Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước

Thứ ba - 28/03/2023 16:10
Vừa qua tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo “Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước”.
Quang cảnh buổi Hội thảo
Quang cảnh buổi Hội thảo
Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) là lực lượng quan trọng không tách rời với dân tộc, với đất nước, có đóng góp quan trọng vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, luôn được Đảng ta và Nhà nước ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao. Hằng năm trung bình có khoảng 300 - 500 lượt chuyên gia, trí thức, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ, triển khai các dự án hợp tác trong giảng dạy, đào tạo nhân lực, nghiên cứu phát triển (R&D), đẩy mạnh ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam… Họ đồng thời là cầu nối giúp tiếp xúc, vận động, kêu gọi và thu hút các nhà khoa học quốc tế có uy tín về Việt Nam tham dự các Hội nghị, hội thảo, tạo cơ hội gặp gỡ giao lưu, hợp tác với giới khoa học Việt Nam.
Báo cáo "Liên hiệp Hội Việt Nam - hành trình 40 năm tập hợp, đoàn kết và phát huy trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" nhấn mạnh: Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, các hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam trải dài trên các lĩnh vực như: phổ biến kiến thức, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tôn vinh trí thức, tổ chức các giải thưởng sáng tạo khoa học và kỹ thuật, tư vấn, phản biện và giám định xã hội… Trong tất cả các hoạt động đó, luôn có sự tham gia, đóng góp trí tuệ và tâm sức của một bộ phận không nhỏ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN).
Theo báo cáo của Liên hiệp Hội Việt Nam thì Bình Định là một trong những địa phương có hoạt động của trí thức NVNONN khá nổi bật và mang tính lan tỏa cao - đó là những đóng góp của Giáo sư Trần Thanh Vân, trí thức người Pháp gốc Việt, giáo sư ưu tú của Đại học Paris XI (Orsay, Pháp), giám đốc nghiên cứu Viện nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), được Chính phủ Pháp trao Huân chương Công trạng Quốc Gia năm 1995 và Huân chương Bắc đẩu Bội tinh năm 1999. Ông đã sáng lập Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam nhằm hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học và giáo dục. Trong suốt hơn 25 năm hoạt động khoa học và giáo dục tại quê hương, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã không ngừng xây dựng mạng lưới hợp tác nghiên cứu khoa học, kết nối lớp trẻ Việt Nam với bạn bè năm châu. Sau nhiều năm ấp ủ và tìm kiếm địa điểm xây dựng một điểm gặp gỡ khoa học quốc tế chất lượng cao cho các chương trình “Gặp Gỡ Việt Nam” hàng năm, được sự hỗ trợ nhiệt huyết của Lãnh đạo tỉnh Bình Định, GS. Trần Thanh Vân đã quyết định lựa chọn thung lũng Quy Hòa, thành phố Quy Nhơn, làm nơi tọa lạc của Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành – International Centre for Interdisciplinary Science and Education (ICISE). Trung tâm ICISE ra đời với mong muốn sẽ là nơi phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ Việt Nam hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế, mang lại cơ hội cho các thế hệ trẻ Việt Nam nâng cao trình độ hiểu biết của mình thông qua việc tham dự các cuộc gặp gỡ và chia sẻ ý tưởng với các đồng nghiệp quốc tế có trình độ cao, trở thành điểm đến của các nhà khoa học và là điểm sáng không chỉ của Việt Nam, mà còn của cả khu vực Đông Nam Á, nâng cao vị thế và hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Trung tâm này đã có những đóng góp tích cực cho tỉnh Bình Định nói riêng và cả nước nói chung, nổi bật trên các lĩnh vực sau:  
Đóng góp về mặt học thuật, khoa học: Tính đến nay, Trung tâm đã tổ chức hơn 100 hội nghị khoa học quốc tế chất lượng cao và gần 40 trường học khoa học chuyên đề với hơn 8500 nhà khoa học đến từ 35 quốc gia và vũng lãnh thổ tham dự, trong đó có 18 giáo sư Nobel, 02 giáo sư đạt giải Fields (được xem là Nobel Toán học… Các sự kiện khoa học được tổ chức tại Trung tâm ICISE đã mang đến Việt Nam luồng sinh khí mới trong lĩnh vực khoa học, tạo cơ hội cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam tiếp cận, học hỏi các phương pháp giáo dục tiên tiến, các phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại, tìm kiếm học bổng tiếp tục học thạc sĩ, tiến sĩ, nghiên cứu sau tiến sĩ ở nước ngoài; tạo điều kiện để thiết lập các hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các nhóm khoa học trong nước và quốc tế. Những kết quả hoạt động ban đầu đáng ghi nhận của Viện IFIRSE trực thuộc Trung tâm ICISE, vận hành bằng kinh phí tư nhân đã cho thấy hiệu quả của mô hình thành lập Viện nghiên cứu theo chuẩn quốc tế có thể thực hiện thành công tại Việt Nam và có thể thu hút được các nghiên cứu viên trẻ người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài trở về nước làm công tác nghiên cứu khoa học.
Đóng góp về mặt giáo dục, đào tạo:Các lớp học chuyên đề khoa học quốc tế được Trung tâm ICISE tổ chức đã đào tạo cho các nhà khoa học trẻ, sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam và các nước trong khu vực Châu Á về phương pháp, kỹ năng nghiên cứu khoa học mới, hiện đại, tạo niềm đam mê, hứng khởi, có tác dụng khích lệ, động viên các nhà khoa học trẻ trong các lĩnh vực khoa học mà Việt Nam còn thiếu và yếu về nhân lực như Vật lý năng lượng cao, Vật lý Neutrino, Vật lý Thiên văn… Các buổi thuyết trình khoa học đại chúng dành cho học sinh, sinh viên và công chúng đã đưa khoa học đến với công chúng, khuyến khích tình yêu khoa học đối với học sinh, sinh viên, tạo động lực cho thế hệ trẻ lựa chọn đi theo con đường khoa học trong định hướng nghề nghiệp là nền tảng để phát triển đội ngũ khoa học cho Việt Nam trong tương lai.
Tiền đề cho sự hình thành Dự án “Tổ hợp không gian khoa học” và “Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa”. Với ý tưởng và sự giúp đỡ xây dựng dự án, tư vấn của Hội Gặp gỡ Việt Nam và các nhà khoa học tham dự hội nghị tại Trung tâm ICISE, năm 2015, Dự án “Tổ hợp không gian khoa học”, gồm Nhà chiếu hình vũ trụ, Khu khám phá khoa học và Đài quan sát thiên văn phổ thông đã được Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước. Đây là tổ hợp khoa học đại chúng đầu tiên tại Việt Nam, thứ hai ở Đông Nam Á, đưa khoa học tới quần chúng và phát triển tình yêu khoa học cho nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, vừa phục vụ giáo dục khoa học, vừa phát triển du lịch khoa học. Đó là cơ sở để tỉnh Bình Định xây dựng đề án phát triển “Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” với mục tiêu là khu đô thị đa chức năng, giữ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội miền Trung -Tây Nguyên và cả nước.
Quảng bá hình ảnh tỉnh Bình Định và Việt Nam ra thế giới và thu hút các nhà đầu tư lĩnh vực công nghệ:các hoạt động, sự kiện khoa học tại Trung tâm ICISE thu hút được hàng nghìn nhà khoa học quốc tế danh tiếng và uy tín, nhiều tổ chức nghiên cứu, tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đến thành phố Quy Nhơn đã góp phần quảng bá và tạo hiệu ứng truyền thông làm cho hình ảnh tỉnh Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung rõ nét hơn trong khu vực và trên thế giới, đưa vị thế của Việt Nam ngày càng được biết đến trên trường quốc tế về lĩnh vực khoa học và giáo dục.
Có thể nói, hội thảo “Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước” là một hoạt động cụ thể, thiết thực nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam (23/3/1983- 23/3/2023). Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các đại biểu và trí thức Việt kiều: Để kết nối trí thức người Việt Nam ở nước ngoài nhằm phát triển kinh tế trong nước dựa trên đổi mới sáng tạo và thành tựu Cuộc cách mạng công nghệ 4.0, trước tiên, cần xác định rõ những vướng mắc, cản trở sự đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng để có những giải pháp tháo gỡ, khơi thông nguồn lực “mềm” này; cần loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết đối với kiều bào; minh bạch hoá các thủ tục về nhập xuất cảnh, đăng ký công dân, đăng ký thường trú cho người hồi hương. Cùng với đó cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho các dự án đầu tư của kiều bào, có những chính sách, cơ chế phù hợp để khơi dậy tình yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của người Việt Nam ở nước ngoài, từ đó đóng góp của họ mới thực sự chân thành và hiệu quả… Ban tổ chức sẽ tổng hợp, báo cáo những kiến nghị, đề xuất về đại đoàn kết dân tộc, về trí thức, về khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo…với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan liên quan, nhằm phát huy hơn nữa tiềm lực của trí thức NVNONN đối với công cuộc xây dựng và phát triên đất nước hiện nay./.

Tác giả bài viết: Thanh Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập19
  • Hôm nay1,447
  • Tháng hiện tại55,811
  • Tổng lượt truy cập1,760,401
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây