Hội thảo nâng cao năng lực xây dựng chuỗi liên kết cây lạc tại Bình Định
Thứ hai - 07/12/2020 16:32
Sáng 7/12/2020, Liên hiệp các Hội KH&KT Bình Định tổ chức Hội thảo nâng cao năng lực xây dựng chuỗi liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất lạc của vùng sản xuất lạc thích ứng biến đổi khí hậu (Bình Định, Phú Yên, Quảng Trị) nhằm cải thiện sinh kế cho phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số. Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT, Trưởng Ban điều hành dự án và bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, trưởng nhóm chuyên gia dự án chủ trì Hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của đại diện Sở KH&CN, Chi cục phát triển nông thôn, Viện KH Nông nghiệp Duyên hải Nam trung bộ, Hội LHPN tỉnh, lãnh đạo UBND huyện Tây Sơn, UBND xã Bình Thuận và một số hộ nông dân, chủ cơ sở sản xuất dầu lạc tại xã Bình Thuận (Tây Sơn).
Dự án được thực hiện với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP - GEF/SGP). Qua 1 năm thực hiện tại 3 tỉnh, dự án bước đầu đạt kết quả khả quan, năng suất ruộng lạc trong mô hình tăng cao hơn so với ngoài mô hình, mang lại sự phấn khởi cho người dân tham gia dự án. Cụ thể: có 250 người (50% là nữ) được nâng cao năng lực về xây dựng, phát triển chuỗi liên kết sản xuất lạc gắn với tiêu thụ, chế biến và xây dựng thương hiệu hàng hóa; có 900 lượt nông dân được tập huấn; xây dựng được 3 mô hình liên kết chuỗi sản xuất lạc đạt chuẩn VietGap với diện tích 30ha; có 3 DN/HTX tham gia liên kết chuỗi sản xuất lạc...
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe báo cáo kết quả thực hiện các hoạt động của dự án; giới thiệu các chính sách về liên kết chuỗi nông sản, các bước xây dựng và chứng nhận sản phẩm OCOP địa phương; việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm cho DN, chính sách về khuyến khích phát triển và kết nối thị trường. Các đại biểu cũng đã đánh giá cao hiệu quả của dự án trong thời gian thực hiện thí điểm, thảo luận nhiều nội dung nhằm giải quyết những khó khăn để người dân nhận thức rõ hơn về việc sản xuất theo quy trình VietGap và lợi ích của việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm; chính quyền huyện Tây Sơn cũng cam kết sẽ đồng hành với người dân, cùng sự hỗ trợ của Ban điều hành và nhóm chuyên gia sẽ thực hiện tốt giai đoạn tiếp theo của dự án; khi dự án kết thúc chính quyền cũng sẽ hỗ trợ người dân tiếp tục thực hiện kỹ thuật sản xuất của dự án đồng thời nhân rộng diện tích ra các xã khác và chia sẻ kinh nghiệm cho các địa phương có điều kiện tương tự.
Ngoài ra, Hội thảo còn chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chế biến, kinh doanh và kết nối thị trường nông sản cây lạc và các sản phẩm từ lạc. Nhiều ý kiến đánh giá cao hiệu quả bước đầu của dự án được thực hiện tại địa phương có kinh nghiệm 10 năm xây dựng mô hình sản xuất lạc theo dự án, cây lạc lại là thế mạnh trong sản xuất trồng trọt của địa phương. Vì vậy, việc đề ra những chính sách nhằm duy trì và phát triển loại cây trồng này là một vấn đề cần được chính quyền địa phương quan tâm, đầu tư và thúc đẩy.