Những sáng tạo của nhà giáo góp phần phát huy năng lực học sinh
Chủ nhật - 19/11/2023 08:11
Trong tổng số 37 giải pháp đoạt giải trên 6 lĩnh vực của Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ XIII (2022-2023), lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo có 9 giải pháp đoạt giải. Đáng chú ý, hầu hết các giải pháp thể hiện sự sáng tạo của giáo viên tự nghiên cứu, chế tạo các mô hình, thiết bị làm phương tiện giảng dạy một cách trực quan, sinh động góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy, phát huy năng lực học sinh.
Sáng tạo từ thực tiễn giảng dạy
Đó là những giải pháp được các tác giả nghiên cứu một cách bài bản, khoa học, đầu tư nhiều thời gian và tâm huyết. Bên cạnh những phương pháp dạy học tích cực, sáng tạo còn có những mô hình, thiết bị được giáo viên cải tiến, thiết kế, chế tạo làm phương tiện giảng dạy hiệu quả, tạo hứng thú cho học sinh. Trong số các giải pháp đoạt giải lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, có thể kể đến giải nhất của ThS. Huỳnh Xuân Lâm (giáo viên Vật lý, Trường THPT số 1 Tuy Phước) và ThS. Vương Trường Quân (Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định) đã thiết kế và chế tạo thành công bộ thí nghiệm khảo sát chuyển động ném xiên trong chương trình vật lý lớp 10 – Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
ThS. Huỳnh Xuân Lâm cho biết: Chuyển động thực của vật bị ném xiên là khá nhanh, khó nhận thấy quỹ đạo, đặc điểm chuyển động. Theo dõi sách giáo khoa, học sinh chỉ thấy hình ảnh hoạt nghiệm, rất khó hình dung. Chúng tôi thiết kế, chế tạo bộ thí nghiệm khảo sát chuyển động ném xiên của một vật trong không khí giúp học sinh quan sát trực quan chuyển động thực tế của vật từ thí nghiệm. Học sinh bắt tay vào tiến hành thí nghiệm ném vật, quay video, làm chậm và lưu lại vết của vật khi chuyển động sau những khoảng thời gian liên tiếp bằng nhau. Sau đó, các em xem lại video sẽ dễ dàng dự đoán được quỹ đạo chuyển động của vật, lập bảng số liệu về toạ độ các vết, có thể kiểm tra kết quả dự đoán bằng cách khớp số liệu toạ độ, thời gian vào các phương trình.
Đáng chú ý, học sinh có thể thực hiện thí nghiệm khảo sát sự phụ thuộc của tầm xa, tầm cao của vật vào tốc độ ném, góc ném và độ cao điểm ném. Ở đây, tốc độ ném có thể thay đổi nhờ vào độ nén ban đầu của lò xo, góc ném có thể thay đổi nhờ xoay xung quanh trục quay. Qua đó, học sinh dễ dàng khảo sát tìm góc ném để có tầm xa lớn nhất, độ cao điểm ném có thể thay đổi dễ dàng khi hướng và độ lớn của vận tốc ném không thay đổi.
Giải pháp được đánh giá là một dạng của dạy học STEM kĩ thuật, phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông hiện nay. “Điểm độc đáo là bộ thí nghiệm này hiện chưa có trên thị trường thiết bị trường học trong nước mà giá thành lại rẻ phù hợp cho các Trường THPT. Giải pháp vận dụng cho học sinh thực hành trên lớp đáp ứng được những yêu cầu mà tiết học đề ra, minh họa rất rõ cho lý thuyết bài học. Chỉ với những nguyên vật liệu đơn giản, tận dụng từ các thiết bị cũ, dễ kiếm trong đời sống, qua bàn tay của giáo viên đã cho ra đời một thiết bị dạy học chất lượng” – Ông Lê Quang Thủy – chuyên gia Trung tâm khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo, thành viên Ban giám khảo Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XIII nhận xét.
Cũng xuất phát từ thực tiễn giảng dạy, KS. Đỗ Ngọc Hùng và ThS. Phạm Văn Thống (Khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn) đã thiết kế, thi công thiết bị thực hành điện ô tô (đoạt giải nhì lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo). Giải pháp này vừa giúp cho sinh viên Khoa Công nghệ ô tô thực hành một cách hiệu quả; vừa tiết kiệm chi phí mua sắm trang thiết bị cho nhà trường. “Theo chương đào tạo nghề Công nghệ ô tô của nhà trường năm 2017 đối với các modun: Bảo dưỡng, sửa chữa trang bị điện ôtô; Bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị tiện nghi và thiết bị phụ thì sinh viên phải có nhiều giờ thực hành trên thiết bị phù hợp. Trong khi đó trang thiết bị đầu tư cho giảng dạy tại Khoa còn hạn chế về số lượng và chủng loại, thiết bị sẵn có không đáp ứng đầy đủ các mục tiêu của bài học. Hơn nữa, các thiết bị được lắp ráp là thiết bị đặc chủng của hãng xe nên khâu sửa chữa, thay thế khi xảy ra hư hỏng gặp nhiều khó khăn. Xuất phát từ thực tế đó, chúng tôi nghiên cứu và tạo ra thiết bị thực hành ô tô khắc phục các hạn chế và phù hợp hơn với điều kiện thực tế của nhà trường” – KS. Đỗ Ngọc Hùng cho biết.
Thiết bị thực hành điện ôtô được thiết kế gồm 15 cụm modun riêng biệt được bố trí trên hai mặt của bộ khung có bánh xe đẩy tiện lợi và dễ thao tác thực hành. Thiết bị được đưa vào sử dụng tại Khoa Công nghệ ô tô của nhà Trường trong 3 năm qua đã đem lại những lợi ích thiết thực: Rút ngắn thời gian chuẩn bài của giảng viên, vận hành dễ dàng, di chuyển cơ động đến nhiều vị trí thực hành khác nhau; nhiều học viên có thể thao tác trên cùng thiết bị; Hệ thống dễ sửa chữa, bảo dưỡng khi xảy ra hư hỏng; Hỗ trợ giảng viên trong việc kiểm tra, đánh giá sinh viên một cách dễ dàng, công bằng và chính xác.
“Thay vì thực hành trực tiếp trên ô tô vừa phải “mò mẫm” từng chi tiết của các hệ thống điện, vừa “ngại” gây ra hư hỏng các thiết bị của xe; giờ đây chúng em có thể tìm hiểu và thực hành các modun trên thiết bị hệ thống điện do các thầy tạo ra dễ hình dung, tiếp thu bài nhanh hơn.” – Sinh viên Tạ Thành Luân, lớp CĐ K16, Ô tô A, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn hào hứng chia sẻ.
Ngoài ra, còn một số mô hình, thiết bị ứng dụng hiệu quả trong giảng dạy được Ban giám khảo Hội thi XIII xếp giải khuyến khích như: “Giải pháp thiết kế và chế tạo bộ thí nghiệm định luật Niu-Tơn để bồi dưỡng năng lực thực nghiệm cho học sinh”; “Mô hình điều khiển giám sát ứng dụng IoT trong công nghiệp”; “Bàn thực hành lập trình điều khiển, giám sát từ xa”… đều mang lại lợi ích thiết thực cho công tác giảng dạy trong các Trường THPT, Cao đẳng nghề... Góp phần phát huy năng lực của học sinh
Điểm qua một vài mô hình, thiết bị dạy học do chính giáo viên tạo ra vừa cụ thể hóa bài giảng vừa phù hợp điều kiện của trường, lớp. Từ đó, phát huy năng lực tư duy học sinh, giúp học sinh có thể “học đi đôi với hành” tại lớp mà không phải mất thời gian tìm kiếm tài liệu, hình ảnh, không phải đi thực tế đến các nhà máy, công trình... “Học vật lí mà vừa học lý thuyết vừa được trực tiếp thực hành trên thiết bị thí nghiệm ngay tại lớp là điều làm cho chúng em rất thích thú. Từ đó, khả năng tiếp thu bài nhanh hơn, giảm sự nhàm chán, tăng tinh thần ham học hỏi và tư duy sáng tạo khi giải bài tập” – Em Nguyễn Văn Anh Khoa, học sinh lớp 10 Trường THPT số 1 Tuy Phước bày tỏ.
“Là sinh viên nữ theo học ngành công nghệ ô tô gặp không ít khó khăn nhưng với sự tận tình hướng dẫn của các thầy, em nhanh chóng bắt kịp cùng các bạn nam để hoàn thành tốt các giờ thực hành. Hơn nữa, nhờ các thiết bị do chính các thầy nghiên cứu, chế tạo ứng dụng vào các giờ thực hành tại xưởng đã giúp chúng em có những “trải nghiệm” thú vị, dễ dàng trao đổi để hiểu bài nhanh hơn. Đây cũng chính là động lực giúp em vững tâm hơn khi tiếp tục theo đuổi ngành này” – Sinh viên Lê Thị Ý Nhi, lớp CĐ K16, Ô tô A, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn chia sẻ.
Thời gian qua, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn liên tục là đơn vị có nhiều giải pháp tham dự và đoạt giải cao tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật cấp tỉnh. Nổi bật, các mô hình, thiết bị giảng dạy do chính các giảng viên tạo ra được nhà Trường công nhận, Ban giám khảo Hội thi đánh giá cao. “Ngoài việc tăng cường nâng cao kiến thức, kỹ năng giảng dạy, các giảng viên nhận thấy sự cần thiết tạo ra các mô hình, thiết bị phục vụ cho quá trình dạy học một cách hiệu quả nhất. Các giải pháp mà các giảng viên đưa ra đều xuất phát từ nhu cầu thực tế, phù hợp với chương trình đào tạo của nhà trường. Nhờ đó, học sinh, sinh viên tiếp cận ứng dụng KHCN mới trong học tập; có cơ hội rèn luyện, nâng cao tay nghề khi ra trường” - TS. Võ Thị Tuyết Nhung- Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn cho biết.
Điểm chung của các giải pháp đã góp phần phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo trong học tập của học sinh, sinh viên; nâng cao ý thức của giáo viên trong việc cải tiến, chế tạo các thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy trong mỗi cấp học. Sự tận tâm, tận lực của các nhà giáo không chỉ thể hiện qua những giờ truyền tải lý thuyết bài học đến với học sinh, mà ngày càng có nhiều tấm gương nhà giáo miệt mài NCKH đưa ra những phương pháp giảng dạy tích cực, tạo ra những mô hình, thiết bị dạy học mang lại hiệu quả cao. Nhờ đó, chất lượng dạy và học ngày càng đi vào chiều sâu, phong trào NCKH lan tỏa rộng khắp trong ngành giáo dục.
Mỗi mùa trao giải Hội thi STKT cấp tỉnh, ngành giáo dục lại nhận thêm “tín hiệu vui” khi thành quả NCKH của giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục được tôn vinh. “Hội thi năm nay, tuy số lượng giải pháp tham dự ở lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo không nhiều nhưng các tác giả đầu tư khá bài bản, có tính sáng tạo và ứng dụng thực tế hiệu quả. Đáng chú ý, nhiều mô hình, thiết bị phục vụ đắt lực cho hoạt động dạy và học hiện nay, nhằm phát huy năng lực sáng tạo, tư duy của học sinh. Thành quả đó được kết tinh từ tâm huyết, đam mê, sự nỗ lực bền bỉ của các nhà giáo, những người làm công tác giáo dục. Càng trân quý hơn, khi những tâm huyết đó được chia sẻ, lan tỏa ứng dụng rộng rãi nâng cao chất lượng dạy và học trong toàn tỉnh” – Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, Trưởng ban Ban tổ chức Hội thi STKT lần thứ XIII nhìn nhận.