Một số giải pháp kỹ thuật sản xuất rau ăn lá trong mùa mưa
Thứ ba - 23/11/2021 15:20
Rau ăn lá là tập hợp các giống cây trồng ngắn ngày và sản phẩm chính của chúng là lá. Có thể kể ra một số loại rau được trồng phổ biến ở Bình Định hiện nay như: xà lách, các loại rau cải, mồng tơi, ngò rí, cải bó xôi…thời gian sinh trưởng các giống rau này từ 20 - 35 ngày sau trồng. Tuy nhiên vào mùa mưa phần lớn nông dân không sản xuất được vì thời tiết do đó nguồn cung trên thị trường hạn chế dẫn đến giá thành cao. Nhằm giúp nông dân nắm được một số kỹ thuật, bài viết hướng dẫn một số giải pháp kỹ thuật sản xuất rau ăn lá trong mùa mưa như sau:
1. Chọn đất và kỹ thuật làm đất
- Chọn loại đất trồng có thành phần cơ giới nhẹ (đất cát pha, đất thịt nhẹ...), tơi xốp, thoát nước tốt và không ngập úng trong mùa mưa.
- Vệ sinh đồng ruộng dọn sạch các tàn dư thực vật của vụ trước, rải vôi, tưới nước trước khi cày xới để diệt một số nấm hại trên mặt đất.
- Cày xới độ sâu 25 – 30 cm, xới kỹ; lên luống rộng 1 - 1,2 m, cao từ 10 – 15 cm, rãnh rộng 20 cm.
* Lưu ý khi trồng vào thời vụ có mưa cần làm luống cao hơn, kiểu mui rùa.
2. Kỹ thuật gieo trồng
2.1. Tiêu chuẩn cây con khi trồng:
- Gieo hạt trực tiếp trên luống đất hoặc gieo hạt trên khay (nhằm rút ngắn thời gian giai đoạn cây con trên đồng ruộng)
- Tiêu chuẩn cây giống khi trồng: Sau gieo 15 – 18 ngày, cao 8 – 10 cm, đường kính cây 1,5 – 2,0 mm, có 4 – 6 lá thật; cây khoẻ mạnh, không dị hình, ngọn phát triển tốt, không có biểu hiện nhiễm sâu bệnh.
2.2. Kỹ thuật trồng
Mật độ trồng: Từ 13.800 – 16.600 cây/sào (500m2); với khoảng cách trồng: cây x cây 15 – 18 cm, hàng x hàng 20 cm.
- Sau khi trồng cần tưới đủ ẩm để cây con nhanh chóng phục hồi.
3. Bón phân
3.1. Lượng phân bón cho 1 sào (500 m2)
- Vôi: 15 - 20 kg;
- Phân chuồng hoai mục: 400 – 500 kg hoặc phân hữu cơ vi sinh: 40 – 50 kg;
- Phân NPK 16-16-8 +13S: 15 - 20 kg.
3.2. Cách bón
* Bón lót
- Bón lót 100% vôi trước khi trồng từ 10 – 15 ngày.
- Khi đất đã được cày bừa kỹ (lần cuối): Bón 100% (400 – 500 kg) phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh (40 – 50 kg) + 50% kg phân NPK 16-16-8 +13S sau đó tiến hành lên luống, trồng cây.
* Bón thúc
- Lần 1: Khi cây bén rễ (7 – 10 ngày sau trồng): Bón 50% kg NPK 16-16-8 còn lại.
Ghi chú: Có thể sử dụng các loại phân bón lá, phun theo nồng độ khuyến cáo trên bao bì sản phẩm và đảm bảo thời gian cách ly.
4. Chăm sóc
- Tưới nước: Sử dụng nguồn nước không bị ô nhiễm, nước giếng khoan, nước suối đầu nguồn, không sử dụng nước thải, nước ao tù, ứ đọng lâu ngày.
- Làm sạch cỏ trên luống, rãnh và xung quanh vườn sản xuất, làm cỏ trước khi bón phân kết hợp xăm xới tạo đất thoáng khí.
- Cách làm nhà vòm che mưa cho rau ăn lá.
+ Dùng thanh sắt ống phi 21: dài 6m; tạo hình vòng cung trên luống rau, chiều cao 1,9 m.
+ Khoảng cách đặt 2 thanh trên luống: 1,5 - 2 m.
+ Dùng bạc nilong phủ lên, cách mặt đất 0,5 m.
5. Phòng trừ sâu bệnh hại
- Các đối tượng sâu bệnh hại chính trên rau ăn lá như: Bọ nhảy, Sâu ăn lá, Ruồi đục lá, Sâu tơ,…Bệnh thối nhũn, bệnh thối hạch (Khô vằn).
- Biện pháp phòng trừ: Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM:
+ Thăm đồng thường xuyên, ngắt ổ trứng.
+ Tưới phun mưa để rửa trôi trứng sâu, đồng thời tạo độ ẩm để nấm đối kháng phát triển, ký sinh sâu non.
+ Kiểm tra thăm đồng ít nhất 2 lần/tuần để đánh giá mật độ xâm nhiễm và nguy cơ để đưa ra quyết định phun thuốc.
+ Sử dụng thuốc phòng trừ:
* Sâu hại: Khi mật độ sâu hại cao, sử dụng một trong các loại thuốc như: Neem Nim Xoan Xanh green 0.3EC, Etimex 2.6EC, Tasieu 5WG, Biorepel 10SL, Vimatrine 0.8SL,..., phun theo hướng dẫn trên bao bì và phải đảm bảo thời gian cách ly an toàn.
* Bệnh hại: Khi bệnh chớm xuất hiện, có thể sử dụng một số loại thuốc được phép sử dụng trên rau như: Validacin 5SL, Agrilife 100 SL, Daconil 75 WP… để phòng trừ, và phải đảm bảo thời gian cách ly an toàn.
6. Thu hoạch
Thu hoạch rau đúng độ tuổi, phải sử dụng các vật dụng chứa rau lúc thu hoạch tránh tiếp xúc trực tiếp với đất./.
Tác giả bài viết: KS.Nguyễn Cường - Trung tâm Khuyến nông Bình Định