Kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024) : GÓP PHẦN TRI ÂN CÁC MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG

Thứ sáu - 26/07/2024 15:22
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bình Định là một trong những chiến trường trọng điểm và ác liệt của Liên khu V. Nơi đây là địa bàn diễn ra sự tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch, do có cảng biển chiến lược Quy Nhơn vừa là cảng thương mại vừa là cảng quân sự (quân cảng). Quy Nhơn - Bình Định còn có quốc lộ 19 nối liền với các tỉnh Tây Nguyên nên từ rất lâu, nơi đây trở thành một vị trí địa chính trị then chốt của ta và địch.
Kỷ vật lá thư con của Mẹ VNAH Trần Thị Kiểm, xã Hoài Châu, thị xã Hoài Nhơn
Kỷ vật lá thư con của Mẹ VNAH Trần Thị Kiểm, xã Hoài Châu, thị xã Hoài Nhơn
Sinh ra trên mảnh đất quê hương người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ, nhân dân Bình Định từ lâu đã có truyền thống cách mạng, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã có rất nhiều người con ưu tú của quê hương lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Và như một quy luật khắc nghiệt của bất kỳ cuộc chiến tranh nào, rất nhiều người trong số họ đã ngã xuống để có được ngày quê hương hoàn toàn giải phóng. Sự ra đi của họ để lại sự mất mát lớn lao cho những người vợ, người mẹ. Đã có rất nhiều người mẹ vừa mất đi người chồng và mất luôn cả những người con trong hai cuộc chiến, để rồi khi khóc cạn hết dòng nước mắt thì chỉ còn lại cả một khoảng trống vắng trong tâm hồn mẹ. Dù đau thương, mất mát to lớn như vậy nhưng trong lòng các mẹ vẫn ánh lên một niềm tự hào rằng những người con và cả chồng của mẹ đã hy sinh hoàn toàn không vô ích, họ đã ngã xuống vì quê hương đất nước, vì độc lập tự do của dân tộc.
kv1
 Kỷ vật tấm dù bọc võng của liệt sĩ  - con của Mẹ VNAH Lê Thị Tập - Hoài Châu, Hoài Nhơn

Không thể kể hết biết bao người mẹ đã thầm lặng chịu đựng nỗi đau, sự hy sinh mất mát to lớn đó, như: Mẹ Nguyễn Thị Thìn, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ có chồng và 5 con liệt sỹ; mẹ Đặng Thị Ruộng, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, có 6 con là liệt sỹ; mẹ Thái Thị Nhữ, phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn có 6 con là liệt sỹ; mẹ Trần Thị Bâu, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ có 5 con là liệt sỹ; mẹ Lê Thị Lén, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ có 5 con là liệt sỹ; mẹ Phạm Thị Mười, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn có 4 con là liệt sỹ;…Sự hy sinh của các mẹ là rất lớn lao không gì có thể bù đắp nổi. Để phần nào xoa dịu nỗi đau và thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách ghi nhận công lao và sự hy sinh to lớn của các mẹ, do đó việc phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH chính là sự tri ân xứng đáng dành cho các mẹ có nhiều người con hy sinh vì nền độc lập của dân tộc.
kv3
Hũ đựng gạo nuôi giấu cán bộ cách mạng của Mẹ VNAH Từ Thị Nghiệm, xã Hoài Tân, Hoài Nhơn

 Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc trưng bày hình ảnh và hiện vật về các mẹ VNAH trong hệ thống bảo tàng, nên từ lâu Bảo tàng tỉnh Bình Định đã chú trọng sưu tầm các tư liệu, hình ảnh và hiện vật về các mẹ VNAH trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay Bảo tàng đã dành hẳn một mảng trưng bày về mẹ VNAH với rất nhiều hình ảnh và kỷ vật có giá trị. Đây được xem là một mảng trưng bày có giá trị giáo dục rất lớn đối với thế hệ trẻ khi tham quan bảo tàng. Những hiện vật sưu tầm về các mẹ VNAH là những hiện vật rất đỗi giản dị và thân thuộc, hầu hết đó là những kỷ vật đã gắn bó với các mẹ trong suốt một quãng thời gian rất dài. Chẳng hạn như chiếc niêu đất, nồi đồng mẹ sử dụng để nấu cơm, nuôi dấu cán bộ từ thời kháng chiến; những cuốn nhật ký, lá thư của người con liệt sĩ gửi cho mẹ; những tư trang trong quân ngũ của các liệt sĩ con của mẹ như: chiếc ba lô, tấm dù bọc võng, bi đông đựng nước,…được mẹ gìn giữ như những kỷ vật quý giá về người chồng, người con liệt sĩ của mình. Ví như mẹ VNAH Nguyễn Thị Hòa ở thôn Xuân An, xã Cát Minh, huyện Phù Cát có 3 con hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Người con đầu của mẹ là Lê Trịnh Đình Thuấn tham gia cách mạng từ năm 1959, đến khoảng năm 1962 - 1964 thì bị địch bắt và giam giữ tại nhà tù Quy Nhơn. Khi vừa mới ra tù anh đã mua tặng mẹ một chiếc áo ấm nỉ màu đỏ để mẹ mặc trong những lúc đông giá lạnh lẽo. Sau đó anh hy sinh nên mẹ Hòa vừa mặc, vừa giữ làm kỷ niệm cho đến nay. Sau đó mẹ đã hiến tặng kỷ vật này cho Bảo tàng tỉnh lưu giữ và trưng bày.
kv4
 
          Hay như chiếc hũ nhỏ được Mẹ VNAH Từ Thị Nghiệm, xã Hoài Tân, thị xã Hoài Nhơn sử dụng để đựng gạo nuôi dấu cán bộ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước; tấm dù bọc võng là tư trang để hành quân chiến đấu của liệt sỹ Phạm Chuẩn, con mẹ VNAH Lê Thị Tập, xã Hoài Châu, thị xã Hoài Nhơn, sau khi anh mất mẹ đã cất giữ cận thận như là một kỷ vật quý giá của người con liệt sĩ đã hy sinh. Bản thân mẹ cũng tham gia cách mạng, nuôi dấu cán bộ, đấu tranh chính trị, tham gia hội phụ nữ xã, từng bị địch bắt giam tại nhà lao Bồng Sơn. Mẹ VNAH Trần Thị Kiểm, thôn An Quý Bắc, xã Hoài Châu, thị xã Hoài Nhơn đã lưu giữ kỹ những lá thư của người con liệt sĩ Chế Minh Đậu gửi về từ chiến trường cho đến nay, sau đó hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh lưu giữ và trưng bày lâu dài. Bản thân mẹ cũng tham gia cách mạng, nuôi dấu cán bộ, đấu tranh chính trị, mẹ có 3 con là liệt sỹ.
Còn rất nhiều các kỷ vật ý nghĩa khác mà Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, trưng bày với mong muốn góp phần tri ân, giáo dục thế hệ trẻ về những cống hiến và hy sinh lớn lao của các mẹ VNAH đối với quê hương đất nước.

Tác giả bài viết: Nguyễn Viết Tuấn (Bảo tàng tỉnh Bình Định)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập68
  • Hôm nay5,034
  • Tháng hiện tại98,735
  • Tổng lượt truy cập2,020,077
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây