Để đáp ứng yêu cầu về năng suất và chất lượng thì việc đầu tư cải thiện điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng và thức ăn phải đi cùng với việc chuyển giao những công nghệ mới về chăn nuôi và đặc biệt chú trọng đưa vào sản xuất những giống bò thịt cao sản để nâng cao năng suất và chất lượng thịt bò của ta thông qua chương trình cải tạo giống bò bằng công nghệ truyền giống nhân tạo. Sử dụng tinh bò đực chất lượng cao ngoại nhập (Red Angus, BBB, …) nhằm tạo ra con lai theo hướng sản xuất chuyên thịt tại hầu hết các địa phương trong tỉnh. Được sự hỗ trợ vật tư đầy đủ và kịp thời, năm 2021 toàn tỉnh có tổng số phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo là 107.674 con (đạt 104% kế hoạch năm), trong đó phối giống bò thịt nhóm Zebu và Drought Master là 26.611 con (đạt 100% kế hoạch năm) và bò thịt chất lượng cao (Red Angus, BBB) là 81.063 con (đạt 105% kế hoạch năm 2021). Tổng số bê lai sinh ra trong năm là 102.125 con (đạt 105% kế hoạch năm), trong đó bê lai thịt nhóm Zebu và Drought Master là 32.002 con (đạt 106% kế hoạch năm) và bê lai thịt chất lượng cao là 70.123 con (đạt 104% kế hoạch năm). Tất cả các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch năm 2021. Kết quả công tác lai tạo được thực hiện cho thấy hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội mang lại là rất lớn, chất lượng đàn bò ngày càng được nâng cao, người dân đã thấy rõ giá trị của việc chăn nuôi thâm canh bò thịt chất lượng cao. Vì vậy, có thể khẳng định việc xây dựng và thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ giai đoạn vừa qua là một định hướng và bước đi đúng đắn, góp phần đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung của tỉnh nhà.
Năm 2021, Trung tâm đã hoàn thành 17 mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trên toàn tỉnh với tổng số 170 con bò lai F1 Red Angus và BBB (Tuy Phước 02, An Nhơn 01, Phù Cát 03, Phù Mỹ 01, Hoài Nhơn 02, Tây Sơn 02, Hoài Ân 03, Vân canh 01 và Vĩnh Thạnh 02 mô hình). Mỗi mô hình nuôi 10 con bê khoảng 6 - 7 tháng tuổi với thời gian nuôi là 12 tháng, mô hình bắt đầu từ năm 2020. Trung tâm đã hỗ trợ mỗi mô hình 25 triệu đồng mua 10 con bê và 10 triệu đồng mua 02 tấn cỏ giống Mulato II. Hầu hết ở các mô hình bò sinh trưởng phát triển tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu thời tiết địa phương, không có dịch bệnh xảy ra trong thời gian triển khai mô hình, bò tăng trọng bình quân 770 - 800 g/con/ngày và mang lại lợi nhuận bình quân 150 - 180 triệu đồng/mô hình. Trung tâm đã tạo điều kiện cho nhiều người chăn nuôi ở các địa phương khác nhau tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng mô hình, quảng bá về các giống bò thịt chất lượng cao cũng như kỹ thuật trồng một số giống cỏ mới để người chăn nuôi nắm bắt kịp thời và tích cực tham gia.
Từ kết quả thực hiện lai tạo giống bò năm 2021, hiện trạng trang thiết bị vật tư phối giống và mạng lưới dẫn tinh viên đang hoạt động trên toàn tỉnh, Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định dự kiến sẽ tăng kế hoạch thụ tinh nhân tạo bò năm 2022 lên khoảng 25% so với năm 2021 để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người chăn nuôi. Tiếp tục sử dụng tinh đông lạnh cộng rạ nhóm bò thịt chất lượng cao (Red Angus và BBB) để tạo ra con lai F1 sinh trưởng phát triển tốt, cải thiện số lượng và chất lượng thịt đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh cũng như cả nước. Tuy nhiên, để phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao một cách bền vững, chất lượng ổn định và ngày càng nâng cao, gắn với thương hiệu cần dựa trên cơ sở chất lượng đàn cái nền phải đảm bảo tỷ lệ máu lai và nông hộ chăm sóc nuôi dưỡng theo đúng yêu cầu kỹ thuật, tiếp tục sử dụng tinh nhóm bò nhóm Zebu và Droughtmaster để lai tạo đàn bò cái nền địa phương và bò cái lai. Năm 2022, Trung tâm Giống nông nghiệp sẽ mở một lớp đào tạo mới 20 dẫn tinh viên thụ tinh nhân tạo bò để bổ sung cho các địa phương còn thiếu lực lượng và thay thế cho những dẫn tinh viên nghỉ làm. Về nguồn kinh phí để mua vật tư, đối với Nitơ lỏng được ngân sách của tỉnh, huyện và thành phố đảm bảo 100%, còn dụng cụ phối giống và tinh bò đông lạnh sản xuất trong nước (nhóm bò Zebu) và tinh bò nhập ngoại (Red Angus và BBB) dân đối ứng kinh phí 50%, ngân sách địa phương hỗ trợ 50%, trong đó đối với Thành phố Qui Nhơn ngân sách thành phố tự đảm bảo 100% kinh phí, dối với 3 huyện miền núi (Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão) ngân sách tỉnh đảm bảo 100%, đối với 2 huyện trung du (Tây Sơn và Hoài Ân) ngân sách tỉnh chi 70% còn ngân sách huyện chi 30%, các huyện và thị xã còn lại ngân sách tỉnh chi 50% và ngân sách huyện, thị xã chi 50% kinh phí còn lại.
Thời gian đến, dự báo thị trường tiêu thụ bò thịt và thịt bò ngày càng tăng do nhu cầu của người dân ngày càng được nâng cao, thịt bò cũng trở nên phổ biến trong bữa ăn gia đình của những người có thu nhập trung bình thấp. Vì vậy, dự báo tốc độ tăng trưởng đàn bò và sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng của cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng sẽ tăng mạnh. Để đạt được kết quả ngàycàng cao, Trung tâm sẽ tiếp tục đầu tư và nâng cấp hệ thống thụ tinh nhân tạo bò trong tỉnh, khuyến khích người chăn nuôi nhân rộng mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao ở các địa bàn khác nhằm tạo điều kiện cho nhiều người dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm nhằm đưa chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trở thành con vật nuôi chủ lực trong phát triển chăn nuôi của tỉnh, làm cho thương hiệu bò thịt Bình Định ngày càng lớn mạnh cả về chất lượng thịt và con giống. Việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao với năng suất vượt trội sẽ giúp nông hộ đảm bảo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống ngày một tốt hơn