Thực trạng công tác xây dựng và phát triển hội thành viên Liên hiệp Hội Bình Định

Thứ năm - 16/05/2024 09:38
Thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bình Định (Liên hiệp Hội) luôn quan tâm công tác xây dựng, phát triển hội thành viên, tăng cường sự phối hợp với các hội thành viên tổ chức các hoạt động chính trị - xã hội, tư vấn phản biện, thông tin tuyên truyền...đạt nhiều kết quả nổi bật. Nhờ đó, mối quan hệ giữa Liên hiệp Hội và các hội thành viên ngày càng gắn kết, nâng cao uy tín và vị thế của Liên hiệp Hội – mái nhà chung của trí thức khoa học – công nghệ trong tỉnh.
Liên hiệp hội tổ chức Hội thảo nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội thành viên
Liên hiệp hội tổ chức Hội thảo nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội thành viên
  1. Mối quan hệ giữa Liên hiệp Hội với các hội thành viên
 Từ sau ngày giải phóng 1975 đến năm 1995 (trước khi Liên hiệp Hội tỉnh được thành lập) trên địa bàn tỉnh đã có một số hội nghề nghiệp được thành lập: Hội Y học, Hội Dược học, Hội Đông y, Hội Xây dựng, Hội Luật gia, Hội Làm vườn (VAC), Hội Kiến trúc sư, Hội bảo vệ quyền người tiêu dùng, Hội Kế hoạch hóa gia đình, Hội Toán học. Những hội nghề nghiệp này đã có những hoạt động ban đầu nhằm tập hợp, đoàn kết, điều hòa các hoạt động trong các lĩnh vực chuyên môn cụ thể.
  Liên hiệp Hội tỉnh được thành lập theo Quyết định số 937/QĐ-UB ngày 06/5/1995 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định. Ngay từ những nhiệm kỳ đầu cơ quan thường trực đã chú trọng tập trung chỉ đạo củng cố, phát triển hội, có thêm các hội thành viên và đơn vị trực thuộc được thành lập như: Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường, Hội điều dưỡng, Hội Sinh vật cảnh, Hội thủy sản, Hội hóa học, Hiệp hội các Hợp tác xã và Doanh nghiệp phục vụ nông nghiệp Bình Định, Hội Tin học và 2 đơn vị trực thuộc: Trung tâm DSTT, Trung Tâm tư vấn đầu tư phát triển Khoa học - công nghệ - Môi trường. Đến năm 2002 đã có 16 hội thành viên và 2 đơn vị trực thuộc, với hơn 30.000 hội viên. Hiện nay Liên hiệp Hội có 36 hội thành viên và đơn vị trực thuộc, với hơn 90.000 hội viên.
          Công tác phát triển đi đôi với đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của các hội thành viên luôn được Liên hiệp Hội quan tâm, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu bao gồm cả hội thành viên, tổ chức Khoa học công nghệ và đơn vị trực thuộc hoạt động trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng đánh bắt thuỷ sản, công nghệ thông tin, giao thông, xây dựng, khoa học- công nghệ, văn hoá, du lịch, y tế, giáo dục, các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu... Một số hội có đông hội viên đã hình thành được mạng lưới 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) như Hội làm vườn, mạng lưới 2 cấp như hội Hội Sinh vật cảnh, Hội Luật gia, Điện cơ, Thủy sản, Kế hoạch hóa gia đình hoặc phát triển thêm được các chi hội, huyện hội cơ sở, một số hội thành lập được các đơn vị dịch vụ trực thuộc hội ... Đội ngũ hội viên đông đảo bao gồm nhiều kỹ sư, bác sĩ, cử nhân; cán bộ KHKT trình độ cao như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú...được tập hợp trong các hội ngành nghề, đây chính là lực lượng trí thức quan trọng luôn đi đầu trong việc tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật, góp phần tạo nên phong trào nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong thực tế sản xuất và đời sống; tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội...
Liên hiệp Hội do UBND tỉnh ra quyết định thành lập ngày, là đơn vị có Đảng đoàn trực thuộc Tỉnh ủy, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự quản lý và điều hành của UBND tỉnh, là thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam; thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Liên hiệp Hội tỉnh hoạt động theo Tôn chỉ, mục đích, chức năng, nghiệp vụ của Liên hiệp Hội Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết, tuyên truyền, củng cố, phát triển hội thành viên; tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các hội thành viên vì lợi ích chung; phát huy vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, góp phần xây dựng và phát triển của tỉnh Bình Định.
Các hội thành viên là các hội, hiệp hội, tổ chức khoa học - công nghệ hoạt động hợp pháp trên các lĩnh vực khoa học và công nghệ (gọi chung là Hội KH & KT chuyên ngành), tuân thủ  điều lệ  được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Hội viên tập thể, câu lạc bộ, hội viên cá nhân là những người làm công tác khoa học; các thành viên gia nhập Liên hiệp Hội trên cơ sở tự nguyện, tán thành Điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam, Quy chế tổ chức và hoạt động của Liên hiệp Hội Bình Định; lãnh đạo hội tham gia Ban chấp hành Liên hiệp Hội do đại hội nhiệm kỳ bầu.  
  1. Những kết quả đạt được
 Mối quan hệ giữa Liên hiệp Hội và các hội thành viên ngày càng được củng cố, số lượng hội viên tổ chức tăng thêm, từ 9 hội trước năm 1995, đến nay có 36 hội và đơn vị trực thuộc. Công tác phối hợp với các hội thành viên cũng được củng cố, tăng cường, nhất là trong những năm gần đây, thể hiện ở việc triển khai các nhiệm vụ chính trị - xã hội, chuyên môn nghiệp vụ nổi bật như:
Về công tác tổ chức, tham gia sinh hoạt chính trị, tư tưởng, quán triệt học tập, triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước: Các hội thành viên tham gia nhiều hơn vào các hoạt động học tập nghị quyết, sinh hoạt chính trị, tư tưởng do Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy…tổ chức. Liên hiệp Hội thường xuyên phản ánh tâm tư, nguyện vọng, tập hợp những ý kiến đóng góp của đội ngũ trí thức thông qua Ủy ban MTTQ và các Hội thành viên... gửi tới Đảng, Nhà nước, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan. Hoạt động này thể hiện rõ nét nhất qua các hội nghị, hội thảo góp ý văn kiện chính trị Đại hội Đảng các cấp, hiệp thương bầu Đại biểu Quốc Hội và HĐND các cấp, tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp, pháp luật, tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học, pháp luật đến hội viên và người dân. Nhiều ý kiến có tính chất xây dựng, khách quan của đội ngũ trí thức đã được các cơ quan Đảng, chính quyền địa phương lắng nghe, tiếp thu hoặc phản hồi tích cực.
 Phối hợp tổ chức tập huấn, hội thảo phổ biến kiến thức, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật:  Liên hiệp Hội đã chủ động phối hợp với các hội thành viên tổ chức một số lớp tập huấn, hội thảo phổ biến kiến thức, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật…cho hội viên của các hội, nhiều lớp tập huấn được tổ chức tại các địa phương, trực tiếp đến đối tượng là người dân. Từ năm 2018 đến nay Liên hiệp hội  phối hợp với các hội thành viên tổ chức hơn 50 lớp tập huấn, hội thảo phổ biến kiến thức, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, nâng cao năng lực hội viên với hơn 1100 hội viên tham gia. Riêng năm 2024, Liên hiệp Hội được UBND tỉnh giao thực hiện 20 nhiệm vụ tập huấn, hội thảo phổ biến kiến thức, đơn vị đã phân bổ 10 nhiệm vụ để phối hợp tổ chức thực hiện với các hội thành viên, các nội dung tập huấn, hội thảo ngày càng gắn với nhu cầu thực tế, đáp ứng các vấn đề đặt ra tại cơ sở, mang lại hiệu quả thiết thực, được các hội viên tham gia tích cực.
Các hội thành viên cũng đã chủ động tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao kỹ thuật, thông tin, tuyên truyền những chính sách mới của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực chuyên ngành; đào tạo bồi dưỡng và nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn cho hội viên... Bên cạnh đó, các Hội thành viên như: Hội Chăn nuôi Thú y, Hóa học, Cầu Đường, Điều dưỡng, Dược học, Y học, Y tế công cộng, Toán học, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Nam trung bộ, Hội KH&KT huyện An Nhơn... đã tích cực phối hợp với ngành chủ quản triển khai nhiều đề tài nghiên cứu cấp ngành, cấp cơ sở, có nhiều đề tài nghiên cứu của các tác giả, nhóm tác giả được giải cao cấp tỉnh, cấp quốc gia. Đồng thời, một số hội tích cực cử hội viên tham gia hội thi, giải thưởng các cấp, từ địa phương tới quốc gia như Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tôn vinh trí thức tiêu biểu (Hội Y học, Dược học, Điều dưỡng, Toán học, Hóa học, Xây dựng...). Qua hoạt động này đã phát hiện, khích lệ, ươm tạo, tôn vinh nhiều tài năng khoa học trên nhiều lĩnh vực của tỉnh nhà.

Các hội thành viên tham gia công tác tư vấn phản biện với tư cách chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn của hội, tham gia góp ý vào các đề án, dự án, qui hoạch của tỉnh, của địa phương. Các Hội thành viên như Qui hoạch phát triển Đô thị và Nông thôn,  Xây dựng, Kiến trúc, Thủy sản, Thủy lợi, Cầu đường, Khoa học lịch sử, Luật gia, Chăn nuôi thú y, KHKT Thị xã An Nhơn... cũng tích cực tham gia hoạt động TVPBGĐXH phù hợp với lĩnh vực ngành nghề chuyên môn của Hội, qua đó phát huy trách nhiệm, tiếng nói của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ đối với nhiều qui hoạch, dự án, đề tài do cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh chủ trì, tập trung vào lĩnh vực Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, qui hoạch, kiến trúc, xây dựng, giao thông, thủy lợi, xây dựng cơ chế chính sách, pháp luật... 
 
 Các hội thành viên tham gia hoạt động truyền thông, tuyên truyền của Liên hiệp Hội: Đa số tổ chức thành viên không có cán bộ chuyên trách làm công tác thông tin tuyên truyền nhưng nhiều hội cũng đã tích cực, chủ động gửi tin, bài cộng tác để Liên hiệp Hội thực hiện công tác thông tin tuyên truyền qua bản tin và Website (Hiệp Hội Thủy sản, Hội Chăn nuôi – Thú y,  Khoa học Lịch sử, Điều dưỡng, Địa lý, Trung tâm Dưỡng sinh tâm thể…).
Qua các hoạt động phối hợp vai trò tập hợp, kết nối đội ngũ trí thức của Liên hiệp Hội được củng cố, phát huy, mặt khác các hội thành viên ngày càng quan tâm, phối hợp trong các hoạt động chung, có tiếng nói nhiều hơn trong mái nhà chung của hệ thống Liên hiệp Hội, góp phần đóng góp  phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
3. Những tồn tại, hạn chế trong tổ chức, hoạt động hội
            - Công tác quản lý Nhà nước về hội còn bất cập, hệ thống pháp luật về hội chưa đồng bộ, có nhiều  văn bản quy phạm pháp luật khác nhau để điều chỉnh các hội (các hội được điều chỉnh theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP; Liên đoàn Luật sư Việt Nam được điều chỉnh theo Luật Luật sư, Hiệp hội Công chứng theo Luật Công chứng…). Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP chậm được ban hành.
          - Về công tác tổ chức, cán bộ, chính sách chế độ... đối với  Liên hiệp Hội tỉnh chưa ổn định, còn có một số khó khăn, hạn chế.
          - Các hội thành viên có mức độ và qui mô hoạt động khác nhau, có hội hoạt động trên phạm vi rộng, có hội chuyên sâu ngành kỹ thuật; đại đa số hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, theo nguyên tắc tự chủ, tự quản, tự lo liệu kinh phí (chỉ có Hội Luật gia, VAC , Đông y được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí), do đó hầu hết các hội gặp khó khăn về kinh phí tổ chức hoạt động.
- Một số hội thành viên còn thiếu chủ động, lúng túng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động hội, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, nội dung hoạt động chưa phong phú, sáng tạo nên khó thu hút đông đảo hội viên tham gia.
         - Chất lượng hoạt động hội chưa đều, một số hội tổ chức hoạt động kém hiệu quả, công tác trao đổi thông tin 2 chiều giữa Liên hiệp Hội và các Hội thành viên chưa cập nhật thường xuyên, chưa phản ánh hết một cách toàn diện, đầy đủ hoạt động của các hội.
  - Công tác tư vấn phản biện độc lập của Liên hiệp Hội và các Hội thành viên chưa nhiều, chủ yếu tập trung tham gia hoạt động giám sát, góp ý đề xuất kiến nghị, tham gia xây dựng Luật, văn bản pháp qui, dự án, đề án của các cơ quan chức năng liên quan.
4. Giải pháp nâng cao chất lượng công tác hội
-  Cần đồng bộ hệ thống pháp luật về tổ chức quản lý hội, sớm sửa đổi Nghị định 45/2010/NĐ-CP qui định và hướng dẫn thực hiện công tác tổ chức, hoạt động và quản lý hội quần chúng.
- Thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, sự quản lý điều hành của UBND tỉnh và phối hợp hoạt động với các Sở, ngành, địa phương. Thực hiện tốt vai trò thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.
- Xây dựng và phát huy mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa Liên hiệp hội với với các hội thành viên; giữa các hội thành viên với các cơ quan chuyên ngành; nâng cao vai trò lãnh đạo, tính năng động và tâm huyết của người đứng đầu các tổ chức hội.
- Bản thân Liên hiệp hội và các hội thành viên phải phát huy nội lực, chủ động tạo nguồn kinh phí để hoạt động, chủ động đề xuất, sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động KH&CN thiết thực phụ vụ cho nhiệm vụ chính trị - xã hội của tỉnh và lợi ích của hội viên. Tập hợp, đoàn kết trí thức, hội viên phải bằng việc làm cụ thể, qua thực hiện các hội nghị, hội thảo, qua triển khai các đề tài, dự án, qua tư vấn phản biện và giám định xã hội; trong công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ KHKT, các mô hình, phương thức hoạt động có hiệu quả cần được chỉ đạo, kiểm tra, hỗ trợ kịp thời và nhân rộng vào thực tiễn.
- Các hội thành viên chú trọng hơn công tác củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động hội, tập hợp, quy tụ hội viên tham gia tích cực các hoạt động của hội ở cơ sở.
-Vận động thành lập một số hội mới thuộc lĩnh vực Bảo vệ tài nguyên và môi trường, Kinh tế tổng hợp... Phát triển các hội thành viên ở các huyện, thành phố Quy Nhơn và các cơ sở có đông trí thức hoạt động sản xuất kinh doanh và nghiên cứu khoa học, nhất là trong khu vực kinh tế tư nhân.

Tác giả bài viết: Thanh Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập19
  • Hôm nay964
  • Tháng hiện tại86,863
  • Tổng lượt truy cập2,149,408
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây