Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Cao Huần, Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam đã nhấn mạnh Địa lý học là hệ thống khoa học mang tính tổng hợp, liên ngành cao với các lĩnh vực cốt lõi. Thành tựu trong nghiên cứu và đào tạo, phản biện xã hội của những nhà Địa lý Việt Nam đã được xã hội thừa nhận, khẳng định vị thế cao của ngành trong các hội khoa học - kỹ thuật của cả nước.
Tại phiên toàn thể và 6 phiên tiểu ban thuộc Hội nghị, đại biểu tham dự đã được nghe và thảo luận sôi nổi về các kết quả nghiên cứu đề tài, các báo cáo tham luận của nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực như: Tăng cường thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; Mô hình tổ chức không gian liên kết phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; Kinh tế tuần hoàn; Các nguồn lực phát triển thị xã Sơn Tây - Miền Di sản nhân dịp kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (1822 - 2022); Khoa học Địa lý với phát triển bền vững kinh tế - xã hội thị xã Sơn Tây - Xứ Đoài; Địa lý tài nguyên, sử dụng hợp lý, phục hồi tài nguyên và bảo vệ môi trường trong bối cảnh Cách mạng 4.0; Địa lý kinh tế - xã hội và kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh mới; Giáo dục Địa lý và Môi trường; Phát triển du lịch sinh thái; Đổi mới giáo dục Địa lý nhà trường phổ thong trong bối cảnh công nghệ 4.0…
Hội Địa lý Bình Định có 14 công trình của 7 hội viên được đăng trong Kỷ yếu Khoa học của Hội nghị. Các công trình này tập trung vào đánh giá cảnh quan cho phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn; đánh giá tài nguyên cho phát triển du lịch; điều tra, đánh giá mô hình kinh tế hộ; đánh giá mức sống và sự phân hoá giàu nghèo giai đoạn hiện nay chủ yếu trên địa bàn hai tỉnh Bình Định và Phú Yên; trong đó đặc biệt chú ý đến các địa phương có tiềm năng, thế mạnh nổi trội cho phát triển, nhưng hiện nay chưa được khai thác, phát huy đúng mức. Đồng thời, các tác giả cũng chú trọng đến các địa phương có điều kiện sống khó khăn, nơi cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống… TS. Nguyễn Hữu Xuân (Hội Địa lý Bình Định) đã trình bày tham luận “Đánh giá giá trị đa dạng sinh học và cảnh quan địa lý của quần thể Hòn Yến, tỉnh Phú Yên cho phát triển du lịch” với một số góc nhìn mới về sự đa dạng về hệ sinh thái tự nhiên và nhân sinh, cảnh quan quanh khu vực nghiên cứu, đặc biệt là cấu trúc địa chất đặc trưng của vùng ven biển Phú Yên đã nhận được của các nhà khoa học.
Trước đó, BCH Hội Địa lý Việt Nam đã họp mở rộng thông qua Báo cáo công tác tổ chức Hội; Báo cáo hoạt động chuyên môn và hợp tác quốc tế của Hội, thông báo kết quả công tác khen thưởng, thông qua công tác chuẩn bị, chương trình Hội nghị Khoa học Địa lý lần thứ XIII và đề xuất nội dung hoạt động đến hết nhiệm kỳ (12/2026). BCH Hội Địa lý Việt Nam đã đánh giá kết quả các Hội Địa lý địa phương, ghi nhận sự nỗ lực và đóng góp của Hội Địa lý Bình Định trong công tác giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học, phản biện xã hội, kết nối phát triển cộng đồng và hợp tác quốc tế… Dịp này, PGS.TS. Lương Thị Vân, Chủ tịch Hội Địa lý Bình Định và TS. Phạm Quang Anh (Hội viên Hội Địa lý Bình Định) là 2 trong 12 cá nhân được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tặng Kỷ niệm chương về quá trình đóng góp cho Khoa học Địa lý Việt Nam thời gian qua.