Liên hiệp Hội tham gia giám sát tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020

Thứ năm - 25/11/2021 10:32
Thực hiện chương trình giám sát năm 2021 của Ban VH-XH HĐND tỉnh, vừa qua đại diện lãnh đạo Liên hiệp Hội tỉnh đã tham gia giám sát chuyên đề tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020.
Liên hiệp Hội tham gia giám sát tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020

Do tình hình dịch bệnh phức tạp trên địa bàn nên công tác giám sát được thực hiện bằng hình thức gián tiếp thông qua các báo cáo của các đơn vị. Đối tượng giám sát là Sở Thông tin và truyền thông, UBND thành phố Qui Nhơn và UBND các huyện An Lão, Phù Mỹ.

Theo báo cáo tổng hợp của Sở Thông tin và truyền thông, trong 3 năm qua Sở đã chủ trì và phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh; tổ chức triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch. Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện các quy định về áp dụng tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ, an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động bưu chính, viễn thông, công tác quản lý nhà nước về tem bưu chính; kiểm tra việc thực hiện các quy định về giá cước, tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng trong lĩnh vực viễn thông và Internet; Phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông tham gia một số công đoạn trong quá trình cấp phép, giải quyết tranh chấp về kết nối và sử dụng chung cơ sở hạ tần;  Hướng dẫn, chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin trong việc kiểm tra hoạt động của đại lý dịch vụ viễn thông, Internet và các hoạt động khác liên quan đến lĩnh vực viễn thông trên địa bàn huyện; Phối hợp Trung tâm tần số vô tuyến điện Khu vực III giải quyết, xử lý can nhiễu; cấp giấy phép và thu hộ phí xin giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện. Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã thành phố hướng dẫn tổ chức triển khai công tác ứng dụng CNTT, chính quyền điện tử trong hoạt động cơ quan nhà nước; hướng dẫn thực hiện các quy định về an toàn thông tin theo thẩm quyền. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh; Quản lý các dịch vụ phát thanh, truyền hình; việc sử dụng thiết bị thu tín hiệu phát thanh truyền hình trực tiếp từ vệ tinh cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về xuất bản, in và phát hành; Phối hợp triển khai các hoạt động về thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở, thông tin điện tử.
Về báo chí, truyền hình: Trên địa bàn tỉnh hiện có 03 cơ quan báo chí gồm: Báo Bình Định, Đài PT&TH Bình Định và tạp chí Văn nghệ Bình Định; có 05 văn phòng đại diện, 06 phóng viên thường trú, 12 cộng tác viên của các cơ quan báo chí Trung ương, báo ngành và các địa phương khác. Ngoài ra, có 19 bản tin thuộc các sở, ban, ngành địa phương được Sở Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động; có 14 Trang thông tin điện tử tổng hợp; 45 trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã chấp hành nghiêm túc định hướng và chỉ đạo thông tin của cơ quan quản lý, bám sát đúng tôn chỉ, mục đích; thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng nhu cầu về thông tin của nhân dân trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về các vấn đề xã hội, đồng thời, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội, thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
 Hiện nay trên địa bàn có các doanh nghiệp trên lĩnh vực thông tin và truyền thông. Về bưu Chính: Toàn tỉnh duy trì ổn định với 183 điểm phục vụ bưu chính, chuyển phát chủ yếu của 2 doanh nghiệp Bưu điện tỉnh và Bưu chính Viettel; có 61 bưu cục (44 bưu cục của Bưu điện tỉnh và 17 bưu cục của Chi nhánh Bưu chính Viettel) và 122 điểm Bưu điện văn hóa xã. Ngoài ra còn có 24 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của 11 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính. Tổng doanh thu trong lĩnh vực bưu chính liên tục tăng qua các năm, riêng năm 2020 doanh thu đạt 261,3 tỷ đồng, nộp ngân sách tỉnh hơn 5,7 tỷ đồng. Về viễn thông: Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 05 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hạ tầng và dịch vụ trong lĩnh vực viễn thông (gồm: Viettel, VNPT-Vinaphone, Vietnamobile, Gtel-Mobile và Mobifone). Doanh thu viễn thông trên địa bàn tỉnh năm 2020 đạt gần 1.419 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 67,3 tỷ đồng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của địa phương.
Kết quả nổi bật 3 năm qua là ngành đã thực hiện tốt một số chỉ tiêu như:  100% các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các dịch vụ bưu chính công ích; 100% các xã trên địa bàn tỉnh có điểm phục vụ bưu chính; Thực hiện tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất đúng lộ trình của Kế hoạch số hóa truyền hình mặt đất trên địa bàn tỉnh; qua đó, có 94,7% hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Định được hỗ trợ bộ đầu thu truyền hình số; 100% các cơ quan nhà nước của tỉnh triển khai hệ thống văn phòng điện tử kết nối liên thông đến 190 đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã; có trên 1.125.700 văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan nhà nước trong tỉnh chiếm tỷ lệ trên 95%; 100% CQNN của tỉnh được sử dụng chứng thư số do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp với 100% cán bộ lãnh đạo và 60% công chức được cấp chữ ký số chuyên dùng; Hạ tầng CNTT tương đối đáp ứng được hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, góp phần triển khai thành công chính quyền điện tử, chính quyền số, đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Bình Định… Hoàn thành nội dung “Giảm nghèo về thông tin” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về Giảm nghèo bền vững trong 3 năm (2018-2020); các hoạt động đã bám sát các tiêu chí của dự án và chú trọng đến đối tượng là người nghèo, hộ nghèo trên phạm vi toàn tỉnh.
 Báo cáo giám sát cũng chỉ ra các khó khăn và hạn chế: Việc xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động chưa đồng bộ với hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị… Do đặc điểm địa hình của tỉnh chủ yếu là đồi núi cao, nên mạng cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh phần lớn vẫn sử dụng cáp treo, tỷ lệ ngầm hóa còn thấp, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dịch vụ và mỹ quan đô thị. Việc xây dựng trạm BTS trong khu dân cư gặp nhiều khó khăn vì sự phản đối của người dân vì cho rằng xây dựng trạm BTS gây ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn. Công tác giải quyết, xử lý một số đơn kiến nghị, phản ánh về việc vi phạm nội dung trên mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Cá nhân thiết lập trang thông tin điện tử thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội có hệ thống ở nước ngoài và sử dụng tên miền quốc tế, nên rất khó phát hiện, gây trở ngại cho công tác tham mưu giải quyết. Tình trạng về nhân lực CNTT cấp huyện hiện nay còn thiếu và yếu, nên việc triển khai công tác lĩnh vực ngành tại địa phương còn hạn chế, đôi lúc còn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông tại địa phương, nhất là các lĩnh vực về viễn thông, công nghệ thông tin...
Đoàn Giám sát đã tổng hợp, đánh giá và có kiến nghị với tỉnh và các cơ quan liên quan để thời gian tới công nghệ thông tin và truyền thông phải đi trước một bước để thúc đẩy các ngành khác và kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Tác giả bài viết: Thanh Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập5
  • Hôm nay92
  • Tháng hiện tại93,793
  • Tổng lượt truy cập2,015,135
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây