Bình Định không chỉ được nhiều người biết đến bởi vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi phát tích của phong trào nông dân Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII, gắn liền với tên tuổi và công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Quang Trung-Nguyễn Huệ và những nam tướng oai phong một thời mà hình ảnh người phụ nữ cũng được biết đến và ngợi ca xuyên suốt chiều dài lịch sử. Không biết từ bao giờ đã có câu ca “Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định cầm roi đi quyền” và hình ảnh oai phong, lẫm liệt của Nữ tướng Bùi Thị Xuân cưỡi voi xung trận, nữ Đô đốc chính là một trong số những nữ anh hùng kiệt xuất nhất, với những chiến công hiển hách được lưu truyền trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Điều đó cho thấy, phụ nữ Bình Định gắn với truyền thống thượng võ, bản sắc văn hóa mang tính đặc trưng, nổi bật lên là sự kiên cường trong chiến đấu xây dựng và bảo vệ quê hương, giữ gìn truyền thống yêu nước và cách mạng trong suốt chiều dài lịch sử. Ngày nay, phụ nữ Bình Định phát huy truyền thống và luôn vươn lên với khát vọng phát triển, xây dựng người phụ nữ Bình Định đáp ứng yêu cầu thời đại mới. Bằng chứng, có rất nhiều tấm gương phụ nữ cần cù lao động, chịu thương chịu khó, giỏi việc nước đảm việc nhà; đặc biệt, có nhiều phụ nữ hơn trong các vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp, ngành, từ các địa phương đến cấp tỉnh.
Nét đẹp phụ nữ Bình Định còn được biểu hiện qua những giá trị văn hóa đã được bảo tồn và phát huy, tiêu biểu là qua nhiều ngành nghề tiểu thủ công truyền thống, làng nghề truyền thống đã cho ra đời với hàng trăm sản phẩm thương hiệu, thể hiện bàn tay khéo léo, đổi mới sáng tạo của phụ nữ. Hình ảnh chiếc Nón ngựa Gò Găng được tạo nên bởi bàn tay khéo léo, sự cần cù tỉ mẩn của người phụ nữ, là biểu tượng đẹp đẽ, hài hòa, duyên dáng khi người phụ nữ đội lên đầu.
Câu ca dao “Con Gái Phú Phong ngồi trong dệt lụa. Con gái Cây Dừa cấy lúa quanh năm” đã đi vào tiềm thức người dân vùng Kiên Mỹ (nay khối 1A, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Phú Phong xưa thuộc huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn) là mảnh đất có sản phẩm lụa nức tiếng trong vùng. Nhà máy dệt Đờ - li - nhông được xây dựng vào năm 1902 tại huyện Bình Khê. Đây là nhà máy dệt có quy mô lớn thứ hai của Việt Nam dưới thời thuộc Pháp (sau nhà máy dệt Nam Định). Nhà máy có hơn 2000 công nhân nữ và cuộc đấu tranh của 500 chị em công nhân của nhà máy đưa yêu sách đòi chủ nhà máy không được cúp phạt, đòi tăng lương 20%, ngày làm việc 10 giờ giành thắng lợi nổi tiếng một thời. Điều đó chứng tỏ, chị em phụ nữ từ xưa vừa khéo léo trong công việc vừa kiên cường đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình. Nét đẹp đó vẫn còn lưu truyền và phát huy trong thời đại mới với hình ảnh những nữ công nhân hăng say lao động trong các nhà máy, xí nghiệp; hình ảnh những người phụ nữ với vai trò chủ doanh nghiệp, quản lý các cơ quan, đơn vị, điều hành đưa tập thể đi lên đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình.
Hát Tuồng Bình Định, loại hình nghệ thuật kịch cổ truyền độc đáo ở Việt Nam. Bình Định được mệnh danh là “chiếc nôi” của nghệ thuật tuồng. Tại đây nghệ thuật tuồng đã phát triển rực rỡ gắn liền với tên tuổi các nhà soạn tuồng xuất sắc nhất Việt Nam, đặc biệt là danh nhân văn hoá Đào Tấn - cây đại thụ của tuồng. Nghệ thuật tuồng Bình Định mang đặc trưng khác biệt mang chất võ của địa phương, người đời tôn vinh con gái miền đất võ, tài hoa. Hình tượng người phụ nữ Bình Định nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung được thể hiện đậm nét trong các vở tuồng: Sơn Hậu, Đào Tam Xuân loạn trào, Tam Nữ đồ vương, Đào Phi Phụng, Xuân Đào cắt thịt, Nghêu Sò Ốc Hến…
Trong những năm kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng hình ảnh người phụ nữ Bình Định được kết tinh, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, tình đoàn kết hữu ái, trung thành với lý tưởng cách mạng, vượt qua mọi thử thách, lập nhiều chiến công. Quên sao được những người mẹ, người chị ngày đêm tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu bất chấp hy sinh, vượt qua biết bao hiểm nguy mưa bom bão đạn, che giấu bảo vệ cán bộ, bộ đội, đưa đường, tải đạn, tải thương, nhận nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh, chăm sóc làm lành lặn từng vết thương cho cán bộ, bộ đội nhanh chóng trở lại chiến trường. Sau ngày đất nước và quê hương được hoàn toàn giải phóng, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới của Đảng, phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất trong kháng chiến, xuất hiện nhiều nữ doanh nhân, lãnh đạo là nữ từng giữ những trọng trách, cương vị quan trọng, góp phần tô thắm truyền thống quê hương Bình Định anh hùng, đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “ Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà tốt dẹp, rực rỡ” …
Trên đây là vài nét tiêu biểu của phụ nữ Bình Định xư và nay, nét đẹp Phụ nữ Bình Định còn nhiều điều chưa kể hết./.