Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2023): Bình Định đi lên dưới lá cờ vẻ vang của Đảng

Thứ ba - 31/01/2023 10:21
Quá trình ra đời và phát triển của Ðảng bộ Bình Ðịnh đều gắn liền với truyền thống vẻ vang trong suốt 93 năm qua của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Những thành tựu rất tự hào của Ðảng bộ Bình Ðịnh là kết quả kế thừa liên tục của bao thế hệ cán bộ anh dũng, kiên cường trong chiến đấu và năng động, sáng tạo vì khát vọng phát triển tỉnh Bình Định nhanh, toàn diện và bền vững.
Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2023): Bình Định đi lên dưới lá cờ vẻ vang của Đảng
1. Sau nhiều năm bôn ba hải ngoại, Nguyễn Ái Quốc tiếp thu chủ nghĩa Mác Lênin, tìm ra con đường cách mạng đúng đắn để cứu nước, cứu dân. Năm 1925, Người thành lập tổ chức Việt Nam Cách mạng thanh niên nhằm tập hợp, giác ngộ, bồi dưỡng những thanh niên yêu nước đưa về nước hoạt động. Ở Bình Định, từ cuối năm 1926 đã hình thành một lớp thanh niên yêu nước ưu tú hướng về Cách mạng Tháng Mười Nga, náo nức đi tìm con đường sống cho đất nước và quê hương. Tháng 02/1928, Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên làng Cửu Lợi (Tam Quan Nam, Hoài Nhơn) thành lập gồm 3 hội viên do đồng chí Nguyễn Trân làm Bí thư. Đây là tổ chức tiền thân đầu tiên của Đảng bộ Bình Định ngày nay.
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Đây là sự kiện chính trị vô cùng trọng đại, là mốc lịch sử quyết định tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam, trong đó Bình Định. Đầu tháng 3/1930, từ cơ sở Tân Việt cách mạng Đảng, Chi bộ Nhà Máy đèn Quy Nhơn thành lập gồm 5 đảng viên do đồng chí Lê Xuân Trữ - công nhân kỹ thuật làm Bí thư. Đây là chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Bình Định. Tháng 8/1930, Chi bộ Đảng Cửu Lợi được thành lập gồm 5 đảng viên do đồng chí Nguyễn Trân làm Bí thư. Tháng 10/1930, Chi bộ Trường Quốc học thành lập gồm 5 đảng viên do đồng chí Lê Văn Bảo làm Bí thư. Tháng 10/1930, Đảng bộ huyện Hoài Nhơn được Xứ ủy Trung kỳ chính thức công nhận, đây là đảng bộ cấp huyện đầu tiên ở Bình Định. Tháng 6/1931, hai chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Phù Mỹ thành lập, đó là Chi bộ Trà Quang do đồng chí Nguyễn Năng làm Bí thư và Chi bộ Hà Ra - Phú Hựu do đồng chí Phạm Nhị làm Bí thư. Tháng 7/1937, Chi bộ Vạn Đức, Chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Hoài Ân thành lập. Tháng 10/1936, tại Đại An (xã Nhơn Mỹ), Chi bộ Hồng Lĩnh thành lập gồm 7 đảng viên do đồng chí Nguyễn Mân làm Bí thư; đến giữa năm 1937, cơ sở đảng mở ra ở nhiều nơi trong tỉnh. Chi bộ Hồng Lĩnh được xem là tiền thân của Đảng bộ các huyện Tây Sơn, Phù Cát và thị xã An Nhơn.
Với sự phát triển mạnh mẽ của các phong trào cách mạng trong tỉnh, đòi hỏi phải có sự thống nhất và chỉ đạo kịp thời hơn nữa của tổ chức Đảng, cuối năm 1937, Xứ ủy lâm thời Trung kỳ chỉ định Tỉnh ủy lâm thời Bình Định gồm 3 đồng chí do đồng chí Nguyễn Văn làm Bí thư. Ban Cán sự Đảng liên tỉnh Trung Trung Kỳ (Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên) cũng ra đời, đặt trụ sở tại Quy Nhơn tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh công khai, nửa hợp pháp phát triển mạnh. Tháng 9/1939, Chi bộ Đề - pô Diêu Trì cũng thành lập do đồng chí Nguyễn Đình Thụ làm Bí thư, đây là chi bộ đầu tiên trong lực lượng công nhân đường sắt Bình Định. Những nhân tố mới và sự kiện lịch sử quan trọng trong đời sống chính trị của Đảng bộ tỉnh và phong trào cách mạng Bình Định những năm 1930 - 1939 là bước chuẩn bị để tiến lên cao trào vận động khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
2. Sau ngày thành lập Chính quyền nhân dân (03/9/1945), dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Bình Định bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ !”, Đảng bộ Bình Định lãnh đạo quân và dân toàn tỉnh ra sức xây dựng và bảo vệ vững chắc vùng tự do, đẩy lùi các cuộc càn quét lấn chiếm của địch, cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trải qua 20 năm chống Mỹ, cứu nước; từ đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, quân và dân Bình Định đã vượt qua vô vàn hy sinh, gian khổ, chiến đấu anh dũng, kiên cường đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ; góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, giải phóng quê hương Bình Định vào ngày 31/3/1975.
Thực hiện Di chúc của Bác, sau ngày quê hương Bình Định toàn thắng, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo quân và dân tỉnh ta tiếp tục vượt mọi khó khăn, thách thức, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo và phát triển kinh tế - xã hội, từng bước tháo gỡ khó khăn, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập Tổ quốc. Sau hơn 35 năm cùng với cả nước tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo từ một tỉnh nghèo nàn, có cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, đời sống người dân khó khăn, thiếu thốn; đến nay, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, Bình Định đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển; văn hoá, xã hội tiếp tục khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần người dân không ngừng nâng cao; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị chuyển biến tích cực; quốc phòng - an ninh được giữ vững.
    3. Trải qua 93 năm dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vô cùng tự hào về những thành tựu vĩ đại đã đạt được của cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chúng ta càng tự hào hơn về "pho lịch sử bằng vàng" mà các thế hệ đã nối tiếp nhau xây đắp với sức mạnh vĩ đại đoàn kết dân tộc, quân với dân một ý chí trong chiến đấu và năng động, sáng tạo vì khát vọng phát triển giàu mạnh của đất nước, của tỉnh Bình Định. Đối với Đảng bộ Bình Định, trong suốt quá trình lớn mạnh, Đảng bộ tỉnh luôn chú trọng xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ; luôn phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, làm tốt công tác phát triển Đảng; đã kết nạp hàng triệu quần chúng ưu tú trong các tầng lớp dân cư vào Đảng, không ngừng bổ sung nguồn nhân lực, góp phần củng cố, kiện toàn tổ chức đảng các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng. Từ năm 1930, chỉ có 40 đảng viên và 100 hội viên nông hội, đến nay Đảng bộ tỉnh đã phát triển thành 17 đảng bộ trực thuộc (8 đảng bộ huyện, 2 đảng bộ thị xã, 1 đảng bộ thành phố, 2 đảng bộ khối, 3 đảng bộ lực lượng vũ trang, 1 đảng bộ cơ sở được giao một số quyền cấp trên cơ sở); 830 tổ chức cơ sở đảng (308 đảng bộ cơ sở, 522 chi bộ cơ sở); 11 đảng bộ bộ phận và 3.201 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với trên 73.000 đảng viên.
Từ những giá trị thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng nước ta trải qua 93 năm qua đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam. Trong suốt quá trình ấy, lịch sử Đảng bộ tỉnh là lịch sử đấu tranh kiên cường vì độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân Bình Định. Những thành tựu mà quân và dân Bình Định có được như hôm nay là những minh chứng thực tế về những giá trị lịch sử, những thành tựu, thắng lợi, những dấu ấn, những bài học kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển tỉnh Bình Định không ngừng lớn mạnh, luôn phát triển và sẽ còn mãi mãi trường tồn với hiện thực cuộc sống xã hội, với thời gian hiện tại và tương lai.

Tác giả bài viết: TS. Nguyễn Huỳnh Huyện - Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập99
  • Hôm nay1,206
  • Tháng hiện tại90,610
  • Tổng lượt truy cập2,153,155
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây