THI ĐUA YÊU NƯỚC ĐỂ “HẠNH PHÚC CHO DÂN”

Thứ sáu - 09/06/2023 14:57
75 năm qua, Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn về mục đích, nội dung, phương pháp và cách thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả phù hợp với nhiệm vụ của từng giai đoạn dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự. Nó luôn được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị quán triệt, thực hiện thống nhất từ tư tưởng đến hành động, là cơ sở, nền tảng cho công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước nói chung, tỉnh Bình Định nói riêng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước lần thứ IV (30/12/1966). Ảnh TL.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước lần thứ IV (30/12/1966). Ảnh TL.
1. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trước vận mệnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc” vì thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành khắp nơi, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” và ban hành Sắc lệnh số 195 thành lập Ban vận động thi đua ái quốc của Trung ương, các liên khu, tỉnh, huyện và xã. Lời Kêu gọi của Bác ngắn gọn, dễ hiểu, cụ thể, nêu rõ mục tiêu và các công việc phải làm đối với các tầng lớp Nhân dân vào những năm đầu toàn quốc kháng chiến, mở đầu Lời kêu gọi, Người viết: “Mục đích thi đua ái quốc là gì? Và Người trả lời: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Ba “nạn” nêu trên, theo Người đều là “giặc” nguy hiểm, phải “diệt”. Chỉ ngắn gọn trong 10 từ nêu trên nhưng Bác đã nêu lên nhiệm vụ cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện mục đích các phong trào thi đua và chỉ rất rõ thứ tự ưu tiên các nhiệm vụ là, diệt giặc đói trước (để cứu sống dân), đến diệt giặc dốt (để có tri thức cho dân), và giết ngoại xâm, nhất là thực dân Pháp. Người cho rằng: Sự nghiệp cách mạng là của toàn dân, phải dựa vào tài dân, sức dân để làm lợi cho dân. Cách thức của phong trào thi đua là khơi dậy lòng yêu nước của mọi người dân, thực hiện các công việc cụ thể ích quốc, lợi dân; nên phải dựa vào: “Lực lượng của dân. Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một lời “Hịch” đã hiệu triệu và tạo ra một phong trào thi đua quần chúng rộng lớn:“Toàn dân đủ ăn, đủ mặc.Toàn dân biết đọc, biết viết.Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm. Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn”. Và cũng từ đó, trong các bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Đại hội anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần I, II, III, IV và trong hơn 30 bài nói và thư của Bác gửi các hội nghị thi đua yêu nước của các ngành, các giới, các lực lượng, các địa phương từ năm 1951 đến 1968 đều nối tiếp thể hiện tinh thần thi đua ái quốc của Người. Trải qua 75 năm, Lời kêu gọi ái quốc của Bác ngày ấy đã cuốn hút, cổ vũ, động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, thi đua hăng say lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống giặc đói; thi đua học tập, xóa nạn mù chữ, chống giặc dốt; không ngại gian khổ, mất mát, vượt qua mọi hy sinh, dũng cảm ngoan cường chiến đấu diệt giặc ngoại xâm, giành thắng lợi. Đặc biệt trong những thời khắc cam go, ác liệt của dân tộc, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, biến thành phong trào quật khởi, tạo ra sức mạnh cách mạng, để đưa Việt Nam đến thắng lợi vẻ vang như ngày nay.
2. Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều phong trào thi đua trong hai cuộc kháng chiến đã hình thành và phát triển rộng khắp, làm động lực to lớn, góp phần vào thắng lợi công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Nhiều khẩu hiệu thi đua hình thành và còn giá trị thực tiễn sâu sắc đến ngày nay, như: “sĩ, công, thương, binh, gái, trai, già , trẻ, toàn thể quốc dân ta vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì phải gia sức tham gia cuộc thi đua yêu nước”, “Người người thi đua, ngành ngành thi đua” “Thi đua ái quốc là lợi ích cho mình, lợi ích cho gia đình mình và lợi ích cho làng, cho nước”,“Lao động sáng tạo ra xã hội, thi đua thì cải tạo con người”, “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua…Nhiều phong trào thi đua trở thành phong trào cách mạng, như:“Tuần lễ vàng”;“Bình dân học vụ” đến“Cờ Ba nhất” trong quân đội;“Gió Đại Phong” trong nông nghiệp;“Sóng Duyên Hải”trong công nghiệp;“Hai tốt” trong giáo dục;“Ba sẵn sàng”,“Năm xung phong”trong thanh niên…Đặc biệt trong sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, nhiều phong trào trong cả nước đã phát động, thực hiện đem lại hiệu quả thiết thực, như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”,“Tuổi trẻ sáng tạo”,“Lao động giỏi, lao động sáng tạo”,“Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”,“Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”…Lịch sử dân tộc đã chứng minh, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng, động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy tinh thần yêu nước, tích cực đoàn kết, phấn đấu vượt lên mọi khó khăn, gian khổ để làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phong trào thi đua ái quốc thật sự đã đóng góp một phần không nhỏ cho các thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Điều đó đã chứng minh, khi lòng yêu nước của Nhân dân được khơi dậy đúng lúc đó sẽ là nhân tố, động lực để tạo nên mọi thắng lợi cho dù hoàn cảnh, điều kiện lịch sử khó khăn đến mấy !
3. Cùng với cả nước, từ sau cách mạng tháng 8.1945, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và Nhân dân Bình Định thực hiện khẩu hiệu "Nhà nhà thi đua, người người thi đua", lực lượng vũ trang Nhân dân trong tỉnh đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chiến đấu bảo vệ và xây dựng vững chắc hậu cứ kháng chiến. Trong phong trào thi đua “Diệt giặc đói”, Bình Định quyết tâm thực hiện mục tiêu “Vùng tự do tiến tới tự túc về ăn, mặc và học”, tăng vụ sản xuất, tích cực triển khai phong trào Bình dân học vụ, góp phần xóa mù chữ cho gần 129 ngàn học viên, ngoài ra còn mở lớp “bổ túc bình dân” để củng cố trình độ cho học viên qua “sơ cấp bình dân”. Trong phong trào “diệt giặc ngoại xâm”, với phong trào“luyện quân lập công”, Bình Định phát động kháng chiến toàn dân, toàn diện, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi đường làng, ngõ xóm là trận địa diệt thù...Thực hiện khẩu hiệu:“Toàn dân hiến kế, hiến sức đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”,“Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, thi đua đạt danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ, diệt ngụy, bắn máy bay Mỹ;…Đẩy mạnh phong trào toàn dân xây dựng thôn, xã chiến đấu; kiên quyết tiến công địch bằng 3 mũi giáp công tại chỗ, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của Sư đoàn 3 Sao Vàng đã giải phóng các huyện Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, An Lão, tạo đà giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Định vào ngày 31/3/1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Từ đó đến nay, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng Bình Định có nhiều phong trào thi đua phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, thiết thực và hiệu quả, tạo động lực quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước khen thưởng đã có tác dụng giáo dục, động viên, nêu gương học tập. Công tác thi đua, khen thưởng hiện nay đã tác động tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ngày càng vững mạnh.
4.Từ thực tiễn phong trào thi đua ái quốc 75 năm qua đã khẳng định thi đua ái quốc là nhiệm vụ tất yếu, là công việc của tất cả mọi người dân và phải tiến hành thường xuyên và liên tục.Thắng lợi của phong trào thi đua phụ thuộc khá nhiều vào kế hoạch, biện pháp và quyết tâm thực hiện. Bác đã chỉ dẫn“Để đảm bảo phong trào thi đua thắng lợi vẻ vang, cần có hai điều: một là cán bộ và công nhân phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm với tinh thần làm chủ tập thể, hai là kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyêt tâm 30 phần”.
75 năm qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự sâu sắc, ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội và luôn được Đảng và Nhà nước ta phát triển và vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng. Từ những ngày đầu đến thực tiễn của hai cuộc kháng chiến trường kỳ và trong công cuộc đổi mới hiện nay, phong trào thi đua yêu nước đã và đang phát triển rộng khắp, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, trong tầng lớp nhân dân, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu miền Trung.
2
Thủ tướng Phạm Văn Đồng với 5 đơn vị (Đại Phong, Ba Nhất, Duyên Hải, Bắc Lý, Thành Công) đạt danh hiệu Lá cờ đầu trong phong trào thi đua tại Đại hội thi đua lần thứ III (1962) Ảnh: TL

Tác giả bài viết: Nguyễn Huỳnh Huyện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập37
  • Hôm nay1,762
  • Tháng hiện tại56,126
  • Tổng lượt truy cập1,760,716
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây