Mô hình thâm canh cây ngô trên đất chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao

Thứ năm - 24/08/2023 10:39
Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Bình Định phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh tổ chức thực hiện mô hình “Trồng thâm canh cây ngô trên đất chuyển đổi” tại xã Vĩnh Thịnh cho 21 hộ dân với tổng diện tích 02 ha đã mang lại lợi ích thiết thực, nâng cao kỹ thuật canh tác và thu nhập cho người dân.
Thâm canh cây ngô khá phù hợp với điều kiện sinh thái tại Vĩnh Thạnh. Ảnh – Thành Nguyên
Thâm canh cây ngô khá phù hợp với điều kiện sinh thái tại Vĩnh Thạnh. Ảnh – Thành Nguyên
Triển khai mô hình này phù hợp với chủ trương của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định về thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, mía, mì kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng cạn khác mang lại giá trị kinh tế cao hơn, đảm bảo thu nhập cho bà con nông dân. Qua đó, giúp người dân chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục tình trạng thiếu nước tưới trong nông nghiệp.Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% giống và các vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình, đồng thời được hướng dẫn kỹ thuật theo đúng quy trình do Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành. Với giống ngô PAC 999 được lựa chọn để triển khai, thời gian sinh trưởng 95 ngày, cây ngô sinh trưởng phát triển khỏe, cứng cây, bộ rễ vững chắc, khả năng chống chịu sâu bệnh và chịu hạn khá tốt, tỷ lệ cây nảy mầm đạt 95%, chiều cao cây 190 cm, trung bình có 01 trái/cây, trái ngô dài 23 cm, to đều, hạt múp đầu, hạt màu vàng cam.
Kỹ sư Võ Nguyễn Bích Thủy, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông, cho biết: với giống ngô PAC 999 được canh tác theo quy trình kỹ thuật, trong đó chú trọng bón phân cân đối kết hợp sử dụng chế phẩm Trichoderma để xử lý đất đã góp phần hạn chế mầm bệnh. Ngoài ra, nông dân còn được hướng dẫn các biện pháp quản lý phòng trừ dịch bệnh tổng hợp đối với các loại sâu bệnh và cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý nên cây ngô phát triển khá tốt, năng suất đạt 67 tạ/ha, cao hơn ruộng đối chứng 4,1 tạ/ha, lợi nhuận mang lại 14.510.000 đồng/ha, cao hơn đối chứng 2.880.000 đồng/ha.
Cây ngô đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác. Ảnh – Thành Nguyên


Ông Nguyễn Thái Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Vĩnh Thạnh cho biết: Qua thực tế cho thấy cây ngô thích ứng khá tốt với điều kiện sinh thái tại địa phương, với diện tích sản xuất hàng năm khoảng 290,4 ha. Tuy nhiên để thâm canh cây ngô đạt hiệu quả và năng suất cao, bà con nông dân cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật canh tác, áp dụng đúng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại, thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình canh tác. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục thông tin tuyên truyền và nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện để các hộ dân mạnh dạn trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Theo ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, cho biết: việc triển khai mô hình đã giúp nông dân nắm vững kỹ thuật trồng thâm canh cây ngô trên đất chuyển đổi. Đồng thời, nâng cao nhận thức của nông dân trong việc bón phân hợp lý, hạn chế lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Với hiệu quả mang lại từ mô hình này, người dân sẽ mạnh dạn tiếp tục chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, mía, mì kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn như ngô, mè, đậu các loại,... để tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng cao giá trị kinh tế cho bà con, góp phần thực hiện thành công kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025./.
 

Tác giả bài viết: Thành Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập79
  • Hôm nay2,075
  • Tháng hiện tại87,974
  • Tổng lượt truy cập2,150,519
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây