Kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2023): Cách Mạng Tháng Tám ở Bình Định

Thứ sáu - 18/08/2023 16:32
Ngày 8/8/1945, Hồng quân Liên Xô giáng đòn sấm sét vào đạo quân Quan Đông của Nhật. Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng Liên Xô và các nước Đồng Minh. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, tạo thời cơ rất thuận lợi cho nhân dân các nước châu Á nổi dậy giải phóng khỏi sự xâm lược của phát xít Nhật, trong đó có Việt Nam.
Tranh sơn dầu minh họa cuộc biểu tình giành chính quyền tại Quy Nhơn ngày 23/8/1945, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh
Tranh sơn dầu minh họa cuộc biểu tình giành chính quyền tại Quy Nhơn ngày 23/8/1945, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh
Từ ngày 13 - 15/8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đề ra ba nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: tập trung, thống nhất, kịp thời. 23 giờ ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
          Hưởng ứng lời hiệu triệu của Trung ương Đảng và Thư kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; tối 13/8/1945, khi nhận được tin phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh, Ủy ban vận động Việt Minh của tỉnh họp khẩn cấp tại ga Quy Nhơn. Hội nghị nhận định tình thế cách mạng đã xuất hiện, song việc chuẩn bị chưa đầy đủ. Cho nên một mặt phải nhanh chóng tập hợp lực lượng, cử người gặp Ủy ban vận động cứu quốc tỉnh (ở phía bắc tỉnh) để bàn kế hoạch phối hợp. Mặt khác, điều tra lại tình hình địch, nhất là nắm chắc thái độ phản ứng của sĩ quan Nhật và tỉnh trưởng bù nhìn. Tuy chưa nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương, nhưng căn cứ Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12/3/1945, hội nghị chủ trương: “Dù tình hình nào cũng phải kịp thời phát động quần chúng vùng lên giành chính quyền trước khi quân Đồng Minh đến địa phương”. Hội nghị quyết định lập Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Võ Xán lãnh đạo, lập Đội tự vệ cứu quốc tập trung, thông báo tin Nhật đầu hàng Đồng Minh cho các nhóm thanh niên yêu nước An Khê, Pleiku và Kon Tum.
          Ở phía bắc tỉnh, ngày 18/8/1945, đồng chí Trần Lương chủ trì cuộc họp bất thường của Ủy ban vận động cứu quốc tỉnh, tại An Sơn (Hoài Nhơn). Hội nghị nhận định:  Quần chúng  và cán bộ thì sôi nổi và quyết tâm. Song phong trào so với các nơi khác còn yếu. Lệnh khởi nghĩa của Trung ương chưa nhận được, phải thận trọng. Hội nghị quyết định lập Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, do đồng chí Trần Quang Khanh làm Trưởng ban, trở thành đầu mối thứ hai của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của tỉnh.
          Tại Quy Nhơn, từ ngày 15/8/1945, đội tuyên truyền xung phong mở các cuộc mít tinh, công khai cổ động quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa. Tại hãng FIARD, đội tự vệ cứu quốc tập trung ráo riết luyện tập quân sự. Công tác vận động viên chức, công thương gia, tín đồ và chức sắc tôn giáo,…thu được nhiều kết quả.
          Chiều 21/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa (thuộc Ủy ban vận động Việt Minh) huy động gần 1.000 quần chúng tham gia cuộc mít tinh tại bến ô tô thành phố, nhằm vừa tập dượt quần chúng, vừa thăm dò phản ứng của quân Nhật và chính quyền bù nhìn tỉnh.
          Tối 21/8/1945, tại ga Quy Nhơn, Ủy ban khởi nghĩa (thuộc Ủy ban vận động Việt Minh) họp quyết định kế hoạch khởi nghĩa chiếm thành phố tỉnh lỵ, trong đó có các nội dung chính sau:
          Về thời điểm, hội nghị nhận định: những điều kiện để phát động quần chúng đứng lên chiếm Quy Nhơn và các huyện khá đầy đủ. Phát động khởi nghĩa ngày 23/8/1945, nhằm vừa tạo thế, tạo đà cho các huyện nổi dậy, vừa tránh tình thế phải đối phó với mấy ngàn quân Nhật đang từ Tây Nguyên theo đường 19, kéo về tập kết tại Quy Nhơn.
          Về bố trí lực lượng, hội nghị chủ trương: vừa tập hợp các tầng lớp nhân dân yêu nước thành phố Quy Nhơn, vừa tích cực huy động lực lượng công nhân Delignon, các ga Diêu Trì, Bình Định,…cùng nhân dân các huyện An Nhơn, Tuy Phước,…Lấy lực lượng nửa vũ trang làm nòng cốt, từ biểu tình thị uy tiến lên khởi nghĩa chiếm một số vị trí then chốt về chính trị, quân sự của chính quyền bù nhìn tỉnh.
          Về mục tiêu, tập trung lực lượng chiếm ngay từ đầu mấy cơ quan đầu não của ngụy quyền tỉnh như: đốc bộ đường, tòa đốc lý, đồn bảo an, đồn cảnh sát, nhà lao. Với quân Nhật, rải truyền đơn kêu gọi không được can thiệp vào công việc của nhân dân ta.
          Hội nghị còn bàn về nhân sự và chương trình hành động của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời, những biện pháp đối phó các tình huống phức tạp,…Đồng thời điện cho các nhóm thanh niên yêu nước hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum biết phối hợp hành động.
          Sáng 23/8/1945, cả Quy Nhơn sục sôi khí thế cách mạng. Hàng ngàn công nhân, lao động và các tầng lớp khác cùng ngư dân xóm Tấn, thôn Hải Giang và nông dân Xuân Quang, Phú Vinh, Phú Hòa, Hưng Thạnh,…cờ giong, trống thúc rầm rập tiến về sân vận động Quy Nhơn. Công nhân Delignon và các ga Bình Định, Diêu Trì, Mục Thịnh (Vân Canh),…cùng thanh niên, học sinh nhiều làng của Tuy Phước, thanh niên và nhân dân thị trấn Bình Định, công nhân trại Canh Nông và Túc Mễ (An Nhơn),…mang theo vũ khí thô sơ và cờ đỏ sao vàng nô nức kéo về Quy Nhơn.
          Tại sân vận động Quy Nhơn, trước hơn 10.000 người, đại biểu của Ủy ban khởi nghĩa đứng lên hiệu triệu quần chúng nhát tề xông lên khởi nghĩa. Sau đó, quần chúng có các đội tự vệ cứu quốc đi đầu, chia thành 2 đoàn sôi sục tiến chiếm 2 mục tiêu quan trọng: đốc bộ đường (tức dinh công sứ cũ), tòa đốc lý (tức tòa sứ cũ), rồi hợp điểm chiếm trại bảo an tỉnh. Ở đốc bộ đường, tỉnh trưởng Phạm Phú Tiết xin nạp ngay ấn tín, thanh kiếm lệnh cùng toàn bộ hồ sơ, tài sản và các công sở cho nhân dân. Ủy ban khởi nghĩa điện ra lệnh các tri phủ, tri huyện và chỉ huy các đồn bảo an trong tỉnh phải giao ngay chính quyền cho Việt Minh. Đoàn chiếm tòa đốc lý, khi đến ngã ba Odend’ Hall - Maréuchal Foch (Lê Hồng Phong - Nguyễn Huệ) gặp một đoàn xe quân sự của Nhật, nhưng không xảy ra va chạm. Tại đồn bảo an, trước khí thế áp đảo của quần chúng, lại có cơ sở nội ứng hỗ trợ, viên đồn trưởng phải giao đồn, nộp vũ khí, kho tàng cho Việt Minh. Quần chúng chia thành nhiều toán đi chiếm toàn bộ các công sở chính quyền bù nhìn tỉnh, trừ Chi nhánh ngân hàng Đông Dương do quân Nhật giữ. Sau đó, tại khu đất đối diện với đốc bộ đường (nay là khu nhà dân và bệnh viện đa khoa thành phố Quy Nhơn), quần chúng tham gia cuộc mít tinh chào mừng việc thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Nguyễn Huệ, do đồng chí Võ Xán làm Chủ tịch.
          Sự kiện này đánh dấu Bình Định là một trong số những tỉnh giành được chính quyền sớm trong cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945 trên cả nước.

Tác giả bài viết: Nguyễn Viết Tuấn (Bảo tàng tỉnh Bình Định)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập69
  • Hôm nay2,309
  • Tháng hiện tại88,208
  • Tổng lượt truy cập2,150,753
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây