Có 06 hộ tham gia mô hình khảo nghiệm, gieo sạ vào ngày 10 – 12/5/2022 với lượng giống 5 kg/sào (500 m2) bằng phương pháp sạ lan. Kỹ thuật chăm sóc hai giống lúa này tương đương với các giống lúa khác tại địa phương (theo Quy trình thâm canh lúa cải tiến – SRI đã được Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành)
Trong quá trình triển khai thực hiện khảo nghiệm gặp một số điều kiện bất lợi như: Đầu vụ nắng nóng kéo dài ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng phát triển, giai đoạn lúa trổ gặp mưa, cuối vụ mưa kéo dài ảnh hưởng đến tỷ lệ lép, làm giảm năng suất gây khó khăn trong việc thu hoạch. Đồng thời giá vật tư tăng cao làm giảm lợi nhuận cho người sản xuất, giảm hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên qua quá trình theo dõi hai giống lúa trên vẫn sinh trưởng phát triển tốt, với các kết quả đạt được như sau:
- Giống lúa thuần Hưng Long 555: Thời gian sinh trưởng vụ Thu 2022 từ 95 – 100 ngày; chiều cao cây trung bình đạt 95 – 100 cm; thời gian trổ trung bình 5 – 7 ngày, đẻ nhánh khá, dạng hình gọn, cứng cây, độ thuần đồng ruộng cao, trọng lượng 1.000 hạt 25 gam, năng suất đạt 69,4 – 70,2 tạ/ha. Lợi nhuận đạt 11.328.000 – 11.904.000 đồng/ha cao hơn đối chứng 2.432.000 – 3.008.000 đồng/ha.
- Giống lúa thuần TĐ 25: Thời gian sinh trưởng vụ Thu 2022 từ 95 – 100 ngày; chiều cao cây trung bình đạt 100 – 105 cm; thời gian trổ trung bình 5 – 7 ngày, đẻ nhánh khá, dạng hình gọn, cứng cây, độ thuần đồng ruộng cao, trọng lượng 1.000 hạt 25 gam, ước năng suất đạt 69,0 tạ/ha. Lợi nhuận đạt 11.040.000 đồng/ha cao hơn đối chứng 2.144.000 đồng/ha.
Nhìn chung trong quá trình thực hiện mô hình thời tiết không thuận lợi nhưng giống lúa thuần Hưng Long 555 và TĐ 25 vẫn sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, năng suất đạt cao, phù hợp với sinh thái tại địa phương.
Việc khảo nghiệm thành công giống lúa thuần Hưng Long 555 và TĐ 25 tại Hoài Ân là điều kiện tốt để địa phương tiếp tục nhân rộng giống lúa này ở các vụ tiếp theo trên địa bàn và nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh.