Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: Hành trình 40 năm tập hợp, đoàn kết và phát huy vai trò đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Thứ năm - 23/03/2023 15:57
Trải qua quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc, trí thức Việt Nam luôn nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và có vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trong thời đại Hồ Chí Minh, trí thức nước nhà không ngừng phấn đấu, hy sinh, hăng hái tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Quá trình vận động thành lập và Đại hội lần thứ nhất của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Nửa đầu của thế kỷ XX, nhiều tổ chức của trí thức đã được thành lập và phát triển rộng khắp, như Hội Truyền bá quốc ngữ (1938), Hội Văn hóa cứu quốc (1943), Hội Văn nghệ Việt Nam (1948), góp phần tích cực mở mang dân trí, giải phóng dân tộc, chấn hưng đất nước. Ngay sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, một số hội của các nhà khoa học Việt Nam đã ra đời, như: Hội Luật gia Việt Nam (1955), Tổng hội Y - Dược học Việt Nam (1955), Hội Đông y Việt Nam (1957), Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam (1959). Tiếp theo, các hội phát triển tổ chức đến các địa phương; đồng thời, nhiều hội khoa học - công nghệ mới tiếp tục hình thành và hoạt động, nhất là sau khi miền Nam giải phóng. Ngay trong năm 1975, Hội Trí thức yêu nước đã được thành lập tại thành phố Sài Gòn.
Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội VI (12-1986) giúp giải phóng lực lượng sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tạo ra không khí cởi mở và thổi một luồng sinh khí mới vào các hoạt động xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành các hội khoa học và công nghệ. Trong vòng hơn hai thập kỷ, gần 50 hội và tổng hội khoa học và công nghệ đã được thành lập, cùng với hơn mười hội ra đời trước đó, đưa tập hợp các hội khoa học - công nghệ lên con số 66.
Song song với sự ra đời của các hội hoạt động trong ngành khoa học và công nghệ, là xu thế tập hợp các hội khoa học và công nghệ ngành thành một tổ chức chung thống nhất. Tháng 3-1965, Ủy ban liên lạc lâm thời các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam được thành lập. Các nhà khoa học của Thủ đô Hà Nội đã đi tiên phong thực hiện chủ trương này với việc thành lập Hội Liên hiệp khoa học - kỹ thuật Hà Nội (1982), sau này đổi tên thành Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội - liên hiệp hội địa phương đầu tiên trong cả nước.
Đầu những năm 80 của thế kỷ XX, những điều kiện cần thiết cho sự ra đời một tổ chức thống nhất của các hội khoa học và công nghệ đã hội đủ. Trên cơ sở kết quả hoạt động của Ủy ban liên lạc lâm thời các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, ngày 26-3-1983, tại Thủ đô Hà Nội, đại biểu của 14 hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Hội Liên hiệp khoa học - kỹ thuật Hà Nội tổ chức đại hội thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Đại hội đã thông qua Điều lệ và bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. GS, VS, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa được bầu làm Chủ tịch.
Ngày 29-7-1983, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 121-HĐBT, cho phép Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chính thức thành lập và hoạt động. Liên hiệp ra đời là nơi tập hợp và đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ cả nước, điều hòa và phối hợp hoạt động của các tổ chức thành viên. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Liên hiệp Hội gây được tiếng vang lớn ở trong và ngoài nước. Những kết quả đạt được trong công tác vận động trí thức của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ra đời trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, vừa phải giải quyết những hậu quả của chiến tranh, vừa phải đối đầu với việc bao vây cấm vận, phải làm nghĩa vụ quốc tế. Tuy nhiên, sau 40 năm xây dựng và phát triển cùng với đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã khẳng định vai trò trong việc tập hợp, đoàn kết và phát huy đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được thừa nhận là một tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Liên hiệp có hệ thống tổ chức từ Trung ương tới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nằm trong hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo. Các hội ngành khoa học và kỹ thuật Trung ương là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nhưng khi đã là hội thành viên thì có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ngày càng trở thành địa chỉ tin cậy tập hợp trí thức khoa học và công nghệ trong cả nước, thể hiện qua việc phát triển mạnh về tổ chức. Từ 15 tổ chức thành viên với vài chục nghìn hội viên khi mới thành lập, tính đến tháng 12-2022, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có 93 hội ngành toàn quốc, 63 liên hiệp hội tỉnh, thành phố, với hơn 3,7 triệu hội viên, trong đó có hơn 2,2 triệu hội viên là trí thức; 607 tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc; 3 đơn vị thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Quỹ Vifotec, Nhà xuất bản Tri thức, Báo Tri thức và Cuộc sống).
Tổ chức bộ máy của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương mang tính hệ thống chính trị - xã hội hai cấp và phần lớn các liên hiệp hội địa phương đã sử dụng chung Điều lệ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được phê duyệt theo Quyết định số 1795-QĐ-TTg, ngày 21-10-2015, của Thủ tướng Chính phủ. Mối quan hệ của các tổ chức trong hệ thống ngày càng được củng cố, đặc biệt mối quan hệ phối hợp và liên kết vùng giữa các liên hiệp hội địa phương và giữa các hội thành viên ở Trung ương và địa phương ngày càng được tăng cường. Cán bộ cơ quan Liên hiệp Hội ở Trung ương và địa phương được củng cố theo hướng tinh gọn, nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả. Công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ hoạt động hội từng bước được định hướng theo một chương trình thống nhất, có tính hệ thống. Nhiều hội thành viên đã thành lập một số loại hình tổ chức mới phù hợp để thực hiện công tác vận động, thu hút, động viên, khuyến khích trí thức tham gia xây dựng và phát triển đất nước.
Để bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã phối hợp với các tỉnh, thành ủy thành lập 53 đảng đoàn ở các liên hiệp hội địa phương và dần hình thành các tổ chức đảng, đoàn thể ở các liên hiệp hội. Riêng các tổ chức hội ở Trung ương từ các chi bộ nhỏ lẻ đã phát triển thành Đảng bộ Liên hiệp Hội, với 58 chi bộ trực thuộc, trên 800 đảng viên; các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, công đoàn được thành lập và hoạt động khá nền nếp. Công đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trực thuộc Công đoàn Viên chức Việt Nam, có 15 tổ chức công đoàn trực thuộc, với trên 1.000 công đoàn viên. Đoàn Thanh niên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trực thuộc Đoàn Thanh niên Khối các cơ quan Trung ương, có 11 chi đoàn trực thuộc.
Về công tác vận động trí thức, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thực hiện nhiều hình thức phù hợp và có hiệu quả, như: Tuyên truyền, gặp gỡ, thăm hỏi, động viên trí thức khoa học và công nghệ; tổ chức tặng quà, thăm hỏi các trí thức có nhiều cống hiến, nhưng có khó khăn trong cuộc sống, theo Kết luận số 59-KL/TW, ngày 9-4-2013, của Ban Bí thư; tổ chức các đợt trao Huy hiệu tuổi Đảng cho các đảng viên thuộc Đảng bộ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5 hằng năm, nhiều liên hiệp hội tỉnh, thành phố, các hội ngành toàn quốc đã tổ chức hội thảo, tọa đàm về khoa học và công nghệ; tham mưu cho lãnh đạo địa phương tổ chức gặp mặt, tôn vinh các trí thức tiêu biểu của địa phương; tạo điều kiện để trí thức trực tiếp trao đổi, bày tỏ suy nghĩ, nguyện vọng và hiến kế đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Hoạt động tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ trở thành một nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp Hội từ Trung ương tới địa phương. Từ năm 1993, hằng năm, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức trao Giải thưởng "Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam". Giải thưởng lôi cuốn nhiều cán bộ khoa học ở các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học và doanh nghiệp tham gia. Ngoài ra, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam còn phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể tổ chức Hội thi "Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc", Cuộc thi "Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên và nhi đồng", Giải thưởng “Sáng tạo kỹ thuật VIFOTEC” dành cho sinh viên. Các hội thành viên cũng tổ chức nhiều hình thức để tôn vinh trí thức, như Giải thưởng Loa Thành của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Giải thưởng Phạm Thận Duật của Hội Lịch sử Việt Nam, Giải thưởng khoa học - công nghệ Hoa Lư của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình, Hội thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật Trần Đại Nghĩa của tỉnh Vĩnh Long và việc tổ chức tôn vinh trí thức tiêu biểu hằng năm của các tỉnh…
Từ năm 2015 đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã 4 lần tổ chức tôn vinh và trao biểu trưng trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu cho gần 600 trí thức thuộc hệ thống Liên hiệp Hội. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước tham dự và phát biểu chỉ đạo, động viên khích lệ đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ nước nhà. Hội nghị tôn vinh trí thức của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá cao, các Ban của Đảng và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương… ghi nhận, được đội ngũ trí thức trong cả nước và các hội thành viên Liên hiệp Hội đồng tình, ủng hộ.
Phát huy vai trò thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp Hội ở Trung ương và địa phương đặc biệt chú trọng công tác tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; tích cực hưởng ứng, chỉ đạo các hội thành viên, các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động; cử đại diện lãnh đạo Liên hiệp Hội ở Trung ương và địa phương tham gia vào cơ cấu lãnh đạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; phối hợp cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thực hiện chỉ đạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiộp Hội ở Trung ương và địa phương lựa chọn và tiến cử các nhà khoa học có uy tín tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Các đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố đã phát huy được vai trò là người đại biểu của nhân dân, nói lên tiếng nói của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, đóng góp ý kiến và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, khẳng định được tài năng và bản lĩnh của mình, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Với những kết quả đạt được trong việc tập hợp, đoàn kết và phát huy đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Liên hiệp tiếp tục phát huy truyền thống của các hội khoa học và kỹ thuật trước đây về thực hiện nhiệm vụ nâng cao dân trí, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ cho quần chúng nhân dân. Hình thức phổ biến kiến thức ngày càng phong phú thông qua sách, báo, truyền hình, phát thanh, hội thảo, lớp tập huấn, cầm tay, chỉ việc trực tiếp… Mỗi năm, Liên hiệp Hội và các hội thành viên thực hiện tới hàng chục nghìn sự kiện liên quan tới phổ biến kiến thức. Nhiệm vụ này trở thành thường xuyên trong hoạt động của Liên hiệp Hội và các hội thành viên. Hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức được thực hiện liên tục ở hầu hết các hội thành viên trong hệ thống, có nhiều bước tiến và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thông qua các ấn phẩm báo chí, bản tin, hệ thống báo chí của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các tiến bộ khoa học và kỹ thuật, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh COVID-19 trong thời gian vừa qua…, giúp nâng cao dân trí, bảo đảm an toàn và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Liên hiệp Hội tập hợp được đông đảo chuyên gia, trí thức ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau và đã thực hiện hàng nghìn nhiệm vụ tư vấn, phản biện, góp ý khách quan, thẳng thắn và kịp thời nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến chủ trương, chính sách, các dự thảo văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhiều dự án đầu tư trọng điểm có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, tập trung góp ý các dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội đảng bộ các cấp, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, y tế, các dự thảo luật quan trọng, các dự án đầu tư trọng điểm, “vấn đề nóng” cần sự vào cuộc của trí thức khoa học và công nghệ… Liên hiệp Hội từ Trung ương tới tỉnh, thành phố thực sự trở thành cầu nối giữa giới trí thức với Đảng.
Thực hiện Quyết định số 501/QĐ-TTg, ngày 15-4-20215, của Thủ tướng Chính phủ, về tổ chức Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức, Liên hiệp Hội chủ động và tích cực triển khai hàng chục diễn đàn với nhiều chủ đề khác nhau, được các cơ quan quản lý và các nhà khoa học quan tâm. Diễn đàn vừa là kênh thông tin, vừa là môi trường để trí thức có điều kiện phát huy trí tuệ, tâm huyết trong việc đóng góp vào các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án quan trọng của Đảng và Nhà nước. Thông qua diễn đàn, đội ngũ trí thức bày tỏ quan điểm, thái độ trên cơ sở khoa học và thực tiễn để tham mưu, tư vấn cho các cơ quan chức năng giải quyết những vấn đề nảy sinh trong công tác quản lý xã hội. Đó là những ý kiến khách quan, khoa học giúp cho Đảng và Nhà nước nghiên cứu, xem xét, trước khi quyết định những vấn đề quan trọng về đường lối, chính sách và các dự án phát triển.
Với thế mạnh là tập hợp được nhiều chuyên gia, các nhà khoa học, hoạt động nghiên cứu khoa học của Liên hiệp Hội tập trung vào hướng nghiên cứu ứng dụng. Nhiều cán bộ khoa học có năng lực tích cực tham gia nghiên cứu ở các hội. Hằng năm, có hàng trăm đề tài nghiên cứu từ cấp Nhà nước cho tới cơ sở đã được thực hiện ở các hội và các tổ chức khoa học và công nghệ. Một số liên hiệp hội của các tỉnh, thành phố cũng đã tổ chức nghiên cứu khoa học, nhiều kết quả nghiên cứu được áp dụng rộng rãi trong thực tiễn.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe nhân dân..., Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương cùng với các hội ngành thành viên và các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác xã hội hóa các hoạt động. Thông qua nghiên cứu ứng dụng, nhiều mô hình kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, phát triển nông nghiệp bền vững, mô hình cộng đồng tự quản... đã được các tổ chức triển khai thực hiện, góp phần phát triển cộng đồng, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, các liên hiệp hội địa phương, hội ngành thành viên và tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc chủ động khai thác các nguồn lực để tổ chức hàng trăm khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho các hội viên; tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng; tham gia xã hội hóa công tác đào tạo, dạy nghề, nâng cao năng lực cho trẻ em, thanh thiếu niên, người yếu thế, nông dân. Hình thức tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực phong phú, như: Tự nghiên cứu, thiết kế chương trình và trực tiếp tuyển sinh; liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo, dạy nghề của cơ quan nhà nước, trong đó có những đơn vị uy tín, tập trung chủ yếu vào đối tượng thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, đào tạo tiếng Anh, tin học miễn phí, các “kỹ năng mềm” cho trẻ em...
Các hội ngành thành viên và tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc thực hiện nhiều dự án bảo vệ môi trường, bảo tồn động vật, thực vật; trực tiếp tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông về môi trường, với hàng nghìn pa-nô, áp-phích, băng-rôn; xây dựng và triển khai hàng trăm mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn và khai thác tài nguyên thiên nhiên có sự tham gia của cộng đồng; xây dựng nhiều mô hình bảo vệ và khai thác bền vững tài nguyên nước; mô hình về năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió…).
Trong hoạt động chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, các hội ngành thành viên và tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc phối hợp với các cơ quan y tế tổ chức thăm khám, hỗ trợ cho các bệnh nhân; nghiên cứu, triển khai các dự án về sức khỏe sinh sản; tổ chức thực hiện dịch vụ khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân...
Trong 40 năm qua, Liên hiệp Hội và các hội thành viên, nhất là các hội ngành toàn quốc đã đẩy mạnh các hoạt động quan hệ quốc tế. Liên hiệp Hội tiếp tục phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN và mở rộng mối quan hệ với Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, Hàn Quốc, với các tổ chức quốc tế… Nhiều hội nghị khoa học do Liên hiệp Hội hay các hội thành viên tổ chức ngày càng có nhiều nhà khoa học các nước và Việt kiều tham gia. Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố cũng đã bắt đầu mở rộng mối quan hệ với các tổ chức hội ở các nước. Nhiều tổ chức khoa học và công nghệ tham gia các mạng lưới, liên minh trong khu vực; huy động và triển khai trực tiếp hàng nghìn dự án với nguồn viện trợ từ bên ngoài. Trong đó, phần lớn các dự án tập trung vào các lĩnh vực phát triển kinh tế tổng hợp, giảm nghèo bền vững, y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, cứu trợ và phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Mối quan hệ quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu thông qua việc hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…
Đánh giá cao những thành tích hoạt động của Liên hiệp Hội trong suốt 40 năm qua, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Liên hiệp Hội và các hội thành viên nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Một số bài học kinh nghiệm
Một là, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đối với Liên hiệp Hội có ý nghĩa quan trọng đối với sự thành công trong công tác củng cố, phát triển tổ chức và hoạt động của Liên hiệp Hội. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1795/QĐ-TTg, ngày 21-10-2015, phê chuẩn Điều lệ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhằm thể chế hóa Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16-4-2010, của Bộ Chính trị, trong đó quy định vị thế chính trị - xã hội của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương, thể hiện sự quan tâm, đánh giá đúng vai trò, vị trí của Liên hiệp Hội. Đây là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho việc xây dựng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trở thành một tổ chức có vị thế xứng đáng trong xã hội, trở thành ngôi nhà chung của trí thức khoa học và công nghệ nước nhà.
Hai là, củng cố, hoàn thiện và thống nhất tổ chức bộ máy từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, đề cao năng lực và phẩm chất của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là uy tín của người đứng đầu là yếu tố cơ bản tạo nên sự thành công của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương và các hội ngành thành viên.
Ba là, chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành trung ương, tích cực tham mưu, đề xuất việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng về Liên hiệp Hội thành cơ chế, chính sách, quy định của Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương, các hội ngành thành viên và đơn vị trực thuộc để thực hiện các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao, có vai trò hết sức quan trọng đối với toàn hệ thống. Phát huy sự năng động, sáng tạo, củng cố và mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế, huy động và thu hút đa dạng các nguồn lực để triển khai nhiệm vụ; phát huy dân chủ, coi trọng việc thuyết phục, vận động, lắng nghe, sự đồng thuận là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương và các hội ngành thành viên.
Bốn là, vận dụng một cách sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong công tác tập hợp, vận động trí thức; bám sát các chương trình, nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước để xây dựng và triển khai thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả. Đổi mới phương thức hoạt động bằng các hình thức tổ chức linh hoạt, nội dung phong phú, đa dạng, thu hút các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, các trí thức trẻ trong và ngoài hệ thống tham gia các hoạt động của Liên hiệp Hội. Tăng cường công tác tổng kết thực tiễn; hướng các hoạt động của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương và các hội ngành thành viên về cơ sở, gắn kết hoạt động, đồng hành và bám sát các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của địa phương.
Sự trưởng thành và phát triển của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong suốt 40 năm qua luôn gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp; sự hỗ trợ của Nhà nước về tài chính, cơ sở vật chất, cơ chế và chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho Liên hiệp Hội phát triển; sự đóng góp nhiệt tình không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ hội, nhất là cán bộ lãnh đạo hội các cấp, qua các thời kỳ, trong suốt 40 năm qua, đặc biệt ở những thời điểm khó khăn nhất.
Trí tuệ của đội ngũ trí thức là sức mạnh của đất nước và cũng chính là sức mạnh để xây dựng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Với mục tiêu phấn đấu trở thành một tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, Liên hiệp Hội tiếp tục củng cố, kiện toàn và phát triển tổ chức; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đặc biệt là hoàn thành tốt những nhiệm vụ về công tác tư tưởng, đề xuất, tham mưu cho Đảng, Nhà nước những vấn đề lớn có liên quan đến phát triển đất nước; chủ động trong hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội; phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo trong hoạt động khoa học và công nghệ; đa dạng hóa các hình thức hợp tác về khoa học và công nghệ, tích cực đóng góp trí tuệ vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Tác giả bài viết: TS. LÊ CÔNG LƯƠNG - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam