Kỷ niệm 55 năm mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 trên chiến trường tỉnh Bình Định

Thứ tư - 18/01/2023 14:55
Tết Mậu Thân 1968, cách đây vừa tròn 55 năm, quân và dân miền Nam đã tiến công vào 4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ. Đánh giá về sự kiện Tết Mậu Thân 1968, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng sau ngày toàn thắng đã nêu rõ: “... Thắng lợi rất oanh liệt của đòn tiến công và nổi dậy táo bạo, bất ngờ đó đã đảo lộn thế chiến lược của địch, làm phá sản chiến lược "chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pari".
Quân Giải phóng nổ súng tiêu diệt địch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu
Quân Giải phóng nổ súng tiêu diệt địch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu
Để làm phong phú thêm những thắng lợi cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân miền Nam, trong phạm vi bài viết này với mong muốn làm nổi bật những sự kiện lịch sử trên chiến trường tỉnh Bình Định (theo Báo cáo của Khu ủy V về đợt tổng tấn công ở tỉnh Bình Định từ 30/01-05/3/1968, lưu Cục lưu trữ Trung ương Đảng, phông Khu ủy V, ĐVBQ 633).
Chủ trương và công tác chuẩn bị
Ngày 28/12/1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, chính thức thông qua Kế hoạch chiến lược năm 1968 và chủ trương: "Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định". Bộ Chính trị quyết định: "Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích - tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định". Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Khu ủy V, đã cử 2 đoàn, 14 cán bộ lãnh đạo tăng cường cho  “mặt trận Bình Định, đặc biệt là  Quy Nhơn, là một trong những trọng điểm nổi dậy của Khu V”, Tỉnh ủy họp khẩn cấp từ ngày 01/11 đến 14/11/1967 phổ biến Nghị quyết A15 (9/1967) và ngày 06/01/1968, Tỉnh ủy được Khu ủy V trực  tiếp  triển khai, phổ biến mệnh lệnh khởi nghĩa về binh vận của A15.
Về tình hình địch, sau Hè – Thu địch chuyển vào thế phòng ngự, lực lượng sụt giảm hơn trước, thủ đoạn tăng cường phi pháo vùng kẹp, hành lang. Đối với Quy Nhơn, tăng cường cảnh sát giả chiến và các thủ đoạn đối phó sự thâm nhập lực lượng ta từ ngoài vào gây cho ta không ít khó khăn về công tác chuẩn bị (cơ quan chỉ đạo không ổn định, bàn đạp bị chia cắt, hành lang bị trở ngại). Về ta, có sự chuẩn bị, song khí thế phong trào quần chúng nhiều nơi chưa  vươn lên, một số cán bộ lãnh đạo bị thương và hy sinh, gần đến ngày N thì bị đứt liên lạc giữa Thường trực Đảng ủy với Thường vụ Tỉnh ủy, giữa phía trước và phía sau, lại thêm thay đổi thời gian nổ súng (T25); riêng thị xã Quy Nhơn, trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự của địch, cơ sở của ta còn hẹp, cơ sở Đảng còn ít, cán bộ chỉ đạo chưa vào bên trong nội thị, công tác vận động và tổ chức quần chúng chưa sẵn sàng tiếp ứng.
Diễn biến, kết quả  cuộc tổng tấn công              
Ở nội thị và vùng bàn đạp, rạng sáng ngày 01/02/1968, lực lượng ta tiến sát Hưng Nam (nay thuộc phường Đống Đa, Tp. Quy Nhơn) lợi dụng lúc thủy triều xuống, đêm giao thừa, được du kích bí mật dẫn đường tiến công vào 3 mũi:  Nhà ga và bến xe, Đài phát thanh, Dinh Tỉnh trưởng. Nổ súng lúc 3 giờ sáng: đánh quân vụ thị trấn diệt 20 tên, giải thoát các đồng chí bị bắt giam. Đánh chiếm đài phát thanh và giữ đến ngày  05/02/1968, bắt 20 tù binh, đánh lui nhiều đợt phản kính của địch, diệt 130 tên; tại Nhà ga bắt 70 tên; đánh đồn cảnh sát Bạch Đằng, Dinh tỉnh trưởng. Kết quả, diệt và bị thương  263 tên trong thị xã; cùng các trận đánh quyết liệt ở khu Tây Nam thị xã từ đêm 30/01-25/02/1968 và bẻ gãy các trận càn ở khu Tây Bắc thị xã. Trong thời gian từ ngày 30/01 đến 29/02/1968, ba thứ quân của  ta đã loại  ngoài vòng chiến đấu 4.317 binh lính, trong đó quân chủ lực diệt 1.288 tên, bộ đội địa phương và du kích diệt 3.029 tên, bắn rơi và phá hủy 33 máy bay, phá hủy 133 xe  quân sự, 01 kho đạn với 70 tấn.
Ở các huyện: Đồng loạt nổ súng cùng thời điểm gây nhiều thiệt hại cho địch: Tiểu biểu: công kích vào quận lỵ Phù Mỹ (tối 30/01) diệt 200 tên (91 Mỹ), Hoài Nhơn du kích bao vây bắn tỉa 108 tên ( 50 Mỹ), Bình Khê diệt  32 tên (  21 Nam Triều Tiên), Vân Canh bao vây quận  lỵ diệt 47 tên, Phù Cát pháo kích quận lỵ chết và bị thương 70 tên, An Nhơn  tập kích dân vệ ở Tây Bắc quận diệt 20 tên và bị thương 33 tên.
Phong trào quần chúng, đấu tranh chính trị và binh vận, nổi nhất là: Hoài Nhơn có 8.000 lượt người, Phù Mỹ 13.000 lượt người, xã Cát Hanh 1.000 người (Phù Cát), Tuy Phước 1.000 người; nhất là trọng điểm Quy Nhơn, khi quân ta tiến vào thị xã, nổ súng  thì quần chúng các khu dồn nổi dậy gõ mõ, đốt pháo vang, làm cho địch không phân biệt được đấu là tiếng súng và tiếng pháo nổ ( mặc dù địch cấm đốt pháo); khi quân ta chiếm lĩnh Đài phát thanh thì 1.000 quần chúng vây quanh; đấu tranh của hơn 600 gia đình đảng viên, cán bộ đi tập kết đã hạ uy thế địch; quần chúng quyết liệt  đấu tranh chống lệnh thiết quân luật của địch, ở các xã lân cận thuộc Tuy Phước có hơn 1.000 người mang theo băng cờ kéo vào thị xã, nhưng chưa có vũ trang khởi nghĩa, do cơ  sở ít, đầu mối bị đứt liên lạc, mặc dù quần chúng náo nức hướng về cách mạng.
Từ thực tiễn cho thấy: Thắng lợi vừa qua là to lớn và làm chuyển hẳn thế trận, làm chuyển  biến tình hình có lợi cho ta, biến hậu phương địch thành tiền phương của ta; làm phá sản kế hoạch bình định trọng điểm của địch; phối hợp được với chiến trường chung.

Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Ngọc Anh - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập16
  • Hôm nay113
  • Tháng hiện tại51,009
  • Tổng lượt truy cập1,893,927
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây