Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Tư vấn phản biện của Liên hiệp Hội Bình Định

Thứ tư - 21/09/2022 05:30
Tư vấn, phản biện (TVPB) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Liên hiệp Hội Bình Định cũng như của các hội thành viên. Với ý thức trách nhiệm, tinh thần khách quan khoa học, hoạt động TVPB của Liên hiệp hội tỉnh phản khách quan ý kiến của đội ngũ trí thức đóng góp vào việc xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật và thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án kinh tế – xã hội quan trọng của địa phương; đóng góp ý kiến các văn kiện của Đại hội các cấp (Đại hội Đảng toàn quốc, Đảng bộ tỉnh, Đảng ủy Khối, Đảng bộ các địa phương trong tỉnh; các chương trình, dự án lớn về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo; chính sách xây dựng đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh... Hoạt động này là kênh quan trọng, đáng tin cậy giúp các cơ quan Đảng và Nhà nước có được những thông tin phản ánh trung thực ý kiến của đội ngũ trí thức nói riêng và dư luận xã hội nói chung.
Hội thảo tư vấn, phản biện “Chính sách, thu hút đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025” được LHH tổ chức tháng 1/2022
Hội thảo tư vấn, phản biện “Chính sách, thu hút đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025” được LHH tổ chức tháng 1/2022
  Bên cạnh các kết quả đạt được, trong thời gian qua, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, thể hiện trên một số vấn đề: Trước hết, đó là cách tiếp cận, nhìn nhận về công tác tư vấn, phản biện nói chung và TVPB của Liên hiệp Hội nói riêng chưa thực sự được coi trọng. Thiếu qui chế phản hồi nên hầu hết các tổ chức, đối tượng nhận được ý kiến tư vấn, phản biện ít phản hồi việc đã tiếp thu hoặc không tiếp thu ý kiến tư vấn, phản biện. Do vậy, việc đánh giá đúng chất lượng và hiệu quả của hoạt động này ở một số chương trình, dự án, đề án… nhiều lúc chưa thực sự rõ ràng, vẫn còn tồn tại quan niệm, suy nghĩ xem phản biện là ý kiến phản bác trái chiều, có tâm lý né tránh. Mặt khác, Liên hiệp Hội chưa tổ chức được nhiều diễn đàn để cung cấp thông tin, tạo thuận lợi để đội ngũ trí thức có thể thường xuyên bày tỏ quan điểm và đóng góp ý kiến vào những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Một số chuyên gia, nhà khoa học còn có tâm lý e ngại, nể nang khi nêu ý kiến trái chiều, do vậy, đôi khi tiếng nói phản biện của Liên hiệp Hội và các hội thành viên còn chưa mạnh mẽ, chưa đủ sức thuyết phục... Một hạn chế nữa là thiếu tính chủ động và hạn chế về nguồn lực tài chính. Các hội thành viên, đặc biệt là các hội chuyên ngành còn lúng túng, không chủ động trong đề xuất nhiệm vụ tư vấn phản biện và gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động TVPB do đó khó có thể tổ chức được hoạt động này có tính chất thường xuyên, hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Định mức, cơ chế bồi dưỡng, thù lao thấp, rất khó để có thể mời được các chuyên gia nhà khoa học đầu ngành, ở Trung ương hoặc ở ngoài tỉnh trực tiếp tham gia công tác TVPB tại tỉnh.
          Sau đây là một số giải pháp nhằm khắc phục các khó khăn, hạn chế, hướng tới phát huy và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động TVPB vốn được xem là một trong những nhiệm vụ chuyên môn hàng đầu của Liên hiệp Hội Bình Định.
1. Cần tăng cường hơn nữa triển khai thực hiện Kết luận số 93-KL/TW ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 13/9/2011 của Tỉnh ủy Bình Định về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trong đó có nhiệm vụ tư vấn phản biện.
2. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện Quyết định số 09/2015/QĐ-UB ngày 05/06/2015 UBND tỉnh về việc quy định hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định. Đề nghị Tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, tăng cường đặt hàng để Liên hiệp Hội Bình Định tham gia tư vấn, phản biện những vấn đề lớn về qui hoạch, chủ trương, định hướng phát triển, nhất là về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức, các chương trình, dự án, đề án kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh.
3. Nâng cao tính chủ động của Liên hiệp hội và đội ngũ trí thức trong việc đề xuất các nhiệm vụ tư vấn, phản biện. Cần xác định nhiệm vụ TVPB trong xây dựng kế hoạch hàng năm và cả nhiệm kỳ, tập  trung vào những vấn đề cơ bản, những vấn đề có tác động đến sự phát triển KTXH của địa phương.
Hàng năm, Liên hiệp Hội và các hội thành viên cần xác định các nhiệm vụ chính về TVPB làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch cụ thể. Muốn vậy, trước hết Liên hiệp Hội phải nắm vững định hướng phát triển kinh tế - xã hội, cũng như làm việc với các cơ quan, tổ chức có liên quan để xác định được các đề án, dự án lớn về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn nhất định. Thực tế những năm vừa qua cho thấy ngay từ đầu năm khi triển khai nhiệm vụ công tác, Liên hiệp Hội đã căn cứ vào chương trình công tác của UBND tỉnh, đồng thời gửi văn bản đến các cơ quan liên quan để khảo sát và nắm bắt nhu cầu tư vấn phản biện để từ đó chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện.
 4. Tăng cường tạo mối liên kết, phối hợp chặt chẽ với UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban ngành, đơn vị địa phương để đẩy mạnh hoạt động TV PB của Liên hiệp Hội tỉnh. Thực hiện tốt vai trò đoàn kết, điều hòa và củng cố các Hội thành viên để tăng cường tiếng nói, ý kiến tham gia từ chuyên gia của các hội khoa học và kỹ thuật chuyên ngành. Đồng thời tích cực công tác truyền thông để thu hút sự quan tâm của dư luận, tuyên truyền về vai trò, vị trí cũng như kết quả đạt được của Liên hiệp hội trong thực hiện TVPB.
5. Rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu ngân hàng chuyên gia theo các lĩnh vực ngành nghề, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm hoạt động, sở trường… và có cơ chế cập nhật thường xuyên nhằm đảm bảo huy động được những chuyên gia giỏi tham gia TVPB; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, các địa phương, xây dựng danh mục nhóm chuyên gia, các nhà khoa học có uy tín, để thuận lợi cho quá trình lựa chọn chuyên gia đối với các nhiệm vụ TVPB cụ thể. Đồng thời củng cố bộ phận làm công tác TVPB của Liên hiệp Hội cũng như các đơn vị thành viên cả về nhân sự và chất lượng chuyên môn để chủ động, nâng cao hiệu quả công tác này.
6. Đa dạng hình thức, phương pháp thực hiện nhiệm vụ TVPB như tổ chức hội thảo, hội nghị, tọa đàm; gửi phiếu khảo sát, lấy ý kiến chuyên gia; Tổ chức khảo sát thực địa, phân tích, đánh giá... để có những kết luận và đề xuất kiến nghị có cơ sở thực tế, khoa học, trung thực và khách quan; Bên cạnh đó cần nâng cao chất lượng và chuẩn bị kỹ báo cáo kết quả phản biện. Mục đích của TVPB là phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa phù hợp để góp ý, khuyến nghị nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách hoặc nâng cao hiệu quả của chương trình, dự án thông qua các luận cứ khoa học và thực tiễn do đó việc tổng hợp ý kiến tư vấn, phản biện để xây dựng thành báo cáo phải thực sự độc lập, khách quan và được đối tượng tư vấn phản biện xem xét, tiếp thu là hết sức cần thiết.
7. Thường xuyên trao đổi và thực hiện chế độ thông tin để nắm bắt các thông tin, chia sẻ, học tập kinh nghiệm tranh và tranh thủ sự ủng hộ của Liên hiệp Hội Việt Nam.Tích cực tham gia các lớp đào tạo các kỹ năng về TVPB do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức./.

Tác giả bài viết: CN. Huỳnh Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập19
  • Hôm nay1,050
  • Tháng hiện tại35,412
  • Tổng lượt truy cập1,878,330
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây