MỘT SỐ GIẢI PHÁP KỸ THUẬT NHẰM CHUẨN HÓA CHẤT LƯỢNG BƯỞI DA XANH TẠI BÌNH ĐỊNH

Thứ năm - 09/03/2023 09:33
Hiện nay, bưởi da xanh là loại trái cây được thị trường ưa chuộng, vì thế, diện tích trồng bưởi ngày càng mở rộng. Năm 2023, dự kiến diện tích trồng bưởi tại Bình Định đạt 645 ha, quy hoạch đến năm 2025 diện tích bưởi da xanh đạt 1.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Hoài Ân, An Lão, thị xã Hoài Nhơn…Tuy nhiên, để vườn bưởi đạt năng suất và chất lượng cao và đồng đều yêu cầu bà con phải biết chăm sóc hợp lý, đúng kỹ thuật nếu không sẽ dễ đưa đến tình trạng trái bị méo mó, da sần sùi, vỏ dày, chất lượng kém, trái bị khô, ít ngọt,…
Bao trái Bưởi là biện pháp quản lý hiệu quả các đối tượng sâu hại nguy hiểm trên bưởi
Bao trái Bưởi là biện pháp quản lý hiệu quả các đối tượng sâu hại nguy hiểm trên bưởi
Để khắc phục những vấn đề trên bà con cần thực hiện tốt một số giải pháp kỹ thuật sau:
          1. Về dinh dưỡng
Dinh dưỡng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo năng suất và chất lượng trái bưởi. Cần kết hợp phân hữu cơ và vô cơ một cách hài hòa, cân đối. Trước hết bà con cần chú ý những lợi ích của phân hữu cơ đối với cây trồng mà phân hóa học không có. Trong phân hữu cơ có đầy đủ các nguyên tố đa, trung, vi lượng cần thiết cho cây mặc dù số lượng không nhiều. Phân hữu cơ giúp cho trái có phẩm chất ngon, ít bị khô đầu múi, màu đỏ đẹp và kéo dài thời gian bảo quản sau thu hoạch. Ngoài ra, phân hữu cơ còn tăng cường sự phát triển vi sinh vật có lợi trong đất, cung cấp cho cây được nhiều chất dinh dưỡng; cải tạo lý tính đất, giúp cho đất xốp hơn, độ ẩm trong đất được giữ lâu hơn, bảo vệ đất chống xói mòn, tăng độ phì nhiêu của đất; gia tăng hiệu quả bón phân vô cơ, hạn chế thất thoát trong quá trình bón phân vô cơ…
Đối với phân vô cơ, trên cơ sở sinh lý, sinh thái, tuổi cây, điều kiện thổ nhưỡng từng nơi mà có chế độ bón phân phù hợp (trông trời, trông đất, trông cây). Mục đích của bón phân thích hợp là đáp ứng nhu cầu của cây, đạt được hiệu lực và hiệu quả của phân bón. Đối với bưởi da xanh, bà con thường để trên cây nhiều lứa trái khác nhau để có thu hoạch thường xuyên, vì vậy, việc cung cấp đầy đủ, cân đối từng nguyên tố dinh dưỡng và đúng giai đoạn sẽ giúp đảm bảo năng suất, chất lượng trái và cây bưởi được phát triển bền vững. Một chế độ bón phân thích hợp là đảm bảo các yêu cầu: Đúng loại phân, đúng lượng, đúng lúc, đúng cách.
- Lượng phân và cách bón như sau:
Năng suất thu hoạch quả vụ trước Phân hữu cơ Đạm urê
(kg)
Lân Văn Điển
(kg)
Kali clorua (kg) Vôi bột (kg)
Phân chuồng (kg) Hoặc phân hữu cơ vi sinh
(kg)
20 kg/cây/năm 40 4 0,3 2,0 0,1 1,5
40 kg/cây/năm 50 5 0,4 2,0 0,2 1,5
60 kg/cây/năm 60 6 0,6 3,5 0,2 1,5
90 kg/cây/năm 80 8 0,8 4,5 0,3 1,5
120 kg/cây/năm 100 10 1,0 5,5 0,4 1,5
Phân được chia làm 4 lần bón với tỷ lệ như sau:
+ Lần 1: Bón sau thu hoạch quả: 100% phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh + 20% đạm ure + 20% kali clorua + 100% lân Văn Điển;
+ Lần 2: Bón trước khi ra hoa: 30% đạm ure + 30% kali clorua;
+ Lần 3: Bón dưỡng hoa, quả non: 30% đạm ure + 30% kali clorua;
+ Lần 4: Bón thúc quả: Bón hết lượng phân còn lại.
- Phương pháp bón
Cuốc một rãnh rộng từ 30 cm từ mép tán vào trong, sâu 20 - 30 cm, phân trộn đều với nhau và rắc vào rãnh, lấp đất. Bón phân kết hợp với làm cỏ, tủ lại gốc và tưới nước.
Ngoài ra, cần bón bổ sung các loại phân trung, vi lượng cho cây bưởi như Bo, Mn, Zn, Fe, Mg, Ca, S,... bằng cách phun qua lá hoặc tưới gốc.
2. Về chăm sóc: Tưới nước, tỉa cành, tạo tán, bao trái
- Cắt tỉa
+ Được thực hiện sau khi thu hoạch quả: Cắt hết những cành vượt, những cành vươn thẳng nhằm hạn chế chiều cao cây, trong một số trường hợp cần cắt ngắn cành trục chính (cành cấp 1, cấp 2) để hướng chiều cao cây đạt từ 3 – 3,5 m. Cắt ngắn đầu cành mang quả (cấp 3, cấp 4) nhằm hướng việc mang quả gần thân chính nhằm tạo điều kiện để quả phát triển tốt. Cắt tỉa cành sâu bệnh, cành chết, cành mang quả vụ trước.
+ Từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm. Cắt bỏ những cành chất lượng kém, cành sâu bệnh, cành mọc lộn xộn trong tán sau lần cắt 1, tỉa bỏ những chùm hoa nhỏ, dày, hoa dị hình và tỉa thưa khoảng 30% số chùm nụ trên cây.
+ Từ tháng 4 đến hết tháng 6. Cắt bỏ những cành hè mọc dày hoặc yếu, cành sâu bệnh, cành vượt, tỉa bỏ những quả nhỏ, dị hình, tỉa thưa những chùm quả dày.
- Tưới nước, giữ ẩm: Luôn được duy trì độ ẩm vùng rễ từ 60% độ ẩm đồng ruộng trở lên.
- Cách bao trái bưởi
+ Sau khi trái bưởi được khoảng 20 ngày tuổi (lúc này cây bưởi đã qua thời kỳ rụng trái sinh lý), tiến hành tỉa thưa quả trên mỗi chùm bưởi, chỉ để khoảng       2 3 trái trên chùm và phun phòng thuốc trừ bệnh, nhóm nhện, bọ xít trước khi bao trái 2 3 ngày. Dùng túi bao trái bưởi chuyên dùng cho bưởi;
+ Tháo bao trái trước khi thu hoạch khoảng 10 15 ngày để trái bưởi hấp thu ánh sáng tự nhiên đảm bảo màu sắc và hương vị đặc trưng của giống.
3. Phòng trừ sâu bệnh hại
- Một số sâu bệnh hại chính trên bưởi như: Sâu vẽ bùa, sâu bướm phượng, sâu đục thân, đục cành, ruồi đục quả, nhện đỏ, rệp sáp, bệnh xì mủ, đốm đen…
- Biện pháp phòng trừ: Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM:
+ Thường xuyên vệ sinh vườn bưởi, tỉa cành thông thoáng để hạn chế sâu bệnh gây hại;
+ Đào rãnh thoát nước vào mùa mưa;
+ Quét vôi vào gốc cây (độ cao 1 m tính từ mặt đất) đầu mùa mưa để phòng bệnh xì mủ;
+ Sử dụng bao trái để hạn chế ruồi đục trái gây hại;
+ Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện các đối tượng sâu bệnh hại và có biện pháp phòng trừ thích hợp và kịp thời;
+ Sử dụng thuốc BVTV có trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam./.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Cường, Trung tâm Khuyến nông Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập7
  • Hôm nay726
  • Tháng hiện tại40,587
  • Tổng lượt truy cập2,103,132
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây