Vai trò của quần chúng đấu tranh giải phóng tỉnh Bình Định 31/3/1975

Thứ năm - 30/03/2023 10:08
Kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng Bình Định (31/3/1975-31/3/2023) có dịp để chúng ta nhìn lại vai trò của quần chúng nhân dân trong những ngày chuẩn bị và đấu tranh anh dũng giải phóng miền Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng trong mùa Xuân năm 1975, đúng như Bác Hồ kính yêu của chúng ta xác định “sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, cách mạng lấy “dân làm gốc”, “gốc có vững , cây có bền, xây lầu hạnh phúc trên nền nhân dân”.
Đông đảo đồng bào tham dự mít tinh mừng giải phóng tỉnh Bình Định. Ảnh tư liệu
Đông đảo đồng bào tham dự mít tinh mừng giải phóng tỉnh Bình Định. Ảnh tư liệu
Trước những diễn biến tình hình chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kể từ sau Hiệp định Paris (27.01.1973), trên chiến trường tỉnh Bình Định cục diện chiến tranh ngày càng có lợi cho cách mạng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục quần chúng nhân dân, tích cực hỗ trợ và phục vụ đắc lực cho lực lượng vũ trang, quân ta đã đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, nhất là ở phía đông Phù Mỹ, bắc Hoài Nhơn, đông An Nhơn, đông bắc Tuy Phước và  Bình Khê (Tây Sơn). Nổi bật: Năm 1973, hơn 358.000 lượt quần chúng đấu tranh chính trị và binh địch vận, năm 1974 quần và nhân dân trong tỉnh bằng 3 mũi giáp công, loại 18.199 tên, đấu tranh giành lại 23.375 dân vùng giải phóng bị địch xâm lấn, mở ra 76.000 dân. Trong 2 năm 1973-1974, phát triển thêm 38.700 đoàn, hội viên quần chúng, tham gia vận chuyển 6.000 tấn hàng hóa, vũ khí phục vụ chiến đấu…vai trò của quần chúng nhân dân được phát huy trên mọi lĩnh vực, góp phần đánh bại nhiều thủ đoạn, âm mưu hết sức thâm độc, xảo quyệt của chính quyền Sài Gòn.
Diễn biến chiến dịch giải phóng tỉnh Bình Định
Chớp lấy thời cơ, Đảng ta đã có những chủ trương và chỉ đạo đúng đắn, Nghị quyết Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10.1974 và tháng 01.1975 có ý nghĩa lịch sử trọng đại, soi đường cho quân dân ta tiến tới đại thắng mùa Xuân 1975. Ở Bình Định, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và Khu ủy V, Hội  nghị Thường vụ Tỉnh ủy (24.3.1975) phát động cao trào toàn dân nổi dậy giải phóng toàn tỉnh, với khẩu hiệu hành động “Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh” và phát  đi “Mệnh lệnh tổng tiến công, tổng khởi nghĩa phóng toàn tỉnh” hiệu triệu toàn dân nhất tề xông lên. Từ ngày 26.3 đến ngày 31.3.1975, quân và dân khắp các huyện trong tỉnh đã vùng lên tiến công như vũ bão, hoàn thành sứ mệnh lịch sử đồng loạt giải phóng các huyện. Từ ngày 25 đến 28.3.1975, các lực lượng vũ trang và hàng nghìn quần chúng nhân dân huyện Hoài Nhơn tiến công bao vây tiêu diệt các chốt, điểm của địch; có hơn 25.000 lượt quần chúng lao động phối hợp với đấu tranh vũ trang, trực diện bao vây quận lỵ Tam Quan và  Bồng Sơn đến 10 giờ ngày 28.3.1975 giải phóng quận lỵ Bồng Sơn (Hoài Nhơn). Hoài Nhơn là huyện được giải phóng đầu tiên, làm nức lòng nhân dân toàn tỉnh. Tiếp theo đó, quân và dân các địa phương trong tỉnh cùng nổi dậy và giành thắng lợi, cụ thể: 8 giờ ngày 31.3.1975 giải phóng quận lỵ Phù Mỹ; 9 giờ ngày 31.3.1975 giải phóng quận lỵ Phù Cát; 10 giờ ngày 31.3.1975 giải phóng quận lỵ Bình Khê (nay là Tây Sơn); 12 giờ ngày 31.3.1975 ta làm chủ quận lỵ An Nhơn; 12 giờ 30 phút ngày 31.3.1975 giải phóng quận lỵ Tuy Phước; 15 giờ ngày 31.3.1975 giải phóng quận lỵ Vân Canh. Đặc biệt, tại thị xã Quy Nhơn, có gần 9.000 lượt quần chúng lao động nổi dậy chiếm trụ sở Khu 2, Khu 3 và đồn cảnh sát Bạch Đằng; công nhân, tự vệ nhà ga, cảng và nhà máy điện nhanh chóng ngăn chặn địch tháo chạy bằng đường biển, chiếm lĩnh các xí nghiệp, kho tàng, chống địch cướp phá máy móc, giải phóng Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định vào lúc 20 giờ ngày 31.3.1975 với hơn 900.000 dân. Đến 24 giờ cùng ngày, toàn bộ các đồn chốt, căn cứ, cơ quan địch ở nội thị và ngoại vi thị xã Quy Nhơn đều bị ta đánh chiếm. Sáng 1.4.1975 cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tung bay trên đỉnh cột cờ trước Tòa hành chính ngụy quyền và khắp các công sở, xí nghiệp, phố phường của thị xã Quy Nhơn.
Ngy sau khi giải phóng toàn tỉnh, Đảng bộ lập tức động viên quân dân các địa phương khẩn trương, tích cực huy động lực lượng vận tải (ô tô, tàu hỏa) chuyên chở đưa quân giải phóng, khí tài, quân dụng, chi viện nhân tài, vật lực các tỉnh phía Nam và phục vụ “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, giải phóng Sài Gòn và giải phóng hoàn toàn miền Nam  ngày 30.4.1975.
Chiến thắng ngày 31.3.1975 ở Bình Định là bản anh hùng ca tuyệt vời về tinh thần yêu nước, sự hy sinh, tinh thần quả cảm, ý chí cách mạng của quân và dân Bình Định; là kết quả của cuộc tiến công thần tốc, dũng mãnh, táo bạo, khôn khéo của các lực lượng vũ trang nhân dân, cùng với sự nổi dậy mạnh mẽ, đều khắp của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Từ thực tiễn thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng tỉnh Bình Định, cho thấy bài học kinh nghiệm: Quán triệt quan điểm của Đảng lấy “dân làm gốc”, phát huy sức mạnh của quần chúng, dựa vào quần chúng chiến đấu và phục vụ chiến đấu giành thắng lợi; coi trọng công tác tư tưởng, giáo dục chính trị cho quần chúng nhân dân nâng cao ý chí căm thù giặc, ý thức giai cấp, rèn luyện xây dựng  quyết tâm đánh  thắng giặc Mỹ xâm lược; tập trung xây dựng tổ chức cách mạng của quần chúng (Hội đoàn thể) bằng các hình thức (hợp pháp, nửa hợp pháp và bất hợp pháp); đào tạo đội ngũ cán bộ, đảm bảo nòng cốt, phát huy tính độc lập, sáng tạo trong  phong trào cách mạng, đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán trong các tầng lớp nhân dân; phát động phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân phù hợp với từng đối tượng liên tục và mạnh mẽ, biểu dương kịp thời những điển hình trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đi đầu trong phong trào  đấu tranh cách mạng do Đảng lãnh đạo. /.

Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Ngọc Anh - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập93
  • Hôm nay5,230
  • Tháng hiện tại98,931
  • Tổng lượt truy cập2,020,273
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây