Lịch sử hình thành và phát triển của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - Mái nhà chung của trí thức khoa học và công nghệ

Thứ sáu - 20/03/2020 07:25
Sau hòa bình lập lại, Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện để nhiều hội nghề nghiệp được thành lập, nhất là sau khi Nhà nước ban hành Sắc lệnh số 52 quy định về hội và Sắc lệnh số 102/SL/L004 quy định về quyền lập hội. Vì vậy, đã có một số hội được thành lập, như: Hội Luật gia Việt Nam (1955), Tổng hội Y Dược học Việt Nam (1955), Hội Y học cổ truyền Việt Nam (1957). Năm 1963, Hội phổ biến kiến thức Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được thành lập quy tụ các nhà khoa học, trí thức hoạt động trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật để tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật cho quần chúng nhân dân. Trong năm 1965, một loạt các hội được thành lập, đó là: Hội toán học Việt Nam, Hội Vật lý Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học - Kỹ thuật Mỏ Việt Nam, Hội Đúc - Luyện kim Việt Nam.
Ảnh tập thể lãnh đạo và cán bộ, nhân viên cơ quan LHHVN
Ảnh tập thể lãnh đạo và cán bộ, nhân viên cơ quan LHHVN

Tiếp đó là sự ra đời của các hội: Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam (1974), Hội Khoa học - Kỹ thuật Nuôi ong Việt Nam (1981), Hội Cơ học Việt Nam (1982), Hội Khoa học - Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam (1982), Hội Khoa học - Kỹ thuật Xây dựng Việt Nam (1982), Hội các ngành Sinh học Việt Nam (1982). Đặc biệt, cuối năm 1982 Hội liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội được thành lập và là tổ chức của trí thức khoa học và kỹ thuật đầu tiên được thành lập ở cấp địa phương.

Với sự tích cực vận động của Ủy ban liên lạc lâm thời các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, tới đầu những năm 1980, với việc hình thành nhiều hội chuyên ngành là điều kiện chín muồi để thành lập tổ chức chung của đội ngũ trí thức khoa học và kỹ thuật trong cả nước.

Ngày 26 tháng 3 năm 1983, tại Thủ đô Hà Nội, các đại biểu của 15 tổ chức hội hoạt động trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật đã tiến hành Đại hội thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Đại hội đã thông qua Điều lệ của Liên hiệp Hội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành đại diện cho tất cả 15 hội thành viên và một số trí thức tiêu biểu. Đại hội đã bầu Thiếu tướng, Anh hùng lao động, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch, đồng chí Lê Khắc, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, các nhà khoa học, nhà quản lý: Nguyễn Văn Hiệu, Đào Văn Tập, Lê Văn Thới, Đường Hồng Dật làm Phó Chủ tịch.

Ngày 29 tháng 7 năm 1983, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ký Quyết định số 121 BT “cho phép thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam do đồng chí Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được chính thức hoạt động theo Điều lệ đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất thông qua ngày 26 tháng 3 năm 1983” (trích Quyết định). Sau khi được thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp Hội Việt Nam) đã trở thành thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Việc thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam đáp ứng nguyện vọng của các hội khoa học và kỹ thuật và của đông đảo đội ngũ trí thức khoa học và kỹ thuật (khoa học và công nghệ) Việt Nam mong muốn có một tổ chức chung để tập hợp và đoàn kết, điều hòa và phối hợp hoạt động phong phú và đa dạng, để nói tiếng nói thống nhất, đề đạt nguyện vọng và ý kiến chung với Đảng, Nhà nước.

Ban Khoa giáo Trung ương, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước đã sắp xếp trụ sở làm việc cho Liên hiệp Hội tại 30B phố Bà Triệu. Sau khi Đảng Xã hội Việt Nam giải thể, năm 1986 Nhà nước đã giao lại trụ sở của Đảng Xã hội tại số 53 Nguyễn Du, Hà Nội cho Liên hiệp Hội Việt Nam làm trụ sở làm việc.

Quá trình phát triển tổ chức của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Liên hiệp Hội Việt Nam trải qua 3 giai đoạn phát triển: (1) giai đoạn 1983-1993, Liên hiệp Hội Việt Nam hoạt động như tổ chức xã hội nghề nghiệp; (2) giai đoạn 1993-2010, Liên hiệp hoạt động như một tổ chức chính trị - xã hội tự nguyện; (3) giai đoạn 2010 đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, có hệ thống 2 cấp ở Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Giai đoạn 1983-1993

Từ 15 tổ chức hội thành viên khi mới thành lập, trong quá trình hoạt động, Liên hiệp Hội tiếp tục kết nạp thêm các hội thành viên, đến năm 1988 (Đại hội II) đã có 23 hội thành viên (18 Hội ngành và 05 Liên hiệp Hội địa phương), đến  năm 1993 (Đại hội III) đã có 42 Hội thành viên gồm 34 Hội chuyên ngành khoa học và kỹ thuật (sau này gọi là Hội ngành toàn quốc) và 8 Liên hiệp Hội địa phương.

Với 42 hội thành viên hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau của khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là một tổ chức liên ngành. Mỗi hội thành viên lại là nơi tập hợp các khoa học tiêu biểu đang đảm đương những nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ, đào tạo cán bộ hoặc quản lý nhà nước tại các bộ, các ngành khác nhau. Nhiều cán bộ khoa học cao tuổi đã nghỉ hưu nhưng vẫn hăng hái tham gia hoạt động hội. Phù hợp với cơ chế đổi mới của đất nước, hội viên các hội khoa học kỹ thuật không chỉ là những người đã hoặc đang công tác trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Nhà nước, mà cả những người hoạt động trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Các Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật được hình thành ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các chi hội của các hội khoa học và kỹ thuật ngành ở địa phương tạo nên một mạng lưới tổ chức hội rộng khắp trong cả nước.

Giai đoạn 1993-2010

Đến năm 2010, quy mô tổ chức của Liên hiệp hội Việt Nam đã tăng nhanh, từ 42 Hội thành viên năm 1993 lên tới 125, trong đó có 70 Hội ngành trung ương và 55 Liên hiệp Hội tỉnh, thành phố.

Liên hiệp Hội địa phương với thành viên là các hội ngành hoạt động ở địa phương. Một số Liên hiệp Hội địa phương mở rộng việc kết nạp các hội thuộc các lĩnh vực khác như:  Hội Văn học - Nghệ thuật, Hội Nhà báo, Hội Sinh vật cảnh, Hội kế hoạch hoá gia đình...ở địa phương. Các tổ chức cơ sở của các hội khoa học và công nghệ chuyên ngành là những “thành viên kép”, một mặt là thành viên của các hội ngành trung ương và mặt khác là thành viên của Liên hiệp Hội địa phương. Ở một số Liên hiệp Hội địa phương như Hà Nội, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Lâm Đồng,.. tổ chức hội đã phát triển đến các quận, huyện; ở Hà Nội thậm chí đến tận cấp phường (Hội KHKT phường Phương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Mạng lưới cơ sở của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên phát triển sâu rộng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Khoảng 70-75% cá nhân hoạt động trong các chi hội ở các trường đại học và cao đẳng, các viện khoa học và cơ sở nghiên cứu, các cơ quan quản lí nhà nước và các tổ chức khác. Trí thức trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác đó tham gia vào các hội chuyên ngành. Giai đoạn này, các tổ chức thành viên thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam đã thu hút được khoảng 1,8 triệu hội viên, trong đó có khoảng 80 vạn hội viên là trí thức khoa học và công nghệ (chiếm gần 1/3 trí thức hiện có của cả nước).

Giai đoạn từ 2010 đến nay

Liên hiệp Hội Việt Nam đã hình thành vững chắc hệ thống tổ chức gồm 2 cấp ở trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Hệ thống tổ chức của Liên hiệp Hội Việt Nam tiếp  tục được củng cố trong quá trình hoạt động. Từ 125 hội thành viên năm 2010 đến nay Liên hiệp Hội Việt Nam đã có 149 hội thành viên, trong đó có 63 Liên hiệp Hội tỉnh, thành phố và 86 Hội ngành toàn quốc. Liên hiệp Hội Việt Nam cũng đã chú trọng đến việc thành lập các tổ chức KH&CN. Toàn hệ thống có khoảng 800 tổ chức KH&CN, trong đó các đơn vị trực thuộc Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam là gần 500. Đặc biệt, Liên hiệp Hội Việt Nam quan tâm đến việc nâng cao số lượng và chất lượng hội viên, nhất là những trí thức trẻ. Trong hệ thống Liên hiệp Hội đã có 101 cơ quan báo chí với hơn 400 ấn phẩm, 01 nhà xuất bản, 01 quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật. Đến nay, tổng số hội viên của toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam có trên 2,8 triệu người, tăng thêm hơn một triệu so giai đoạn trước, trong đó lực lượng trí thức chiếm hơn 1,5 triệu người.

Trong quá trình hoạt động, Liên hiệp Hội Việt Nam từng bước khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức trong xã hội và chuyển biến từ một tổ chức xã hội nghề nghiệp trở thành một tố chức chính trị - xã hội đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Quá trình hoạt động cũng là quá trình Liên hiệp Hội Việt Nam hoàn thiện về mô hình tổ chức, về nội dung và phương thức tập hợp trí thức. Tôn chỉ, mục đích, phương thức của Liên hiệp Hội ngày càng rõ ràng, chức năng, nhiệm vụ ngày càng được hoàn thiện. Gần 40 năm hình thành và phát triển từ một tổ chức với 15 hội thành viên, đến nay Liên hiệp Hội Việt Nam đã phát triển ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng với đại đa số các hội nghề nghiệp tập hợp trí thức và những người hoạt động có liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ với hơn 2,8 triệu hội viên. Liên hiệp Hội đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển bền vững đất nước được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận.
                                                                                                                Theo Lê Thị Thủy (vusta.vn)

Tác giả bài viết: KT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập98
  • Hôm nay5,464
  • Tháng hiện tại99,165
  • Tổng lượt truy cập2,020,507
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây