Các mục tiêu cụ thể được Hội thảo hướng đến là: Tăng cường chia sẻ thông tin giữa các tổ chức thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam và đối tác ở địa phương về kinh nghiệm quốc tế trong chuyển dịch năng lượng công bằng; vai trò của chuyển dịch năng lượng đối với phát triển bền vững ở Việt Nam; Trao đổi các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạch đảm bảo công bằng, tạo công ăn việc làm chất lượng và bảo vệ môi trường tại các địa phương; Xây dựng các đề xuất, chương trình dự án hợp tác tiếp theo để triển khai các sáng kiến cụ thể về chuyển dịch năng lượng bền vững…
Nhiều vấn đề khác cũng được nêu và nhận được sự quan tâm của các đại biểu như: tổng quan về ngành năng lượng Việt Nam, thực trạng về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, hiện trạng thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch, những khuyến nghị, đề nghị Việt Nam cần quan tâm xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý cho năng lượng tái tạo, lồng ghép các mục tiêu khí hậu, giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp… với việc sản xuất điện, khí thải carbon và công nghiệp… phương hướng, giải pháp đảm bảo an ninh cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Tại Việt Nam, việc chuyển đổi năng lượng cũng đã được đưa vào các quyết sách của Chính phủ cũng như đang được các bộ, ban, ngành ở Trung ương và các địa phương triển khai từng bước. Việt Nam cam kết chuyển đổi năng lượng tái tạo với phát thải bằng CO2 bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được cam kết này thì chuyển đổi năng lượng là một yêu cầu tất yếu, cần được triển khai sớm. Với đường biển dài, khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam có tiềm năng năng lượng tái tạo rất lớn. Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Nhờ đó, trong giai đoạn 2013 - 2019, nguồn điện năng lượng tái tạo tăng với tốc độ 31,9%. Cho đến nay, những ngành năng lượng tái tạo phát triển nổi bật tại Việt Nam là: Năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thuỷ điện. Nếu Việt Nam tận dụng được các lợi thế về vị trí địa lý và khí hậu, với các chính sách phù hợp sẽ kích thích người dân cũng như các doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo, giúp đạt được mục tiêu đề ra trong cam kết bảo vệ môi trường.
Những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp và kiến nghị đến các cơ quan có trách nhiệm giải quyết, góp phần giải tỏa những điểm nghẽn trong quá trình thực hiện việc đẩy mạnh Chuyển dịch năng lượng hướng tới sự phát triển bền vững tại Việt Nam./.