Công bố quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ hai - 25/12/2023 08:07
Sáng 23/12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh Bình Định long trọng tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Quang cảnh Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Định
Quang cảnh Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Định
Dự Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Định có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo một số tỉnh thành Gia Lai, Khánh Hòa, Phú Yên, Đà nẵng, Quảng Ngãi…, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh
Về phía tỉnh Bình Định, có các đồng chí: Đồng chí Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định; Đồng chí Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định; các đồng chí nguyên là Lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực Hội đồng nhân dân; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân; Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;  Lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lãnh đạo các Sở, ban, ngành, hội đoàn thể trong tỉnh; Lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định, Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, nhằm công bố rộng rãi các nội dung của Quy hoạch tỉnh, đồng thời tiếp tục mở rộng tầm nhìn và khát vọng, mong muốn đưa Bình Định đến gần với nhà đầu tư để chia sẻ, hợp tác và cùng nhau biến các tiềm năng, thế mạnh, mục tiêu, ý tưởng thành hiện thực, giúp Bình Định phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. 
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, bao gồm những nội dung chính sau:
Về mục tiêu quy hoạch:
Đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đô thị hóa. Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thuộc nhóm cao của cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, hệ thống đô thị phát triển theo hướng đô thị thông minh, kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế của vùng, cả nước và quốc tế. Tập trung phát triển đô thị Quy Nhơn hiện đại về không gian, kiến trúc, khai thác tiềm năng, lợi thế đặc biệt về cảnh quan và khí hậu khu vực ven đầm Thị Nại; quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội; phát triển Khu Đô thị Khoa học mang tầm cỡ quốc gia. Kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo vệ hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên; thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát huy tốt bản sắc, các nét đẹp văn hoá các dân tộc; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Bình Định trở thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây. Kinh tế phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: khoa học và công nghệ; công nghiệp chế biến chế tạo; công nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI); du lịch chất lượng cao; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và hệ thống logistics gắn liền cảng biển, cảng hàng không. Tỉnh có hệ thống đô thị thông minh, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các hoạt động kinh tế - xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh và các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế về một số sản phẩm mà tỉnh có lợi thế. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, gìn giữ, phát huy hiệu quả, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quốc phòng, an ninh, bao gồm an ninh trên biển và trật tự xã hội trên địa bàn được đảm bảo vững chắc.
Các trụ cột phát triển và các đột phá phát triển của tỉnh
Các trụ cột phát triển: tập trung 05 trụ cột:
Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo giá trị cao. Chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất thép, điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến sâu nông, lâm, thuỷ sản, sản xuất dược phẩm, linh kiện điện tử, bán dẫn, công nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo…, tạo nền tảng và góp phần quyết định thúc đẩy tăng trưởng và phát triển cho tỉnh.
Phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Xây dựng Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực với những nét đặc trưng riêng: du lịch biển, du lịch văn hóa đặc sắc và các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh như du lịch khám phá khoa học, du lịch gắn với võ cổ truyền, bài chòi dân gian Bình Định, ẩm thực... Tập trung phát triển, quảng bá thương hiệu du lịch, lấy điểm nhấn là “Quy Nhơn - điểm đến hàng đầu của châu Á”; hình thành, phát triển các tuyến du lịch mới trong tỉnh.
Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, chuyển từ số lượng sang chất lượng. Chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ để hiện đại hoá và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, đẩy mạnh chăn nuôi công nghệ cao, thực hành khai thác, nuôi trồng thuỷ sản và trồng rừng bền vững; nâng cấp chuỗi giá trị nông nghiệp thông qua thu hút các nhà đầu tư lớn vào các khâu trong chuỗi giá trị từ nuôi trồng, sản xuất đến chế biến, phân phối.
Phát triển mạnh mẽ dịch vụ cảng biển - logistics, nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển của tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, thúc đẩy dịch vụ cảng biển - logistics trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại của tỉnh. Tăng cường kết nối, mở rộng hoạt động logistics gắn với quá trình đô thị hoá, đồng bộ hoá kết nối giao thông và phát triển kinh tế. Đầu tư và khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt đô thị kết nối Quy Nhơn - Nhơn Hội - Phù Cát và vùng phụ cận. Tập trung khai thác hiệu quả cụm cảng Quy Nhơn gắn với phát triển hệ thống cảng cạn và hiện đại hóa dịch vụ cảng, tối đa hóa công suất hiện có; nghiên cứu xác định địa điểm và kêu gọi đầu tư xây dựng cảng mới có công suất lớn và đa năng; khai thác tốt vận tải hàng không; xúc tiến việc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp sản xuất gia công hàng điện tử, bán dẫn gần sân bay nhằm tận dụng lợi thế vận tải hàng không của sân bay Phù Cát. Nâng cấp sân bay Phù Cát trở thành sân bay quốc tế phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Xây dựng đô thị sân bay gắn với khu công nghiệp Hòa Hội để phát triển công nghiệp điện tử, bán dẫn. Phát triển công nghiệp, đô thị, logistics dọc các tuyến cao tốc Bắc - Nam và cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Phát triển đô thị nhanh và bền vững, đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Xây dựng đô thị thông minh, phát triển đô thị gắn với hình thành, phát triển đô thị khoa học, thung lũng sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo (AI), các trường đại học. Phát triển, mở rộng thành phố Quy Nhơn về phía Đông Bắc, lấy đầm Thị Nại là trung tâm; xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu Kinh tế Nhơn Hội trên cơ sở chuyển đổi đất công nghiệp sang đất đô thị, dịch vụ. Tiếp tục phát triển khu đô thị mới Nhơn Hội và các đô thị trên địa bàn theo quy hoạch; xây dựng chuỗi đô thị biển gắn với tuyến đường ven biển đoạn Cát Tiến - Đề Gi - Mỹ Thành - Lại Giang; phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư gắn với phát triển các khu công nghiệp; việc nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông đường bộ (bao gồm cả đường bộ cao tốc), đường sắt (bao gồm cả đường sắt đô thị) và nâng cấp sân bay Phù Cát gắn liền với việc hình thành các khu đô thị dịch vụ.
Các đột phá phát triển: tập trung 03 đột phá quan trọng:
Xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc tỉnh nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh; hình thành các tuyến giao thông quan trọng kết nối liên tỉnh, liên vùng; kết nối với cảng hàng không Phù Cát, cảng Quy Nhơn. Đồng thời, chú trọng nâng cấp, phát triển mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thông tin, hạ tầng đô thị, công nghiệp, nhất là các đô thị trung tâm và khu kinh tế động lực của tỉnh.
Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tái cơ cấu nền kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương. Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, thực hiện hiệu quả, toàn diện các mục tiêu chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; nâng cao chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao; thực hiện chính sách thu hút lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh. Thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch thu hút, đào tạo, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường hợp tác với các trường Đại học hàng đầu trong việc đào tạo các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), trí tuệ nhân tạo (AI).
Tầm nhìn đến năm 2050
Đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Bình Định trở thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây. Kinh tế phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: khoa học và công nghệ; công nghiệp chế biến chế tạo; công nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI); du lịch chất lượng cao; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và hệ thống logistics gắn liền cảng biển, cảng hàng không. Tỉnh có hệ thống đô thị thông minh, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các hoạt động kinh tế - xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh và các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế về một số sản phẩm mà tỉnh có lợi thế. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, gìn giữ, phát huy hiệu quả, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quốc phòng, an ninh, bao gồm an ninh trên biển và trật tự xã hội trên địa bàn được đảm bảo vững chắc.
Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, gồm:
Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng: công nghiệp và xây dựng, dịch vụ, nông lâm nghiệp và thủy sản.
Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực khác: Giáo dục và đào tạo, Y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, An sinh xã hội, Văn hóa và thể thao, Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội, Gồm: Phương án tổ chức liên kết không gian các hoạt động kinh tế - xã hội;  Phương án sắp xếp không gian phát triển cho các hoạt động kinh tế - xã hội; Phương án phát triển những khu vực có vai trò động lực; Phương án phát triển những khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Theo đó Cấu trúc không gian đô thị phát triển theo mô hình: 02 vùng - 03 cực phát triển - 03 hành lang kinh tế.
Phân vùng kinh tế - xã hội thành 02 vùng:
Vùng Bắc gồm 04 đơn vị hành chính phía Bắc: Đô thị Hoài Nhơn và các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão; là vùng phát triển bảo tồn rừng tự nhiên, phát triển du lịch sinh thái; chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản công nghệ cao; các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen/amoniac xanh …); sản xuất thiết bị phụ trợ, chế biến gang thép, đóng tàu, cảng biển - logistics.
Vùng Nam gồm 07 đơn vị hành chính phía Nam: Thành phố Quy Nhơn, đô thị An Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn và các huyện Vân Canh, Phù Cát, Vĩnh Thạnh; là vùng động lực chính của tỉnh, phát triển đa ngành: công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử bán dẫn, nông nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, cảng biển - logistics, đô thị thông minh, các dự án năng lượng tái tạo.
03 cực phát triển:
Thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận là động lực chính, hạt nhân phát triển phía Đông Nam tỉnh Bình Định.
Thị xã Hoài Nhơn là cửa ngõ phía Bắc, đồng thời là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển phía Bắc tỉnh Bình Định.
Huyện Tây Sơn (Đô thị Tây Sơn dự kiến) là cực phía Tây và là hạt nhân thúc đẩy phát triển phía Tây tỉnh Bình Định.
03 hành lang kinh tế:
Hành lang kinh tế Bắc Nam: phát triển dọc theo Quốc lộ 1, kết nối các đô thị và khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bình Định với các khu, cụm công nghiệp dọc duyên hải Trung Bộ, phát triển công nghiệp, đô thị và thúc đẩy giao thương Bắc Nam.
Hành lang kinh tế biển: dọc tuyến đường bộ ven biển (ĐT.639), kết nối các không gian kinh tế ven biển, phát triển đô thị du lịch dịch vụ biển, công nghiệp gang thép, công nghiệp phụ trợ, đóng tàu, cảng biển, nuôi trồng thủy hải sản ứng dụng công nghệ cao và năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen/amoniac xanh …); trong đó xem xét khả năng mở rộng các cảng biển có điều kiện thuận lợi và tiềm năng thành tổ hợp cảng tổng hợp và sản xuất, xuất khẩu năng lượng mới.
Hành lang kinh tế Đông Tây: phát triển dọc theo các tuyến giao thông Đông Tây của Quốc lộ 19, thúc đẩy giao thương với vùng kinh tế thuộc các tỉnh Tây Nguyên là đầu mối xuất khẩu nông, lâm, thổ sản; nhập khẩu vật tư, máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên liệu đầu vào của một số ngành sản xuất vùng Tây Nguyên.
Phương án phát triển hệ thống đô thị, nông thôn, Gồm: Phương án phát triển hệ thống đô thị; Phương án quy hoạch hệ thống nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thời kỳ 2023 – 2030.
Phương án quy hoạch các khu chức năng, Gồm: Khu Kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, Gồm: Phương án phát triển mạng lưới giao thông; Phương án phát triển mạng lưới cấp điện; Phương án phát triển mạng lưới thông tin và truyền thông; Phương án phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải; Phương án phát triển các khu xử lý chất thải; Phương án phát triển hạ tầng phòng cháy, chữa cháy.
Phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, Gồm: Phương án phát triển mạng lưới y tế và chăm sóc sức khỏe, Phương án phát triển hạ tầng an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, Phương án phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, Phương án phát triển hạ tầng khoa học và công nghệ, Phương án phát triển hạ tầng văn hóa và thể thao, Phương án phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ,
Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai, Gồm: Chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất đến năm 2030, Chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030 theo khu chức năng, Phương án chuyển mục đích sử dụng đất đến năm 2030, Phương án đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng đến năm 2030.
Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện, Gồm Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện và Quy hoạch xây dựng các vùng huyện
Phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên; phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các Danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện.
Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Về huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên thiên nhiên; Tăng trưởng xanh và bền vững; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; ứng dụng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số; cơ chế, chính sách liên kết phát triển; cơ chế, chính sách liên kết phát triển; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch. 
anh ln2
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chụp ảnh lưu niệm cùng các đồng chí Lãnh đạo tỉnh, nguyên Lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.

 

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập17
  • Hôm nay2,376
  • Tháng hiện tại88,275
  • Tổng lượt truy cập2,150,820
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây