Xuất khẩu gỗ Bình Định phấn đấu hoàn thành mục tiêu 520 triệu USD trong năm 2020

Thứ năm - 09/01/2020 19:26
Chiều ngày 03.01.2020, tại TP Quy Nhơn, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) đã tổ chức Lễ Giỗ tổ ngành Gỗ, kỷ niệm 20 năm ngày thành lập và tổng kết hoạt động năm 2019. Tham dự có đồng chí Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT; đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện Lãnh đạo các Sở, ngành của Tỉnh cùng lãnh đạo Hiệp Hội Gỗ và Lâm sản các tỉnh, thành phố.
Sản xuất gỗ tại Bình Định
Sản xuất gỗ tại Bình Định

Đối với Việt Nam, gỗ và lâm sản ngoài gỗ là ngành hàng xuất khẩu quan trọng thứ 6 và liên tục có tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân giai đoạn 2010-2019 đạt trên 14%/năm. Năm 2019 tiếp tục là một năm phát triển ấn tượng với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 20% so năm 2018, riêng gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 10,5 tỷ US, chiếm hơn 23% giá trị xuất khẩu của các ngành hàng thuộc ngành nông nghiệp, đứng thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu, chiếm 6% thị phần gỗ và sản phẩm gỗ toàn cầu. Thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ tiếp tục được mở rộng với khoảng 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó vẫn tập trung duy trì chủ yếu tại các thị trường chính chiếm giá trị xuất khẩu cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Đến nay, cả nước đã có trên 5.500 DN chế biến gỗ (với 662 DN FDI), tăng 160% so năm 2010.
Trước những thuận lợi của ngành công nghiệp chế biến gỗ, nhất là dư địa thị trường xuất khẩu rộng mở, đặc biệt sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc hiện đang chiếm 35% thị phần sản xuất, Chính phủ đã tổ chức 02 hội nghị quy mô toàn quốc bàn về giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản; ngày 28/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu đã đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khoảng 9%/năm, đến năm 2020 đạt 12-13 tỷ USD và đến năm 2025 đạt 18-20 tỷ USD.
Trên địa bàn tỉnh Bình Định, ngành công nghiệp chế biến gỗ đã có bước phát triển đáng kể, đáp ứng ngày càng tốt hơn theo yêu cầu của khách hàng, sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu và khai thác từ các khu rừng được quản lý bền vững, có chứng chỉ FSC, bước đầu đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường của các nước EU và Mỹ. Đến nay, toàn tỉnh có trên 240 DN chế biến gỗ đang hoạt động, tăng 30% so năm 2010, chiếm 25,2% số DN ngành công nghiệp, có tổng nguồn vốn hoạt động đạt khoảng 14.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 24.000 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 5,2 triệu đồng/người/tháng, đạt mức tăng bình quân 7,6%/năm.
Trong năm 2019, sản phẩm gỗ của Bình Định cũng đã xuất khẩu trực tiếp qua 5 châu lục trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu ở thị trường châu Á, châu Âu và châu Mỹ; đạt giá trị KNXK gần 480 triệu USD, tăng 14,6% so năm 2018, chiếm 52,5% tổng KNXK toàn tỉnh; riêng sản phẩm gỗ đạt 282 triệu USD; bình quân giai đoạn 2010-2019 tăng 7,2%/năm về giá trị xuất khẩu và 6,5%/năm về giá trị công nghiệp. Vì vậy, hoạt động sản xuất chế biến gỗ là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đáng kể về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cùng với Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định trở thành 1 trong 4 trung tâm chế biến gỗ quy mô lớn của cả nước
Kết quả đạt được trong năm 2019 đã khẳng định vai trò nòng cốt, đầu tàu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, nhất là sự lãnh đạo, điều hành hoạt động của BCH Hiệp hội trong công tác xây dựng, phổ biến các chính sách của Trung ương và địa phương; các quy định, các rào cản kỹ thuật thương mại quốc tế, đào tạo các chương trình thiết thực về ngành gỗ... Hiệp hội đã tạo được tiếng nói chung trong việc phán ánh các khó khăn, vướng mắc của ngành, của từng DN hội viên... làm cầu nối giữa các cơ quan nhà nước với các DN; kết nối gia tăng sự liên kết, hợp tác giữa các hội viên.
Các cơ quan quản lý nhà nước đã tạo điều kiện cho các DN chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiên, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ tham dự 08 Hội chợ triển lãm trong nước và 02 Hội chợ ở ngoài nước để doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm, liên doanh liên kết đầu tư SXKD; gặp gỡ đối thoại với Hiệp hội và các DN chế biến gỗ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện cho các DN tiếp cận các nguồn vốn, mặt bằng sản xuất, cung ứng điện ổn định phục vụ SXKD,...
Bước sang năm 2020, kinh tế thế giới được nhiều tổ chức quốc tế dự báo tiếp tục xu hướng tăng trưởng nhưng sẽ chậm lại khi ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nền kinh tế lớn Liên minh châu Âu bắt đầu hạ nhiệt, bất ổn tài chính tại một số thị trường mới. Kinh tế trong nước sẽ chịu tác động từ những ảnh hưởng kém thuận lợi này, nhưng với sự nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, việc mở cửa sâu rộng thị trường khi tham gia các FTA, Chính phủ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 là 6,8%. Trước bối cảnh đó, kinh tế của tỉnh nhà sẽ có những cơ hội và thách thức đan xen. Để góp phần đạt chỉ số SXCN tăng 8,5%; KNXK toàn tỉnh 970 triệu USD, riêng ngành chế biến gỗ phấn đấu đạt trên 520 triệu USD, tăng khoảng 9% so năm 2019.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long đã ghi nhận, đánh giá cao thành quả mà FPA Bình Định và các DN ngành chế biến gỗ và Lâm sản đạt được trong 20 năm qua. Đồng thời, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định tiếp tục là cầu nối giữa các cơ quan nhà nước với các DN; giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt và có các giải pháp kịp thời,tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, xuất khẩu sản phẩm gỗ, lâm sản. Tuyên truyền, vận động các DN thực hiện tốt các quy định của pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; kịp thời phát hiện và thông báo đến các cơ quan quản lý nhà nước để xử lý nghiêm khắc các hành vi gian lận thương mại. Tăng cường thông tin cho hội viên về thị trường để nâng cao tính chủ động, phòng ngừa rủi roxây dựng thương hiệu. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các hội viên để hình thành cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong chế biến và tiêu thụ gỗ; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên; tăng cường đoàn kết, đấu tranh với các thông tin xấu, sai sự thật về hoạt động chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Xây dựng thương hiệu “Đồ gỗ Bình Định” và xây dựng ngành chế biến gỗ và lâm sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Định.
Để ngành công nghiệp chế biến gỗ tiếp tục phát triển bền vững theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 5025/QĐ-UBND ngày 31/12/2019; trong đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 750 triệu USD và năm 2035 đạt 1,5 tỷ USD với định hướng phát triển công nghiệp chế biến gỗ thành ngành sản xuất có công nghệ tiên tiến, hiện đại theo hướng tự động hóa; đồng bộ từ các khâu sản xuất, cung ứng nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng diện tích rừng trồng đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững, phát triển rừng trồng cây gỗ lớn gắn với các nhà máy chế biến gỗ.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã thực hiện các nghi thức Lễ Giỗ tổ ngành Gỗ. FPA Bình Định và Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA) đã thực hiện chương trình ký kết hợp tác. Trong dịp này, FPA Bình Định trao tặng Kỷ niệm chương cho 13 vị nguyên là lãnh đạo Hiệp hội qua các thời kỳ.
                          

Tác giả bài viết: Trần Ánh Tuyết (Sở Công Thương Bình Định).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập19
  • Hôm nay2,224
  • Tháng hiện tại9,855
  • Tổng lượt truy cập1,554,740
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây