Để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh, nhiều nhà giáo đã tận tâm tận lực với nghề. Ngoài những giờ giảng dạy đầy nhiệt tâm, họ còn miệt mài nghiên cứu, sáng tạo những phương pháp dạy học tích cực với hiệu quả ứng dụng cao.
Sự tận tâm, tận lực đó đã được ghi nhận qua 17 giải pháp của hơn 30 tác giả là giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục của các Trường THCS, THPT, Cao đẳng, Đại học, Sở GD&ĐT của tỉnh vừa đoạt giải Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ 12 (2020-2021) – (Hội thi). Đó là những giải pháp nghiên cứu một cách bài bản, khoa học, đầu tư nhiều thời gian và tâm huyết. Bên cạnh những mô hình, thiết bị làm phương tiện giảng dạy một cách trực quan, còn có nhiều phương pháp dạy học tích cực, sáng tạo được đề xuất nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, phát triển năng lực học sinh. Nhiều phương pháp dạy học tích cực, sáng tạo
Đánh dấu cho những nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên. Nhiều năm liền, ThS. Lê Ngọc Vịnh, công tác tại Sở GD&ĐT liên tiếp đoạt giải cao trong Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật cấp tỉnh. Năm nay, tác giả đoạt giải nhất với giải pháp “Nghiên cứu vận dụng phương pháp dạy học theo dự án hướng tích hợp khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) ở trường THCS, tỉnh Bình Định”. Sự kết hợp giữa phương pháp dạy học theo dự án trong các chủ đề tích hợp Khoa học tự nhiên và hướng đến phát triển năng lực cho học sinh, giáo viên đã đáp ứng được mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong giải pháp, tác giả phát triển năng lực “Giải quyết vấn đề và sáng tạo” cho học sinh, một năng lực rất cần thiết trong hoạt động của con người. Tuy đặt ra nhiều thách thức đối với giáo viên và học sinh, nhưng qua triển khai thử nghiệm tại một số mô hình trên địa bàn tỉnh Bình Định (2017-2020) đã giúp cho học sinh phát triển năng lực của bản thân, phát triển được kỹ năng thực hiện dự án theo quy trình nghiên cứu khoa học gồm: phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề và báo cáo kết quả – ThS. Lê Ngọc Vịnh chia sẻ.
Dù ở cương vị giảng dạy hay quản lý, TS. Đỗ Phương Anh – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân, thành phố Quy Nhơn vẫn hết lòng đam mê nghiên cứu khoa học, là tác giả của nhiều giải pháp sáng tạo mang tính ứng dụng cao trong thực tiễn giảng dạy và đời sống. Mới đây, TS. Đỗ Phương Anh cùng vợ là cô giáo Nguyễn Thị Ánh Tuyết, công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Bình Định nghiên cứu thành công 02 giải pháp: “Nghiên cứu, chế tạo mực dẫn điện ứng dụng trong thiết kế mạch điện tử” và “Tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và định hướng dạy học Steam ở Trường THPT Trần Cao Vân” lần lượt đoạt giải nhất và khuyến khích tại Hội thi lần thứ 12. Các giải pháp này đã được ứng dụng hiệu quả trong hoạt động dạy và học của Trường mà tác giả công tác.
Từ thực tế đảm trách công tác tư vấn hướng nghiệp của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, ThS. Nguyễn Quốc Vỹ đã thực hiện giải pháp “Cẩm nang học nghề” giải quyết được những bất cập trong công tác tuyển sinh-hướng nghiệp hiện nay. Với giải pháp này, những ai quan tâm học nghề sẽ thu thập thông tin nhanh chóng dù ở bất cứ nơi đâu (chỉ cần có internet). Ngoài ra, còn nhận được sự tương tác, giải đáp thắc mắc từ nhà trường thông qua hỏi đáp trực tuyến của các kênh youtube, facebook, website. Tác giả cho biết, đã đầu tư chi phí mua tên miền, tự thiết kế website, thu thập tài liệu..mất thời gian gần 1 năm mới hoàn thành giải pháp. Hiện nay, bộ cẩm nang đã có khoảng hơn 100 video clip và bài viết với nội dung hướng nghiệp và một số kỹ năng mềm cần thiết cho học sinh sinh viên. Nhà trường sử dụng Cẩm nang để tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh từ giữa năm 2020 đến nay và chia sẻ công khai thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh và phụ huynh trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.
Nhận xét về giải pháp này, ThS. Phạm Văn Tường – Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Đây là một giải pháp không chỉ giúp nhà trường đưa thông tin trực tuyến tới học sinh mà còn giúp nhà trường làm tốt công tác tuyển sinh trong 02 năm chịu tác động của dịch Covid-19. Cụ thể: Năm 2020, trường tuyển sinh vượt khoảng 30% chỉ tiêu đề ra. Năm 2021, kết quả tuyển sinh của nhà trường đạt 1.500 học sinh sinh viên đăng ký nhập học”.
Nhận thấy thực tế việc sử dụng thí nghiệm trong dạy học còn nhiều khó khăn, do một số thiết bị thí nghiệm được cung cấp chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học; ThS. Huỳnh Xuân Lâm, giáo viên môn Vật lý Trường THPT số 1 Tuy Phước, Bình Định đã “Cải tiến bộ thí nghiệm và thiết kế tiến trình dạy học bài “Cân bằng của vật rắn có trục quay cố định – Momen lực” trong chương trình Vật lí phổ thông” để phục vụ việc dạy học tốt hơn. Tác giả đã tạo ra được bộ thí nghiệm thật sự có chất lượng, cho kết quả với độ chính xác cao, tính trực quan rất tốt; độ bền cao, bảo đảm tính mỹ quan, rất thuận tiện khi thao tác thí nghiệm. “Với bộ thí nghiệm được thầy cải tiến giúp tiết học sinh động hơn, em tiếp thu bài nhanh hơn, có thể áp dụng làm bài tập dễ dàng” – Cao Ngọc Qúy, học sinh lớp 12A2 của Trường cho biết.
Cũng với ý tưởng khắc phục nhược điểm của thiết bị thí nghiệm sẵn có, thầy giáo Hà Minh Trọng và Nguyễn Trần Cương, giáo viên Vật Lý Trường THPT Chuyên Lê Qúy Đôn, thành phố Quy Nhơn cũng đã thiết kế và chế tạo mới bộ thí nghiệm rơi – ném ngang đưa vào giảng dạy môn Vật lý 10 nhằm sự hứng thú học tập và phát triển năng lực thực nghiệm của học sinh.
Trên chính lĩnh vực công tác của mình, nhiều sáng kiến tâm huyết của các nhà giáo được đưa vào ứng dụng không chỉ đem lại thành tích cho bản thân, làm lợi cho cơ quan, đơn vị, mà trên hết đó là sự tác động tích cực giúp học sinh chủ động, tìm tòi khám phá nội dung của mỗi chủ đề bài giảng. Nỗ lực cống hiến vì sự nghiệp "trồng người"
Với mỗi nghiên cứu được ghi nhận, đó là niềm vui, niềm khích lệ để các nhà giáo nỗ lực hơn nữa vì sự nghiệp trồng người.
“Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, mỗi khi gặp bài toán khó, bản thân tôi vẫn luôn trăn trở phải tìm ra phương pháp mới, khác với những cái đã có sẵn, truyền đạt làm sao khơi dậy ở học sinh niềm yêu thích môn toán, dẫn dắt các em tự tìm tòi, sáng tạo, niềm thích thú khi tìm ra lời giải” – Đó là lời tâm sự của Nhà giáo ưu tú Huỳnh Duy Thủy – giáo viên môn Toán, Trường THPT Chuyên Chu Văn An, Hoài Nhơn. Thầy cũng có nhiều đề tài tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật đạt giải cao. Vừa qua, giải pháp “Mổ xẻ, phản biện, chắt lọc ý tưởng mới tiềm ẩn trong bài toán dãy số; bài toán phương trình hàm” của thầy đoạt giải ba tại Hội thi lần thứ 12.
Còn với TS Đỗ Phương Anh, đam mê gắn liền với trách nhiệm. Vừa ở cương vị nhà quản lý, vừa là nhà giáo, thầy vẫn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, luôn nhen nhóm những ý tưởng sáng tạo và trăn trở làm sao phục vụ thật hiệu quả cho công tác giảng dạy và cho xã hội.
Từ những lý luận chung về các phương pháp dạy học tích cực, những định hướng về phát triển năng lực cho học sinh trong chương trình GDPT 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thực tiễn dạy học ở các trường THCS, ThS. Lê Ngọc Vịnh đã cụ thể thành các đề tài nghiên cứu khoa học và tạo ra các sản phẩm với mong muốn giúp giáo viên khoa học tự nhiên trong tỉnh dễ dàng áp dụng trong dạy học hướng đến dạy phát triển năng lực cho học sinh một cách phù hợp và hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình – Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, Trưởng ban Ban Tổ chức Hội thi, chia sẻ: “Tại Hội thi lần thứ 12, ngành giáo dục đã có số lượng giải pháp tham dự và đoạt giải vượt trội so với những ngành khác. Bên cạnh những tác giả thường xuyên tham gia, còn có sự xuất hiện của nhiều gương mặt mới. Các thầy cô đã mang đến Hội thi những thành quả của quá trình nghiên cứu cần mẫn, nghiêm túc phục vụ đắt lực cho sự nghiệp “trồng người”. Sự cống hiến đó thật đáng trân quý”.
Ngoài việc tiên phong trong đổi mới phương pháp dạy học, có nhiều sáng kiến gắn liền với thực tiễn; dễ dàng nhận thấy ở các nhà giáo là những phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, xứng đáng là những tấm gương điển hình của ngành giáo dục. Họ đã thắp lên ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết, sáng tạo, góp phần trong công cuộc đổi mới chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà.