Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2021): ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH LUÔN SẮT SON NIỀM TIN VỚI ĐẢNG
Thứ hai - 22/03/2021 08:24
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, thế hệ trẻ nước ta luôn nêu cao tinh thần hăng hái, sẵn sàng xung phong đến những nơi Tổ quốc cần, dù đó là biên cương hay hải đảo, dù công việc đó là mới mẻ hay khó khăn.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất (tháng 10/1930) đã đặt nền móng cho sự ra đời của Đoàn Thanh niên cộng sản (TNCS). Hội nghị đã thông qua “Án nghị quyết về tình hình Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng”. Đặc biệt là thông qua “Án nghị quyết về Cộng sản thanh niên vận động”. Trong Án nghị quyết có ghi: “Đảng phải thi hành ngay Án nghị quyết của Quốc tế cộng sản Đoàn và giúp cho Đoàn có tính độc lập…”, “Đảng Cộng sản phải cần kíp công tác trong quần chúng thanh niên, phải lãnh đạo quần chúng thanh niên… Muốn vậy, chỉ có thể tổ chức ra một đoàn thể của thanh niên mới được”, “Trung ương, các xứ ủy, các tỉnh, thành, đặc ủy phải phái ra một số đồng chí trẻ tuổi phụ trách tổ chức ra Thanh niên cộng sản Đoàn và giúp cho Đoàn có tánh chất độc lập”. Như vậy, “Án nghị quyết về Cộng sản thanh niên vận động” là văn kiện nền tảng về lý luận vận động thanh niên đầu tiên của Đảng, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của phong trào yêu nước trong thanh niên đang phát triển và thật sự tạo nên những chuyển biến quan trọng trong sự nghiệp xây dựng tổ chức Đoàn. Thực hiện Án nghị quyết tháng 10/1930 về công tác thanh niên của Trung ương Đảng, các cơ sở Đoàn được xây dựng trên hầu hết các địa phương cả nước, nhưng hệ thống tổ chức của Đoàn vẫn chưa được thống nhất và Đoàn chưa có sinh hoạt riêng. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ hai diễn ra tại Sài Gòn từ ngày 20 đến ngày 26/3/1931 do Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì đã dành nhiều thời gian bàn về công tác xây dựng Đảng và xây dựng Đoàn. Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ cần kíp mà Đảng phải làm, trong đó có việc phải nhanh chóng thành lập tổ chức Đoàn: “Cần kíp tổ chức ra Cộng sản thanh niên Đoàn, Đảng cần kíp đánh tan cái thái độ hờ hững lãnh đạm với vấn đề đó. Lập tức các Đảng bộ địa phương phải mau mau tổ chức những ủy viên tổ chức ra Đoàn, đốc xuất cho chi bộ tổ chức; tổ chức cơ quan báo chương về việc vận động của Đoàn và phải chỉ đạo cho các chi bộ mới thành lập của Đoàn bắt đầu hoạt động trong quần chúng thanh niên... Trong một thời gian ngắn ngủi tới đây, Đảng bộ các địa phương phải gây ra cơ sở của Đoàn...”. Sau khi có Nghị quyết của Đảng và Chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, các chi bộ đảng ở địa phương đã cử ngay các cấp ủy viên của Đảng phụ trách công tác Đoàn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thanh niên ngày càng lớn mạnh, đã xuất hiện nhiều tổ chức Đoàn cơ sở trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; một số địa phương đã hình thành hệ thống tổ chức đoàn xã, huyện lên đến tỉnh. Đến cuối năm 1931, số lượng đoàn viên trong cả nước lên đến khoảng hơn 2.500 đoàn viên. Qua cao trào cách mạng 1930 - 1931, với những đóng góp to lớn của đoàn viên, thanh niên cả nước, Ban Chấp hành Quốc tế thanh niên cộng sản đã công nhận Đoàn TNCS Đông Dương là một bộ phận của Quốc tế thanh niên cộng sản. Sự ra đời của Đoàn TNCS Đông Dương (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của phong trào thanh niên nước ta lúc bấy giờ. Đây là sự vận động khách quan phù hợp với quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam; đồng thời thể hiện quan điểm sáng suốt, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về vị trí, tầm quan trọng của thanh niên và công tác thanh niên. Sự ra đời của Đoàn TNCS ở Việt Nam trở thành một dấu mốc lịch sử trọng đại của thế hệ trẻ Việt Nam, từ đây những người cộng sản trẻ tuổi đã có tổ chức riêng của mình đặt dưới sự lãnh đạo, rèn luyện thường xuyên, trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Đảng; luôn sắt son niềm tin với Đảng, trở thành đội dự bị tin cậy của Đảng, lực lượng đông đảo, đội quân xung kích cách mạng, trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên Việt Nam; luôn phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Theo đề nghị của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, được sự đồng ý của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 3 (tháng 3/1961) đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 (một trong những ngày cuối của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai đã bàn và quyết định những vấn đề quan trọng đối với công tác vận động thanh niên) làm ngày kỷ niệm thành lập Đoàn hàng năm. Trong 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với các tên gọi khác nhau (Đoàn TNCS Đông Dương, Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương, Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh) luôn nêu cao tinh thần yêu nước nồng nàn, gắn bó thiết tha, trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, với chế độ xã hội chủ nghĩa, nhất là ở những bước ngoặt của lịch sử của cách mạng Việt Nam. Phát huy truyền thống vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, hiện nay tuổi trẻ cả nước giữ vững niềm tin sắt son với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, biến những khó khăn, thách thức thành động lực; luôn tiên phong đi đầu, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, xung kích, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)