Trong khuôn khổ dự án “Chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật để khai thác, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cá ngừ đại dương của tỉnh Bình Định”, đại diện cơ quan hợp tác quốc tế JICA đã hỗ trợ 25 bộ thiết bị khai thác cá ngừ đại dương gồm máy thu câu và máy tạo xung Tuna Shocker cho ngư dân tỉnh Bình Định. Sau thời gian sử dụng, những bộ thiết bị này đem lại hiệu quả cao so với phương pháp khai thác cá ngừ đại dương truyền thống, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả hoạt động khai thác, tăng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đại dương, cải thiện đời sống bà con ngư dân. Tuy nhiên, tỉnh Bình Định chỉ có 25 tàu cá nhận được bộ thiết bị hỗ trợ trong khuôn khổ dự án, trong khi đó số lượng tàu cá khai thác cá ngừ đại dương rất nhiều mà bộ thiết bị của Nhật lại khá đắt (50 triệu đồng/bộ) cũng gây khó khăn cho nhiều ngư dân. Trước nhu cầu của ngư dân và được sự gợi ý của Hiệp hội Điện - Cơ Bình Định, trên công nghệ tương tự, ông Diệp Bảo Hùng, Chi hội trưởng Chi hội Điện cơ Hoài Nhơn đã cải tiến thành công bộ thiết bị gây tê đánh bắt cá ngừ đại dương có giá thành rẻ, đáp ứng nhu cầu của ngư dân.
Bộ thiết bị tiện lợi và đa năng
Chia sẻ về thiết bị này, ông Hùng có 38 năm trong nghề điện cơ, điện lạnh tâm đắc nói “Thiết bị gồm bộ điện áp với dòng điện xoay chiều, bộ tạo xung, hộp cung ứng điện, công tắc điều khiển, hệ thống đèn và chuông báo, hệ thống dây dẫn và thiết bị tiếp cận cá. Khi cá mắc câu được kéo lên gần thuyền khoảng 25 - 35m, vòng xung điện làm bằng nòng inox được đưa xuống theo dây câu và khi vòng xung điện chạm vào mỏm đầu cá, ngư dân lập tức bấm nút công tắc điện, giữ trong khoảng 3 - 5 giây đến lúc cá bị ngất thì ngắt nguồn điện”
Dùng thiết bị này, ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương rất dễ dàng. Sản phẩm này góp phần làm tăng năng suất đánh bắt, giảm thiểu số lượng cá bị thất thoát sau khi mắc câu, giảm được thời gian của một chuyến đi khơi...
“Từ năm 2017 đến nay, tôi đã cung cấp cho các tàu câu cá ngừ đại dương Bình Định khoảng 400 bộ thiết bị. Giá một bộ thiết bị là 10 triệu đồng rẻ hơn rất nhiều so với thiết bị của Nhật. Đặc biệt, tích hợp 3 chức năng trong 1 thiết bị: gây tê cá ngừ (chức năng chính), có thể trở thành máy hàn điện 200A để sửa chửa các thiết bị trên tàu cá bị hư hỏng; dùng như một máy biến áp 28V để sạc cho ắc quy tàu cá khi bình ắc quy tàu cá bị cạn nên rất tiện lợi cho ngư dân khi sử dụng” – Ông Hùng cho biết thêm.
Bộ dây điện dài khoảng 25-35 m cùng vòng tạo xung điện làm bằng nòng inox có khóa đóng mở để có thể dễ dàng đưa xuống theo dây câu gây tê cá ngừ sau khi cá dính câu
Tăng hiệu quả đánh bắt, giảm công lao động
Ông Nguyễn Văn Nầy (Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn, Bình Định) có tàu cá mang số hiệu BĐ-98686-TS với chiều dài 16m, đã áp dụng bộ thiết bị gây tê cá ngừ do ông Diệp Bảo Hùng cải tiến, cho biết: “Bộ thiết bị do ông Diệp Bảo Hùng cải tiến hoạt động khá tốt và có độ bền. Trong khoảng 6 năm sử dụng, chưa phải sửa chữa.” Thường thời gian tàu cá của ông Nầy ra khơi đánh bắt kéo dài từ 15-20 ngày, bình quân câu được 20 con/chuyến với sản lượng khoảng 800kg, giá hiện nay 12 nghìn đồng/kg, thu về khoảng 96 triệu đồng.
Cũng theo ngư dân Nguyễn Văn Nầy, từ khi có bộ thiết bị này thì đánh bắt hiệu quả hơn, câu cá ngừ theo phương pháp truyền thống mất từ 20-30 phút mới đưa được cá lên tàu. Trong khi, câu cá ngừ bằng thiết bị gây tê chỉ mất khoảng 10 phút. Nhận thấy hiệu quả của thiết bị, hiện nay bà con ngư dân chuyển sang làm nghề câu cá ngừ đại dương cũng khá nhiều.
Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, toàn tỉnh với 3.243 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên tham gia hoạt động khai thác xa bờ, trong đó gần một nửa hành nghề khai thác cá ngừ đại dương (1.450 tàu cá được cấp phép hoạt động khai thác nghề câu cá ngừ đại dương) với tổng sản lượng khai thác cá ngừ đại dương trong những năm gần đây ước đạt hơn 12.000 tấn/năm (chiếm hơn 50% sản lượng cá ngừ khai thác cả nước). Hiện cá ngừ đại dương cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.
Tỉnh Bình Định đang đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ, giảm khai thác ven bờ hủy hoại nguồn lợi thủy sản, chuyển một bộ phận lao động khai thác hải sản ven bờ sang hoạt động các ngành nghề khác như du lịch, nuôi trồng thủy sản, trong đó chuyến đổi mạnh sang nghề lưới vây và nghề câu cá ngừ đại dương. Tỉnh đã tập trung khuyến khích các lực lượng đánh bắt xa bờ tổ chức hợp tác và hỗ trợ, phối hợp nhau trong khai thác trên biển. Việc áp dụng khoa học công nghệ trong khai thác cá ngừ đại dương giúp cho ngư dân an tâm vươn khơi bám biển, đem lại lợi ích kinh tế thiết thực, cải thiện đời sống ngư dân.
Ngư dân Nguyễn Văn Nầy với bộ điện áp dòng điện xoay chiều