh chị trong trường từng đoạt giải và được nhà trường tuyên dương. Đó là động lực thôi thúc em đến với Cuộc thi để thử sức. Thật bất ngờ và vui sướng khi giải pháp của chúng em đoạt giải cao”.
Em Huỳnh Lê Ngọc Trâm, lớp 8A1, Trường THCS Hoài Châu, Hoài Nhơn bày tỏ: “Sự quan tâm, động viên của nhà trường, sự định hướng kịp thời của giáo viên hướng dẫn đã giúp chúng em thêm động lực để hoàn thiện sản phẩm và tự tin tham dự Cuộc thi”. Giải pháp “Máy bó chổi cọng dừa” của Trâm và bạn Nguyễn Trần Thi nghiên cứu đoạt giải ba, lĩnh vực Bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.
Giải nhất lĩnh vực Phần mềm tin học của Cuộc thi năm nay thuộc về giải pháp “Hệ thống quan trắc mực nước từ xa và hướng dẫn an toàn tại các bờ tràn thoát lũ” do Trần Võ Bảo Châu và nhóm bạn Trường THCS thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước nghiên cứu, sáng tạo. Khi được hỏi cơ duyên đến với Cuộc thi, Bảo Châu hào hứng chia sẻ: “Ngay sau khi nhà trường phát động, em cùng các bạn nắm bắt nội dung Cuộc thi và cùng nhau lên ý tưởng để dự thi. Chúng em mong muốn được trải nghiệm, học hỏi và giao lưu với các bạn đến từ nhiều trường học trong tỉnh”.
Qua 11 lần tổ chức, có thể nhận thấy các em học sinh đến với Cuộc thi vừa thỏa niềm đam mê sáng tạo vừa mong muốn được học hỏi, trau dồi kiến thức giúp ích cho việc học tập và nuôi dưỡng ước mơ trong tương lai. “Bằng niềm đam mê, thích thú của mình về môn tin học, em tự thiết kế các phần mềm để tham dự Cuộc thi XI với mong muốn được trải nghiệm và thử sức ở một sân chơi lý thú. Qua đó, được học hỏi ở các anh chị, các bạn và được các thầy cô hỗ trợ, định hướng cho em tiếp tục với niềm đam mê của mình” - Em Nguyễn Bảo Triều, học sinh lớp 6A2, Trường THCS Lê Hồng Phong (Quy Nhơn) chia sẻ. Ban Tổ chức Cuộc thi đánh giá cao khả năng tìm tòi, học hỏi của em. Đây cũng là thí sinh duy nhất không có giáo viên hướng dẫn, em tham dự 2 giải pháp và cả 2 đều đoạt giải khuyến khích. Sự tự lập, nỗ lực của cậu học trò lớp 6 truyền cảm hứng cho các bạn đồng trang lứa.
Nhiều năm liền tham gia hướng dẫn học sinh dự thi và các em cũng đạt nhiều giải cao, thầy Đỗ Đức Thại, giáo viên Trường THCS Hoài Châu Bắc, Hoài Nhơn đánh giá cao ở các em khả năng phát hiện vấn đề, cách vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết những khó khăn trong học tập và đời sống. Cũng chính sự chịu khó khám phá, kiên trì sáng tạo của các em đã giúp thầy cô thêm niềm yêu nghề, gắn bó với công tác hướng dẫn các em vững tin đến với Cuộc thi hằng năm.
“Ban tổ chức và ban giám khảo đã làm việc trên tinh thần công tâm, khách quan để đưa ra những kết quả xác đáng nhất. Đó cũng là yếu tố cốt lõi để tạo nên uy tín của Cuộc thi, đặc biệt là Cuộc thi dành cho các em học sinh – thế hệ tương lai của đất nước. Qua mỗi kỳ thi, Ban tổ chức mong muốn tìm kiếm những tài năng trẻ để động viên, hỗ trợ và định hướng cho các em phát triển khả năng sáng tạo” – Ông Lê Văn Tâm chia sẻ.
Tạo được uy tín, nhận sự quan tâm các cấp ngành, sự hưởng ứng của đông đảo các em học sinh trong toàn tỉnh là những tín hiệu tích cực của Cuộc thi. Song với niềm vui, Ban tổ chức cũng còn nhiều trăn trở. Cuộc thi vẫn còn những tồn tại khách quan từ phía tiếp nhận đặt nặng thành tích, xem trọng số lượng mà bỏ qua chất lượng và tiêu chí Cuộc thi. “Cuộc thi dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng. Vì vậy, Ban Tổ chức luôn đề cao tính trung thực, các sản phẩm, mô hình đến với Cuộc thi phải xuất phát từ chính khả năng của các em học sinh. Giáo viên chỉ hỗ trợ các em về mặt kiến thức, tránh can thiệp sâu và làm thay phần các em. Có thể sản phẩm chưa hoàn hảo những Ban Tổ chức chúng tôi đánh giá cao khả năng sáng tạo ở độ tuổi các em là đáng quý” – Ông Lê Văn Tâm bày tỏ.