Báo cáo viên lớp tập huấn đã giới thiệu nhiều mô hình đầu tư, phát triển chăn nuôi đàn chim yến phù hợp với điều kiện khí hậu và tự nhiên trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện nay và trong tương lai, trong đó hướng dẫn cụ thể kỹ thuật xây dựng nhà nuôi chim yến từ việc chọn vùng, vị trí, kỹ thuật thiết kế, xây dựng nhà nuôi chim yến, lắp đặt các trang thiết bị nhà yến; kỹ thuật để vận hành nhà yến cho đến việc khai thác, phân loại, sơ chế và bảo quản tổ yến; đồng thời phổ biến các quy định pháp luật về hoạt động nuôi chim yến, hoạt động khai thác, sơ chế, bảo quản tổ yến. Toàn tỉnh Bình Định hiện có 2.500 nhà yến, với tổng diện tích trên 100.000m2 tuy nhiên chỉ 50% nhà yến thiết kế đúng kỹ thuật, đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho sự sinh trưởng, sinh sản và phát triển đàn chim yến như: nhiệt độ, độ ẩm, độ thoáng khí… thu hút được chim yến về. Số nhà yến còn lại không thu hút được chim do nhà đầu tư chưa được trang bị các kiến thức cần thiết trong việc lựa chọn vị trí, kỹ thuật thiết kế, xây dựng và lắp đặt các trang thiết bị phù hợp cho nhà nuôi chim yến.
Buổi tập huấn cũng là cầu nối, tạo điều kiện cho các học viên học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm, cùng nhau tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình nuôi, chăm sóc chim yến và khai thác, bảo quản tổ yến… Với phương châm “đi xa, đi cùng nhau”, các học viên tham dự tập huấn chia sẻ nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn, không “giấu nghề”, sẵn sàng hỗ trợ nhau để cùng nhau phát triển.
Được biết, hiện nay Hiệp Hội Yến sào đang được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hướng dẫn lập hồ sơ đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho Yến sào Bình Định, hướng đến xuất khẩu sang các thị trường đầy tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản…