Kỹ thuật tiêu sợi huyết cứu bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não

Chủ nhật - 29/10/2023 04:31
Giải pháp “Ứng dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết tĩnh mạch bằng rtPA cho bệnh nhân nhồi máu não cấp tại BVĐK tỉnh” của BSCKII. Hà Thị Phi Điệp (từng công tác tại BVĐK tỉnh, hiện đang làm việc tại Bệnh viện Bình Định) vừa đoạt giải ba lĩnh vực Y dược, Hội thi STKT tỉnh lần thứ XIII (2022-2023). Việc ứng dụng thành công kỹ thuật này tại BVĐK tỉnh mở ra hy vọng cứu sống nhiều bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
BSCKII. Hà Thị Phi Điệp đoạt giải ba lĩnh vực Y dược, Hội thi STKT tỉnh lần thứ XIII (2022-2023)
BSCKII. Hà Thị Phi Điệp đoạt giải ba lĩnh vực Y dược, Hội thi STKT tỉnh lần thứ XIII (2022-2023)
Nhồi máu não xảy ra khi động mạch não bị tắc nghẽn đột ngột bởi cục máu đông. Khi động mạch não bị tắc, lõi trung tâm của vùng bị thiếu máu cục bộ sẽ hoại tử, vùng ngoại vi bị thiếu máu bất hoạt nhưng chưa bị hoại tử nên có thể được cứu sống và phục hồi chức năng trở lại (vùng này gọi là vùng tranh tối tranh sáng). Mục tiêu chính của điều trị nhồi máu não cấp là tái thông mạch máu bị tắc nghẽn do huyết khối càng sớm càng tốt.
Theo BSCKII. Hà Thị Phi Điệp, mỗi năm, BVĐK tỉnh tiếp nhận ước tính hàng nghìn bệnh nhân đột quỵ, trong đó nhồi máu não chiếm tỷ lệ hơn 80%. Để được cứu sống và giảm nguy cơ tàn tật sau này, bệnh nhân phải được đưa đến bệnh viện trong khoảng “thời gian vàng” trong vòng 4-5 giờ từ khi khởi phát bệnh. “Thời gian vàng” trong điều trị đột quỵ nhồi máu não quá ngắn, bác sĩ lẫn bệnh nhân phải chạy đua với thời gian mới có thể cứu sống bệnh nhân. Nếu tại các bệnh viện địa phương không tiến hành được kỹ thuật này sẽ thiệt thòi cho bệnh nhân vì nếu chuyển đến các bệnh viện trung ương đã quá muộn.
Với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Nhân dân 115 và sự quan tâm chỉ đạo của Ban giám đốc, sự phối hợp tích cực giữa các khoa của BVĐK tỉnh; kỹ thuật tiêu sợi huyết tĩnh mạch bằng rtPA cho bệnh nhân nhồi máu não cấp đã được ứng dụng thành công tại BVĐK tỉnh cứu sống nhiều bệnh nhân. Giai đoạn 2017-2022, hơn 800 bệnh nhân nhồi máu não được thực hiện kỹ thuật này. Kết quả hồi phục các khiếm khuyết thần kinh là 85,5% (55,5% bệnh nhân phục hồi hoàn toàn; 30% di chứng nhẹ) - BSCKII Hà Thị Phi Điệp chia sẻ.
Kỹ thuật tiêu sợi huyết tĩnh mạch bằng rtPA là kỹ thuật dùng thuốc tiêu sợi huyết làm tan cục máu đông. Đây là kỹ thuật điều trị tối ưu, mức độ tin cậy cao nhất trong các kỹ thuật điều trị bệnh này nhưng chỉ thực hiện được ở bệnh nhân nhồi máu não khởi phát trong vòng  ≤ 4-5 giờ, phải được tiến hành sớm mới đem lại hiệu quả cao. Tại BVĐK tỉnh, đa số bệnh nhân vào viện đến khi được điều trị tiêu sợi huyết ≤ 30 phút (66,4%).
Để áp dụng kỹ thuật này, ngay từ đầu BVĐK tỉnh đã xây dựng quy trình tiếp nhận và xử trí nhanh bệnh nhân đột quỵ: Bố trí Phòng cấp cứu, khoa Chẩn đoán hình ảnh, khoa Thần kinh – Đột quỵ gần nhau nhằm giúp rút ngắn thời gian di chuyển bệnh nhân, giúp tiến hành kỹ thuật thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả. Bên cạnh đó, bệnh viện thành lập và đào tạo “đội đột quỵ phản ứng nhanh” chuyên nghiệp và đường dây nóng “hotline” tiếp nhận về thông tin đột quỵ hoạt động 24/24; Huấn luyện đội đột quỵ theo dõi sát, phát hiện bất thường, giúp giảm biến chứng. Đáng chú ý, thông qua các phương tiện truyền thông, BVĐK tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động giáo dục cộng đồng về cách nhận biết những dấu hiệu đột quỵ để người nhà kịp thời đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Cùng với BVĐK tỉnh, Bệnh viện Bình Định cũng đã tiếp nhận quy trình chẩn đoán đúng, xử trí nhanh bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp trong điều kiện trang thiết bị và nguồn nhân lực tại bệnh viện.
“Giải pháp đã nêu bật tính mới, tính sáng tạo, được áp dụng hiệu quả tại BVĐK tỉnh trong thời gian qua, khả năng có thể áp dụng rộng rãi và chuyển giao cho các Bệnh viện và Trung tâm Y tế tuyến huyện. Đặc biệt, giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội rất lớn, ngày càng có nhiều bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được cứu sống, giảm thiểu tử vong hoặc các di chứng của bệnh. Từ đó giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội” - BSCKII. Nguyễn Văn Trung  (Trưởng khoa Thần kinh – Đột quỵ, BVĐK tỉnh) nhận xét.
Những năm gần đây, bệnh đột quỵ nhồi máu não có xu hướng gia tăng không chỉ ở người trung niên và cao tuổi mà đối tượng mắc bệnh ngày càng trẻ hóa đến mức “báo động đỏ”. Thành công của giải pháp “Ứng dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết tĩnh mạch bằng rtPA cho bệnh nhân nhồi máu não cấp tại BVĐK tỉnh” đánh dấu bước phát triển của ngành y tỉnh nhà trong lĩnh vực điều trị đột quỵ, tạo sức bật để BVĐK tỉnh nói riêng và ngành y của tỉnh tiếp tục phát triển các kỹ thuật khác góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ngày 29/10 hằng năm được chọn là Ngày Đột quỵ thế giới nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh đột quỵ - một bệnh lý nguy hiểm và phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay. Từ đó, truyền tải thông điệp để mọi người chủ động kiểm soát và phòng tránh đột quỵ. Tại tỉnh Bình Định, các bệnh viện đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các dấu hiệu nhận biết bệnh nhân đột quỵ với mong muốn bệnh nhân và người nhà có thể chủ động nhận biết và có cách xử trí kịp thời để tăng cơ hội cho bệnh nhân đột quỵ được cứu sống.  

 

Tác giả bài viết: KT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập2
  • Hôm nay59
  • Tháng hiện tại36,466
  • Tổng lượt truy cập1,879,384
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây